(VnMedia) - Nếu như từ những năm 90 chúng ta làm tốt, quét rộng ra 200-300m mặt đường, giống như Moskva hay một số nước đã làm thì Thành phố Hà Nội đã giầu lắm rồi, đã có đủ nguồn lực để phát triển hạ tầng, không kém gì các nước khác".
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã nói như vậy tại Hội nghị tổng kết của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, tổ chức chiều 4/1/2017.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung |
Hà Nội đang đi chệch hướng về quy hoạch
Ông Chung chia sẻ, khi đi nước ngoài, ông rất hay quan sát và khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch TP, ông đã đọc nhiều tài liệu liên quan đến Thế giới “xem họ định hướng đô thị như thế nào trong vòng 5 năm đến vài chục năm tới.”
Từ những gì nghe, thấy và đọc, ông Chung rút ra một kết luận rằng, “Chúng ta có một số định hướng để phát triển quy hoạch đô thị HN nói chung và trong đô thị lõi, nhưng tôi nghĩ chúng ta đang đi chệch hướng".
“Trước kia, quy hoạch cũ của HN là rất rõ bao nhiêu dân phải có một bệnh viện, nhưng bây giờ theo quy hoạch đưa hết bệnh viện ra ngoại ô thì người dân lại phải đi mấy chục km để đến bệnh viện. Trong khi đó, thế giới định nghĩa tương lai là từ nhà ra đến bệnh viện, đi bộ chỉ mất 15 phút” – ông Chung lấy ví dụ.
“TP của tương lai là ăn ở, sinh sống, làm việc cùng một chỗ, nếu chúng ta không cập nhật những vấn đề này thì sau này chúng ta phải trả giá” – Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Chúng ta đang phải trả giá
Đặc biệt, theo người đứng đầu TP, Hà Nội có một nguồn tài nguyên lớn nhất, đó là bất động sản nhưng đã không được tận dụng trong rất nhiều năm mà để lãng phí.
“Nếu như từ những năm 90 chúng ta làm tốt, quét rộng ra 200-300m mặt đường, giống như Moskva hay một số nước đã làm thì TP này đã giàu lắm rồi, đã có đủ nguồn lực để phát triển hạ tầng, không kém gì các nước khác. Nhưng đến bây giờ chúng ta phải trả giá, lỗi là tại chúng ta đã băm nát" - ông Chung nhấn mạnh.
“Trong năm vừa qua, tôi làm việc và thấy có những khu đất 5-7ha các đồng chí chia cho 2-3 chủ đầu tư. Không thể như thế được. Tôi không hiểu có gì chia nhau đằng sau hay không, nhưng tóm lại, làm quy hoạch kiểu đó thì không bao giờ tốt được” - ông Nguyễn Đức Chung thẳng thắn nhận xét.
Theo người đứng đầu TP, ông đã nghe thấy câu chuyện rằng, làm đồ án quy hoạch là có người đi mua bán đất và bản thân ông cũng khẳng định việc đó là có thật.
“Thực tế năm vừa qua tôi chứng minh việc đó là có thật. Khi bắt đầu cắm mốc chỉ giới đường đỏ một vài tuyến đường ở Cầu Giấy thì bắt đầu sinh ra câu chuyện mua đất, rồi sinh ra chuyện đánh chém nhau, hoá ra là đòi “xi-nhan”, mà từ nội bộ chúng ta ra cả. Có chuyện “xi-nhan” người thân người quen đi mua. Đến bây giờ chúng ta phải khẳng định chuyện đó là có thật trong thành phố của chúng ta. Cho nên nó uốn lượn, nó có chuyện kéo dài trong quy hoạch kiến trúc” - Chủ tịch Thành phố tiếp tục nêu lên những tồn tại trong vấn đề quy hoạch của TP.
Ông Chung cũng nhắc đến những hạn chế xuanh quanh vấn đề thủ tục hành chính.
“Sở QH-KT có hay không việc kéo dài? Tôi đã dành thời gian đọc kỹ các đề xuất thì thấy, đáng lẽ có vấn đề các đồng chí có thể giải quyết cho người dân chỉ trong một văn bản, nhưng các đồng chí làm 7 “vòng”. Các đồng chí phải suy ngẫm cải cách như thế nào” - ông Chung yêu cầu.
Người đứng đầu TP cũng cho biết, vừa qua, ông đã rất bức xúc về câu chuyện GPMB ở Pháp Vân - Cầu Giẽ.
“11 năm, có những gia đình 4 lần phải giải phóng mặt bằng, thế thì người ta làm sao mà ổn định được? 4 lần GPMB, 4 lần băm nhà. Có đường QL từ Xuân Mai đi Sơn Tây, GPMB lười đến mức băm đôi nhà người ta. Tôi bảo đã lấy thì lấy hết, nhưng bây giờ chỉ băm lấy 1/3 thôi, đến giai đoạn 2 lại lấy tiếp” - Chủ tịch TP nói.
Cũng nói về tầm nhìn trong quy hoạch, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, ngay từ bây giờ, các vùng nông thôn như Hoài Đức, Thanh Trì đã phải nghĩ đến việc xây nhà cao tầng ở các khu đô thị.
“Nếu tái định cư vẫn nhà liền kề, vẫn băm 30m - 40m -50m thì trong tương lai vẫn lại có những làng xã lôm nhôm. Nếu chúng ta nhìn thấy mà không sửa từ bây giờ thì chúng ta sẽ phải trả giá. Chúng ta làm ra bao nhiêu tiền thì tới đây chúng ta sẽ phải trả giá hết” - ông Chung lo lắng nói.
Liên quan chủ trương giao cho các quận, huyện các tuyến đường đã hạ ngầm, Chủ tịch TP yêu cầu phải làm quy hoạch mặt tiền hai bên đường theo các tiêu chí đã có. Phải tạo ra bộ mặt đô thị theo đúng lộ trình: trồng cây xanh, hạ cáp ngầm, chỉnh trang ánh sáng, chỉnh trang mặt tiền, lát lại vỉa hè. “Có vậy hy vọng phố sá mới tốt được” - ông Chung nói.
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc