Viện kiểm sát hôm nay (10/1), tại phiên tòa phúc thẩm xét xử “đại án” Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Ngân hàng TMCP Xây Dựng VN - VNCB) và các đồng phạm gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng, đã đề nghị giữ nguyên hình phạt, tội danh đối với Phạm Công Danh…
Sau hai tuần xét hỏi liên quan đến các hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa đã nêu quan điểm về kháng cáo của 25 bị cáo (có 11 bị cáo không kháng cáo).
Tại phiên toà này, Danh kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, có hai bị cáo kêu oan là Phan Minh Tùng (phụ trách tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh) và Doãn Quốc Long (cán bộ VNCB), 22 bị cáo còn lại xin giảm nhẹ trong đó có 12 cán bộ ngân hàng, 3 bị cáo thuộc công ty thẩm định AMC và 7 bị cáo là giám đốc thuê.
Theo đó, đại diện Viện kiểm sát đã nêu những quan điểm cho rằng Danh là người đề ra chủ trương chỉ đạo hàng loạt hành vi sai trái gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng, cấp sơ thẩm xử Phạm Công Danh hai tội “cố ý làm trái và vi phạm các quy định về cho vay...” là đúng tội, xử bị cáo Danh 30 năm tù là đúng.
Tuy nhiên, Viện kiểm sát chấp nhận một phần kháng cáo của Phạm Công Danh, sửa một phần bản án theo hướng thu hồi số tiền từ Trần Qúi Thanh, Trần Ngọc Bích, Hứa Thị Phấn và số tiền Danh chuyển cho ông Thanh 500 tỷ đồng, thu hồi 81,1 tỷ đồng là tiền lãi.
Viện kiểm sát đề nghị giữ nguyên tội danh của các bị cáo như án sơ thẩm đã tuyên và bác kháng cáo của những cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan. Không chấp nhận kháng cáo của bà Trần Ngọc Bích, ông Trần Qúi Thanh về việc thu hồi tiền. Không chấp nhận kháng cáo của bà Trần Ngọc Bích dùng số tiền trong 8 sổ tiết kiệm để thu hồi nợ, kê biên tài sản gắn liền với đất. Không chấp nhận kháng cáo của bà Hứa Thị Phấn. Không chấp nhận kháng cáo của vợ bị cáo Phạm Công Danh về việc giải tỏa kê biên 3 căn nhà, đất thuộc sỡ hữu của bà.
Ngoài ra, đại diện Viện kiểm sát cũng đề nghị không chấp nhận kháng cáo quyền lợi của nhiều người liên quan vi phạm quy định cho vay liên quan các thành viên trong Hội đồng tín dụng Ngân hàng Đại Tín.
Cũng tại phần đưa ra quan điểm của mình, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị kiến nghị Cơ quan cánh sát điều tra, VKSND tối cao tiếp tục làm rõ 405 tỷ đồng mà Trần Ngọc Bích đã nhận nhằm truy thu thuế thu nhập cá nhân. Đề nghị kiến nghị Bộ Công an cấm xuất cảnh với các đối tượng có liên quan.
Viện kiểm sát cũng kiến nghị khởi tố ông Trần Qúi Thanh, bà Trần Ngọc Bích và 2 cán bộ ngân hàng là VũNhư Thảo, Trần Trọng Nghĩa về hành vi cố ý làm trái.
Kiến nghị Cơ quan điều tra VKSND Tối cao cần làm rõtiền lãi trong giải đoạn 2, cần làm rõ số tiền ông Trần Qúi Thanh cho Phạm Công Danh vay 16.000 tỷ đồng vì có hành vi trốn thuế.
Trước đó, vào tháng 6/2016 phiên tòa sơ thẩm của TAND TP.HCM kéo dài 40 ngày đã tuyên phạt Phạm Công Danh 30 năm tù, Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) 22 năm tù về hai tội “Cố ý làm trái…” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng…”.
Các bị cáo còn lại từ 3 năm án treo cho đến 20 năm tù giam. Bản án cũng tuyên buộc ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh bồi hoàn cho VNCB trên 4.000 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm cho rằng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo thuộc cấp thực hiện các hành vi phạm tội, thực hiện lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại 63 tỷ đồng; Thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh, Quận 10, TP.HCM gây thiệt hại 581,6 tỷ đồng.
Phạm Công Danh cũng chỉ đạo rút trên 5.000 tỷ đồng tại VNCB nhưng không được sự đồng ý và không có chữ ký của chủ tài khoản; Chỉ đạo lập hồ sơ khống cho vay gây thiệt hại 2.000 tỷ đồng, thông qua sử dụng pháp nhân của 12 Cty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và 2 pháp nhân, xây dựng các bộ hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, lập các biên bản họp HĐQT không có thật, chỉ đạo định giá nâng giá các lô đất thuộc Sân vận động Chi Lăng và lô đất tại 209 Trường Chinh, TP Đà Nẵng lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo để vay tại VNCB 5.000 tỷ đồng (đã tất toán được 300 tỷ đồng).
Ngoài ra, Phạm Công Danh cũng chỉ đạo sử dụng tiền vay trái với phương án và mục đích kinh doanh, chỉ đạo 15 cá nhân là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh, chuyển khoản hoặc rút tiền mặt với số tiền là 4,7 nghìn tỷ đồng để trả nợ. Trong đó có số tiền 1,4 nghìn tỷ đồng (trong khoản tiền 4,7 nghìn tỷ đồng)… Tổng số tiền mà ông Danh với sự tiếp sức của các bị cáo trong vụ án gây thiệt hại là trên 9.000 tỷ đồng.
Theo Lao động
Ý kiến bạn đọc