(VnMedia) - Xét xử đại án kinh tế xảy ra tại ngân hàng Xây dựng Việt Nam; ngân hàng Agriban; vụ lừa đảo của Hoa hậu thành đạt Trương Thị Tuyết Nga - là những phiên tòa kinh tế diễn ra trong năm 2016, thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận cả nước.
Phạm Công Danh tại phiên tòa phúc thẩm. |
Đại án thất thoát 9.000 tỷ đồng tại VNCB
Đây là vụ án kinh tế lớn nhất từ trước đến nay với số tiền bị thiệt hại lên đến hơn 9.000 tỷ đồng. Chủ mưu trong vụ án này được xác định là Phạm Công Danh – cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) - Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh.
Với việc nắm VNCB, ông ta đã chỉ đạo thuộc cấp tại Tập đoàn Thiên Thanh và VNCB thực hiện các hợp đồng khống để rút tiền của VNCB nhằm trả nợ và sử dụng cá nhân.
Phạm Công Danh đã lập hàng loạt công ty con rồi thuê các nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh đứng tên để thực hiện các hợp đồng “ma” để rút tiền của ngân hàng.
Sau hơn 1 tháng xét xử và nghị án, với hai tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Phạm Công Danh bị Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên phạt 30 năm tù giam.
35 bị cáo khác trong vụ án này là thuộc cấp của Phạm Công Danh tại VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh lĩnh từ án treo đến 22 năm tù giam.
Sau phiên tòa sơ thẩm, Phạm Công Danh kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm tuyên án ngày 24/1 vừa qua, Tòa giữ nguyên toàn bộ bản án sơ thẩm ngày 9/9/2016 mà TAND TP HCM đã tuyên.
Theo đó, bị cáo Phạm Công Danh lãnh án 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 18 năm tù cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt đối với bị cáo Danh là 30 năm tù.
Ngân hàng Agribank gây thất thoát hơn 2 nghìn tỷ
Ngày 27/12, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên bản án cấp phúc thẩm với vụ án xảy ra tại Ngân hàng Agribank.
Ở vụ án này Phạm Thị Bích Lương - cựu Giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội và đồng phạm liên quan đến vụ án kinh tế gây thiệt hại gần 2.500 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Agribank.
Theo nội dung vụ án Ahmed El Fehdi (quốc tịch Canada) cùng với 4 người quốc tịch nước ngoài giữ các vai trò, chức trách quan trọng tại Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng Agribank – Chi nhánh Nam Hà Nội thông qua việc lừa ngân hàng để vay tiền rồi chuyển ra nước ngoài mua nguyên liệu.
Các đối tượng đã lập hồ sơ khống vay vốn mua máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu và chuyển nhượng 6 thương hiệu giá hàng chục triệu USD không có thật để vay vốn ngân hàng rồi chiếm đoạt số tiền được xác định gần 2.500 tỷ đồng.
Bị cáo Phạm Thị Bích Lương được xác định là chủ mưu, cầm đầu, hành vi của cựu giám đốc lặp đi lặp lại nhiều lần gây thiệt hại cho Agribank gần 2.500 tỷ đồng. Bị cáo Lương được xác định làm trái quy định của Agribank trong hoạt động cho vay, không thẩm định tài sản đảm bảo cho các khoản vay...
Vướng lao lý còn có cựu Tổng Giám đốc Agribank Phạm Thanh Tân. Phạm Thanh Tân bị y án 22 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Các bị cáo khác nhận mức án treo đến 30 năm tù giam.
Dương Thanh Cường và đồng bọn tại tòa |
Lừa đảo gần 1.000 tỷ đồng tại Agribank Chi nhánh 6
Trong năm 2016, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên án tù chung thân đối với bị cáo Dương Thanh Cường (nguyên Tổng Giám đốc và Giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng Tấn Phát) - người cầm đầu vụ án gây thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Agribank Chi nhánh 6 về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Bị cáo Hồ Đăng Trung - nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh 6 nhận 20 năm tù; bị cáo Hồ Văn Long - nguyên trưởng phòng tín dụng nhận 19 năm tù; bị cáo Lê Thành Công - nguyên Tổng Giám đốc Công ty Dệt kim Đông Phương nhận 25 năm tù.
dù không có khả năng tài chính nhưng Thanh Cường vẫn thành lập nhiều công ty với số vốn đăng ký hàng trăm tỷ đồng rồi thuê người làm giám đốc để lập hồ sơ vay vốn ngân hàng. Để có tiền kinh doanh, Cường chỉ đạo cho cấp dưới lập hồ sơ vay 170 tỷ đồng của Agribank CN6 với tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất tại số 10 đường Âu Cơ của Công ty Đông Phương cùng với bất động sản tại 44 đường An Dương Vương (Quận 8) do công ty của Cường đứng tên.
Được Cường đặt vấn đề, Hồ Đăng Trung chỉ đạo cấp dưới lập báo cáo thẩm định. Quá trình thực hiện thẩm định, dù biết dự án tại số 10 Âu Cơ chưa được phê duyệt, tài sản đảm bảo chỉ là chứng nhận tạm thời nhưng cán bộ tín dụng Agribank CN6 vẫn đề xuất cho vay.
Trong vụ việc này, bị cáo Trung được xác định đã phớt lờ quy định của ngân hàng về việc chi nhánh chỉ có quyền phán quyết cho vay tối đa 80 tỷ đồng; không xin nâng quyền phán quyết cho vay mà tự ý lấy quyết định nâng quyền phán quyết cho vay của dự án khác để hợp thức hóa hồ sơ cho công ty của Cường.
Ngoài ra, lãnh đạo và các cán bộ tín dụng của Agribank Chi nhánh 6 còn mắc hàng loạt sai phạm khác như: ký hợp đồng thế chấp tài sản không công chứng, không đăng ký giao dịch bảo đảm...
Đến tháng 10/2007, Cường tiếp tục chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ vay 628 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh 6 để thực hiện dự án Khu biệt thự nhà vườn tại xã Phong Phú (huyện Bình Chánh). Sau khi được bị cáo Trung đồng ý, Cường dùng 3 bất động sản tại quận 12, quận Bình Tân và quận 8 cùng 23 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú đem thế chấp.
Trong “phi vụ” này, bị cáo Trung được xác định là phê duyệt cho vay khi dự án chưa được phê duyệt và 23 bất động sản mà Cường đem thế chấp chưa được chuyển nhượng cho Công ty Thanh Phát nhưng lãnh đạo ngân hàng vẫn ký hợp đồng.
Trong lúcAgribank Chi nhánh 66 đang giải ngân cho công ty của bị cáo thì Cường tiếp tục chỉ đạo cho hai thuộc cấp mượn 23 tài sản đang thế chấp cho Agribank Chi nhánh 6 với lý do đi hoàn tất thủ tục rồi đem đi thế chấp cho ngân hàng khác để vay hàng trăm tỷ đồng và hàng chục nghìn lượng vàng. Hậu quả, các công ty của bị cáo Cường sau đó mất khả năng thanh toán với số tiền nợ ngân hàng gần 966 tỷ đồng.
Hoa hậu lừa đảo Trương Thị Tuyết Nga |
Hoa hậu quý bà lừa đảo
Tháng 12/2016, TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên án 15 năm tù về tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Hoa hậu quý bà thành đạt Trương Thị Tuyết Nga.
Bà Trương Thị Tuyết Nga (55 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM), nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa quốc tế Vũ Anh, nguyên Giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng Vũ Lan.
Trước đó xử sơ thẩm, TAND TP HCM tuyên phạt bị cáo Nga mức án trên, buộc bà Nga trả lại 3,1 triệu USD đã chiếm đoạt của bị hại Dương Mỹ Linh (trừ đi 27 tỉ đồng bà Nga đã khắc phục). Bà Nga kháng cáo kêu oan.
Theo bản án sơ thẩm, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2007, đầu năm 2008, bà Nga dùng nhiều thủ đoạn làm thiết kế dự án đầu tư xây dựng, lừa dối bán dự án không có thật thông qua việc ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất dự án để chiếm đoạt tiền của 2 người bị hại trên với tổng số tiền gần 55 tỉ đồng.
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao xác định bà Nga có hành vi đưa hối lộ cho một số cán bộ công tác tại Bộ Công an nhằm “giúp” không bị xử lý hình sự trong việc bán dự án và nhận 3,1 triệu USD của bà Linh.
Từ đó, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã khởi tố vụ án “đưa hối lộ”, “làm môi giới hối lộ”. Nhưng cho đến nay cơ quan này vẫn chưa khởi tố bị can nào và tách thành vụ án khác tiếp tục xử lý.
Sau khi xét xử sơ thẩm đến trước khi xử phúc thẩm, gia đình bị cáo Nga liên tục đề nghị giám định tâm thần cho bà Nga. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng cho rằng không có cơ sở cho rằng bà Nga bị tâm thần và bà đủ năng lực để tham gia xét xử.
Phương Mai
Ý kiến bạn đọc