Đại án Phạm Công Danh: Các bị cáo "đồng loạt" xin giảm nhẹ hình phạt

19:03, 05/01/2017
|
Ngày 5/1, phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP xây dựng Việt Nam (VNCB), nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh (Tập đoàn Thiên Thanh) và 35 đồng phạm gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng bước sang ngày làm việc thứ 7.
 
Tại phiên tòa này, HĐXX tiến hành xét hỏi liên quan đến tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Ở tội danh này, các bị cáo đã “đồng loạt” kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Đối với tội danh này, bị cáo Danh và các đồng phạm được xác định đã rút 5.000 tỷ đồng thông qua việc lập khống hồ sơ kinh doanh vay tiền của 14 công ty. Trong 14 pháp nhân liên quan thì có 12 công ty được Danh nhờ thuộc cấp tại Tập đoàn Thiên Thanh đứng tên làm giám đốc. Tuy nhiên, do trừ tài sản đảm bảo (sân vận động Chi Lăng và một số bất động sản liên quan tại Đà Nẵng) nên số tiền thiệt hại của hành vi này là hơn 2.000 tỷ đồng. 
Bị cáo Mai Hữu Khương tại phiên tòa
Bị cáo Mai Hữu Khương tại phiên tòa

Tại tòa, Phan Thành Mai - nguyên Tổng Giám đốc VNCB cho biết, trong tội “Vi phạm quy định về cho vay…” bị cáo nhận thức mình có vai trò quan trọng nên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngoài ra, bị cáo Mai đề nghị xem xét lại vấn đề thẩm định giá tài sản đảm bảo theo Nghị định 26 của Chính phủ (sân vận động Chi Lăng và bất động sản ở 209 Trường Chinh, Đà Nẵng) để xác định đúng việc thất thoát và thiệt hại. Bởi, theo bị cáo Mai, mình không tác động trong việc công ty định giá của VNCB định giá các tài sản đảm bảo trên. Và chính việc thẩm định của VNCB đã được xác định là nâng giá tài sản đảm bảo giúp các bị cáo rút của ngân hàng gần 5.000 tỷ đồng. Trước đó, Mai bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 11 năm tù về tội danh này.

Trước vành móng ngựa, bị cáo Mai Hữu Khương - nguyên Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn cũng xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Khương cho rằng, việc định giá tài sản cầm cố sân vận động Chi Lăng và bất động sản 209 Trường Chinh là thiệt thòi. Bị cáo Khương bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Tương tự, tại tòa, bị cáo Hoàng Đình Quyết - nguyên Phó Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn và nguyên Giám đốc VNCB Chi nhánh Lam Giang cũng thừa nhận hành vi sai phạm trong tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Trước đó, bị cáo Quyết đã bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 10 năm tù về. Trong hành vi này, bị cáo Quyết cho rằng, mình là người thụ động trong việc nhận hồ sơ thực hiện cho vay. Đồng thời, bị cáo này cũng cho hay, việc định giá tài sản thế chấp (gồm sân vận động Chi Lăng và bất động sản ở 209 Trường Chinh) là không phù hợp và có cơ sở thu hồi tài sản thiệt hại bị cáo gây ra trong hành vi này.
 
Tiếp đó, bị cáo Hoàng Việt Thắng - nguyên Phó Giám đốc VNCB Chi nhánh Lam Giang cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Thắng bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay…”. Hoàng Việt Thắng kháng cáo để đề nghị xem xét vai trò trong hành vi phạm tội của mình. Bị cáo Thắng cho rằng, mình không phải cán bộ cấp cao của VNCB để có thể biết những hồ sơ vay chỉ là hình thức. 

Bị cáo Huỳnh Nguyên Sang – nguyên Phó trưởng phòng phụ trách kinh doanh VNCB Chi nhánh Lam Giang bị tòa sơ thẩm tuyên 5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay…”. Bị cáo Sang kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và nhận án tù treo với lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn, có công với cách mạng. Theo bị cáo này, những hành vi thiếu sót đã được nhìn nhận tại tòa sơ thẩm và bản thân làm việc vì ngân hàng, không được hưởng lợi. 

Ngoài ra, tại phiên tòa ngày 5/1, một số bị cáo khác liên quan đến tội danh này như: Trần Thanh Tùng - Giám đốc Công ty Thanh Quang, Cao Phước Nhàn - Giám đốc Công ty Phước Đại, Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Công ty Cường Tín, Lâm Kim Thu - nguyên Trưởng phòng kế toán VNCB Chi nhánh Sài Gòn… đều có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.

Theo KTĐT


Ý kiến bạn đọc