Bánh chưng ăn với dưa hành: Tinh túy ẩm thực Việt

14:25, 10/01/2017
|

(VnMedia) Sự kết hợp tinh tế giữa hương vị chua thanh của dưa hành và béo ngậy của bánh chưng khiến cho món ăn đỡ ngán, hấp dẫn hơn.

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, dường như ai trong trong chúng ta cũng nhớ tới cặp câu đối "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh". 

Cho đến nay cây nêu, câu đối đỏ dường như không còn được thịnh hành, pháo bị cấm từ lâu nhưng thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh vẫn còn là những thứ không thể thiếu trong ngày Tết. Dường như không nhà nào thiếu các món trên để trang hoàng cho mâm cỗ cúng gia tiên ngày đầu năm.

Tốt cho sức khỏe

Từ xưa ông bà ta đã biết ăn ăn bánh chưng với dưa hành (ở miền Bắc), bánh tét ăn kèm với củ kiệu (miền Nam) và dưa món (với người miền Trung) để món ăn giàu hương vị, hấp dẫn hơn.

Thực tế, những kinh nghiệm và sự kết hợp của ông bà ta là cả một quá trình rất lâu dài để tích lũy và đặc biệt là có tính khoa học. Không phải ngẫu nhiên mà ông ta bà kết hợp bánh chưng, bánh tét với dưa hành, củ kiệu hay dưa món. Đó là cả một nghệ thuật.

Nói đến bánh chưng, bánh tét là chúng ta nhớ ngay đến hương vị thơm ngon của nó. Gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, muối tiêu... được gói lá dong xanh và luộc nhừ, ép chặt tạo thành hương vị độc đáo. Đây là những hương vị kết hợp nên vị béo, nhiều tinh bột và đạm, dễ gây ngán. Đồng thời những nguyên liệu này cũng khá khó tiêu.

Theo các chuyên gia y học, bánh chưng, bánh tét là một món ăn giàu năng lượng - đầy đủ các thành phần đường, đạm, béo, vitamin và chất khoáng. 

Một góc bánh (1/8 chiếc bánh) có giá trị dinh dưỡng tương đương khi bạn ăn một bát cơm đầy với thức ăn. Mặc dù giàu năng lượng nhưng loại bánh này lại thiếu chất xơ.

Ẩm thực người Việt luôn coi trọng sự hài hòa, cân bằng trong hương vị vì thế đi kèm với sự đậm đà, ngậy béo của bánh chưng, thịt mỡ... không thể thiếu món dưa hành, củ kiệu hay dưa món thanh thanh, chua mát. Ngoài việc cân bằng hương vị món ăn, những loại rau củ lên men này còn giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn.

Trong khi bánh chưng, bánh tét giàu đạm, chất béo và tinh bột khó tiêu thì củ kiệu, dưa hành, hay dưa món lại cung cấp một lượng men vừa đủ để hỗ trợ hệ tiêu hóa, giảm thiểu nguy cơ đầy bụng.

Không những thế, loại thực phẩm này còn giúp bổ sung thêm chất xơ cho cơ thể. Bên cạnh đó, vị chua dịu, cay nhẹ và thơm của dưa hành, củ kiệu sẽ giúp gia tăng hương vị của những món ăn khác, đặc biệt kích thích tiêu hóa khi bạn ăn thực phẩm nhiều đạm, lipid, chất béo... như bánh chưng, bánh tét.

Không nên ăn nhiều

Ăn dưa hành có lợi với sức khỏe hơn ăn dưa muối (muối bằng các loại rau cải nói chung). Rau cải tính mát không nóng, ủ chua nên chỉ dùng khai vị, kích thích tiêu hóa vì nó chua nên liên quan đến nội tạng và gan.

Hành với bản chất nóng ấm, phòng ngừa lạnh mùa đông rất tốt và có lợi cho sức khỏe nên trong tất cả các trường hợp bác sĩ hay dùng hành cho bệnh nhân bị chứng bệnh hư hàn như trong thuốc cảm, thuốc xông.

Tuy nhiên, chúng ta không nên lạm dụng dưa hành quá mức, vì gây nóng làm cho cơ thể bị ngứa. Ngoài ra, cũng phải đảm bảo vệ sinh khi muối hành, nếu không thích ăn hành muối có thể trần lên ăn chứ không được ăn hành sống sẽ có thể mắc các bệnh khác đi kèm vì khâu vệ sinh chưa được sạch sẽ.

Các chuyên gia cũng cho biết, bạn không nên ăn quá nhiều bánh chưng, bánh tét với dưa hành, củ kiệu bởi lượng đạm và lượng muối trong hai loại thực phẩm có thể gây hại cho sức khỏe bạn như tăng tiết dịch vị axit dạ dày, dễ bị đầy bụng, ợ chua, khó tiêu... 

Lượng dinh dưỡng, chất đạm, chất béo hay muối quá cao trong cơ thể cũng sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới tim mạch... Do vậy, trong những ngày Tết, bạn nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, hạn chế ăn nhiều đồ béo, đường ngọt để cơ thể luôn khỏe mạnh, vui chơi trong dịp Tết.


Ý kiến bạn đọc