Đề xuất bỏ quy định nuôi con nhỏ được nghỉ sớm 60 phút

17:49, 07/01/2017
|

Lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi có thể không được nghỉ 60 phút mỗi ngày nếu Luật Lao động sửa đổi, bổ sung được thông qua.

cho con bú
Ảnh minh họa

Ban soạn thảo dự án Luật lao động sửa đổi, bổ sung đề xuất bỏ quy định "Lao động nữ trong kỳ kinh nguyệt được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con dưới một tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động" (Khoản 4, Điều 155).

Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho hay các doanh nghiệp kiến nghị nên bỏ quy định trên bởi việc sản xuất gặp khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao. Nếu có quá nhiều quyền lợi cho lao động nữ khi thai sản thì doanh nghiệp khó bố trí kế hoạch sản xuất, đặc biệt là những ngành nghề như dệt may, da giầy...

Với vai trò tổ trưởng tổ biên tập dự án Luật, ông Bốn cho rằng nên giữ như hiện nay bởi đây là quy định nhân văn, lao động nữ còn làm vợ, làm mẹ, chăm sóc gia đình. Việc bỏ hay giữ quy định thì phải chờ tập hợp ý kiến, thời gian tới trình Quốc hội cho ý kiến có thông qua hay không.

Theo ông Bốn, chế độ thai sản 6 tháng cho lao động nữ của Việt Nam đang ở mức cao so với nhiều nước trong khu vực. Các quy định nên hài hòa lợi ích chủ doanh nghiệp và người lao động. Nếu ưu tiên quá thì lại trở thành rào cản cho lao động nữ. Bởi khi gánh chi phí sản xuất, tiền đóng bảo hiểm xã hội cao, doanh nghiệp sẽ tìm cách cắt giảm nhân công, không tuyển nữ.

Theo quy định hiện hành, chủ doanh nghiệp không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa nếu người đó mang thai 7 tháng, hoặc từ 6 tháng trở lên mà làm việc ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Người chủ không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với lao động nữ khi họ kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Hiện, dự án đã hết thời gian lấy ý kiến. Dự kiến, tháng 3 tới Chính phủ sẽ trình cơ quan thẩm tra Quốc hội và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tháng 4 trình Quốc hội dự án luật.

(Theo VnE)


Ý kiến bạn đọc