Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc sáng nay, 16/1, với lãnh đạo TP. Hà Nội và các bộ ngành về các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thủ đô.
Nêu lý do triệu tập cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định những ngày gần đây, tình hình ùn tắc giao thông đang gây bức xúc cho người dân, “đưa con đi học cũng mất mấy tiếng đồng hồ”. “Biết tình hình xấu như vậy mà không có biện pháp thì không có trách nhiệm với nhân dân”, Thủ tướng nói.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Hà Nội cần tổ chức lại giao thông một cách hợp lý, cần có biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường vận tải hành khách công cộng. Có các giải pháp chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành, nhưng thay thế vào đó không phải làm nhà cao tầng mà dành cho dịch vụ công cộng.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận nỗ lực của Hà Nội cùng sự phối hợp của các cấp, các ngành về chống ùn tắc giao thông, nhưng do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, cơ chế chính sách, nên số điểm ùn tắc không giảm đi mà còn tăng hơn. Có nhiều điểm ùn tắc kéo dài nhiều giờ, gây bức xúc cho xã hội và người dân.
Thủ tướng nhấn mạnh Hà Nội cần coi đây là nhiệm vụ quan trọng để phát triển Thủ đô bền vững. “Yêu cầu đặt ra là có lộ trình giải quyết kiên quyết hơn, có hiệu quả hơn. Không để tình trạng này kéo dài ảnh hưởng đến sự phát triển của Hà Nội”, Thủ tướng chỉ đạo và cho biết, từ kinh nghiệm của Hà Nội, Thủ tướng sẽ làm việc với TP.HCM để giải quyết tình trạng này.
Thủ tướng yêu cầu cần quản lý tốt quy hoạch của Hà Nội. "Chưa xây dựng nhà cao tầng khi phương án giao thông chưa có lối ra, tập trung mật độ cao quá ở trung tâm thì dứt khoát ùn tắc”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng phải có biện pháp cần thiết hạn chế phương tiện cá nhân theo đúng quy định pháp luật kết hợp với tuyên truyền, vận động nhân dân; phát triển các loại hình giao thông ngầm, trên cao để giảm mật độ phương tiện trên mặt đường. Quản lý chặt chẽ quy hoạch hệ thống hạ tầng, bảo đảm không chồng chéo, mâu thuẫn.
“Phải có chương trình tổng thể nhiều năm, nhưng trước mắt trong 5 năm tới, phải cơ bản hạn chế, chống ùn tắc bằng các biện pháp hết sức cụ thể và tập trung”, Thủ tướng nhấn mạnh và khuyến khích Hà Nội xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, trong đó, ưu tiên huy động nguồn lực trong nước, để không làm tăng nợ công. Thủ tướng gợi ý, nguồn lực này có thể huy động theo hình thức hợp tác công - tư (PPP).
Theo Thanh Niên
Ý kiến bạn đọc