(VnMedia) - Theo luật sư, việc cô giáo cho bắt 42 bạn cùng lớp tát vào mặt cháu Đỗ Tuấn L đã xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm và danh dự cháu này trước mặt các cháu học sinh cùng lớp. Đây là hành vi cố ý làm nhục cháu được thực hiện công khai...
Một bên má của Tuấn L. bị tấy đỏ, xước sau khi bị cô giáo cho 42 bạn tát. Ảnh: TTXVN |
Trước đó, ngày 26/12, học sinh tên Đỗ Tuấn L., học lớp 4, trường Tiểu học Ninh Sở (Thường Tín, Hà Nội) và một bạn cùng lớp nảy sinh mâu thuẫn, cãi vã.
Ngay sau khi lớp trưởng mách cô giáo chủ nhiệm rằng Tuấn L. chửi bậy, giáo viên này cho 42 học sinh trong lớp tát vào mặt em. Dù Tuấn L. kêu xót, cô T. vẫn không bảo các em dừng lại.
Vụ việc xảy ra khiến nhiều người bất bình. Trao đổi với VnMedia, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: Giáo dục tiểu học có vai trò rất quan trọng trong hệ thống giáo dục của một quốc gia, đó là nền tảng cơ bản trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trẻ em ở lứa tuổi tiểu học như Bác Hồ ví như búp trên cành cần được quan tâm, săn sóc và dạy dỗ một cách đặc biệt vì trẻ em là tương lai của đất nước. Những hoạt động của trẻ em ở trường đều phải được giáo viên ân cần chỉ dẫn, nhắc nhở. Ở trường học, các em không phải chỉ được các thầy cô dạy học chữ mà mà còn phải có vai trò uốn nắn sự hình thành nhân cách của học sinh song song với dạy chữ.
Học sinh là đối tượng của giáo dục, vì vậy phải tôn trọng lợi ích, nhu cầu của các em. Lợi ích và nhu cầu cơ bản nhất của các em là sự phát triển nhân cách. Giáo viên trong hoạt động giáo dục dạy học đều phải hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi cho các em thông qua hoạt động của mình để hình thành và phát triển nhân cách.
Sự việc em Đỗ Tuấn L đã bị cô giáo bắt 42 bạn cùng lớp tát vào mặt là hành vi đi ngược lại với mục tiêu giáo dục tiểu học để đào tạo ra một thế hệ mới, là những chủ nhân tương lai của đất nước sau này. Hành vi của cô giáo này đã đi ngược lại với tư cách, đạo đức của Nhà giáo chân chính, vi phạm nghiêm trọng nhiệm vụ của nhà giáo là luôn phải giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng nhân cách của người học; đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học.
Điều 6. Công ước LHQ về quyền trẻ em ghi nhận:
1. Các Quốc gia thành viên thừa nhận rằng mọi trẻ em đều có quyền vốn có là được sống.
2. Các Quốc gia thành viên phải bảo đảm đến mức tối đa có thể được sự sống còn và phát triển của trẻ em.
Điều 37 Hiến pháp 2013 qui định: Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
Điều 3 Bộ luật dân sự 2005 Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín
“Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”
Điều 7 Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004: Nghiêm cấm các hành vi: Hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác;
Điều 75 Luật giáo dục 2005 quy định các hành vi nhà giáo không được làm: Nhà giáo không được có các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học
Xét hành vi của cô giáo trong vụ việc này đã xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm và danh dự cháu Đỗ Tuấn L trước mặt các cháu học sinh cùng lớp bằng cách bắt 42 bạn cùng lớp tát vào mặt cháu. Đây là hành vi cố ý làm nhục cháu được thực hiện công khai.
Hậu quả cháu bé đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và sức khỏe. Hàng đêm, bé thường xuyên nói mơ và van xin các bạn đừng tát mình. Dưới sự động viên của gia đình và nhà trường, nam sinh đã quay trở lại trường học nhưng rất xa cách với bạn bè. Cháu bé còn quá ít tuổi, sự phát triển tâm sinh lý còn rất hạn chế mà cô giáo lại có hành xử nóng giận như vậy thì không thể chấp nhận được ngay với tư cách là một người bình thường chứ chưa nói là người thầy dạy.
Do đó, theo quan điểm của Luật sư, dưới góc độ pháp luật, hành vi của cô giáo đã có dấu hiệu phạm Tội làm nhục người khác. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 121 Bộ luật hình sự.
Điều 121. Tội làm nhục người khác 1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. |
Phương Mai
Ý kiến bạn đọc