(VnMedia) - "Việc vận dụng bồi thường cho ông Chấn không đúng, dẫn khoản bồi thường quá cao tạo ra chuẩn mực, các trường hợp bồi thường sau, người yêu cầu sẽ cho rằng 10 năm tù oan phải bồi thường thế này, 12 năm phải thế kia..." - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Trình bày ý kiến của mình, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh Ánh, Tòa án Nhân dân Tối cao cho rằng, việc bồi thường cho người oan sai tuy chiếm tỷ lệ rất nhỏ nhưng ảnh hưởng to lớn, khiến dư luận quan tâm đặc biệt.
Dẫn chứng trên thực tế có vụ việc mà chuyện sai sót là của cả quá trình tố tụng, xuyên suốt từ cơ quan điều tra cho đến truy tố của viện kiểm sát và ra đến xét xử tại tòa án, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói:
“Khi xử lý trách nhiệm phải xử lý cả “anh đầu” cho đến “anh cuối” nên phải cộng đồng trách nhiệm, tránh việc đùn đẩy, đá bóng trách nhiệm giữa các cơ quan. Tuy nhiên, theo dự thảo Luật, cơ quan nào có sai sót cuối cùng thì cơ quan ấy phải bồi thường oan sai” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, một bản án oan mà tòa đã tuyên thì tòa phải bồi thường. Nhưng vụ án mà tòa đã trả lại hồ sơ, chưa tuyên gì thì viện kiểm sát và bên điều tra phải chịu trách nhiệm chứ không phải tòa chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát Tối cao lại cho rằng, chọn cơ quan cuối cùng là tốt nhất. Theo đó, cơ quan nào ra quyết định sẽ đại diện đứng ra bồi thường, còn khi xác định trách nhiệm thì xác định từ cơ quan điều tra, tránh đá bóng trách nhiệm. Và đến cơ quan nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình |
Thương lượng bồi thường khó khăn, kéo dài
Về quy định mức độ bồi thường, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, vấn đề vướng nhất của bồi thường oan sai là việc xác định chi phí bồi thường, như xác định chi phí tổn thất tinh thần, sức khỏe, nghề nghiệp và nhiều chi phí khác nữa. Do đó, việc thương lượng bồi thường trên thực tế bị kéo dài lâu và Dự thảo luật trình lần này vẫn vướng.
Đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Khắc Định, đại diện của Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao dẫn chứng: “Người bị oan sai thì đòi trong khi đại diện cơ quan nhà nước thì chối. Chính vì điều này nên trong luật cần có những quy định cụ thể. Nhà nước quy định rồi thì khi Tòa hay Viện đi thương lượng sẽ dễ hơn.” đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nêu.
Trong khi đó, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng cho rằng, vấn đề khó trong giải quyết bồi thường oan sai là có những khoản vận dụng rất dễ, ví dụ như chi phí, tính trên thu nhập tối thiểu của người dân nhân với những ngày bị tù oan… Nhưng có những khoản rất lớn nhưng lại hoàn toàn mang tính định tính không thể định định lượng được, tạo ra sự tùy nghi, ví dụ như tổn hại về danh dự, sức khỏe, tinh thần… gần như mang tính ước lệ. Do đó, nếu không quy định cụ thể thì rất khó cho các cơ quan trong việc giải quyết bồi thường oan sai.
“Ví dụ như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, các cán bộ vận dụng bồi thường, khi tiến hành kiểm điểm lại thì tất các cơ quan liên quan nói việc vận dụng bồi thường cho ông Chấn không đúng, dẫn khoản bồi thường quá cao, tới 7,2 tỷ đồng. Việc này tạo ra chuẩn mực, các trường hợp bồi thường sau, người yêu cầu sẽ cho rằng 10 năm tù oan phải bồi thường thế này, 12 năm phải thế kia, 17 năm là mức này….” – Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
"Hiện chúng tôi đang chỉ đạo TAND tỉnh Bình Thuận để bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén, nếu như theo đúng khung quy định của Bộ Tài chính thì mức bồi thường cho ông Nén là rất hạn chế và nó chênh lệch khá cao so với ông Chấn, mặc dù ông Chấn tù oan 10 năm, còn ông Nén là 17 năm" - Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.
Thấu hiểu nỗi thống khổ của người bị oan sai, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, một người bị oan thì cả gia đình dòng họ chịu tổn thất. Do đó, bồi thường những khoản gì cần xác định rõ.
“Có những quy định lâu nay người ta bức xúc vì muốn bồi thường phải có hóa đơn chứng từ. Trên thực tế, người bị oan sai không thể xác định được hóa đơn chứng từ cụ thể. Về vấn đề lấy tiền ở đâu? Người làm ra oan sai không làm với tư cách cá nhân mà nhân danh nhà nước và công quyền. Do đó, tiền đền bù cho người bị oan đầu tiên phải lấy từ nhà nước, sau đó mới tính khoản bồi hoàn”- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ý kiến.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc