Ngành Tài nguyên môi trường: Nỗ lực vượt qua một năm sóng gió

19:12, 09/01/2017
|

(VnMedia) - Năm 2016, ngành Tài nguyên và Môi trường đã phải "căng mình" nỗ lực xử lý hàng loạt những vấn đề phức tạp, đặc biệt là trong lĩnh vực môi trường. 

Sáng 9/1/2017, tại Hà Nội, ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến nhằm đánh giá toàn diện các mặt hoạt động của toàn ngành trong năm 2016, triển khai kế hoạch, nhiệm vụ công tác năm 2017 và những năm tiếp theo.

Bộ Trưởng Trần Hồng Hà
Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà - ảnh: Tuệ Khanh

Nỗ lực vượt qua một năm sóng gió

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, năm 2016 là năm đầu tiên là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2021 và triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, với rất nhiều khó khăn, thách thức

BĐKH diễn ra nhanh hơn dự báo kéo theo nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như: thiên tai, rét đậm, rét hại ở phía Bắc, hạn hán kéo dài ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên, xâm nhập mặn chưa từng có ở ĐBSCL, lũ chồng lũ ở các tỉnh miền Trung.

Năm qua, trong lĩnh vực TNMT cũng nổi lên một số vấn đề như: việc sử dụng các nguồn tài nguyên chưa hiệu quả; suy thoái tài nguyên, nhất là đất đai, nước, tài nguyên biển đang diễn ra nhanh dưới tác động của BĐKH và hoạt động sản xuất, sinh hoạt thiếu bền vững;

Ô nhiễm môi trường còn nhiều phức tạp có chiều hướng gia tăng. Vẫn còn một số lượng lớn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý. Tình trạng bùng phát các điểm nóng gây ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều địa phương.

Đặc biệt, đã xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, tình hình an ninh trật tự và sự phát triển KT-XH của đất nước.

Ngoài ra, có thể kể đến hàng loạt vụ việc “nóng” mà Bộ đã phải tập trung giải quyết như: Hiện tượng cá nuôi lồng bè chết hàng loạt tại khu vực biển thuộc xã Nghi Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hóa; Công ty TNHH Chin Well Fasteners Việt Nam tại tỉnh Đồng Nai chôn lấp bùn thải trái phép; Công ty Cổ phần DAP Đình Vũ, Hải Phòng thải chất thải rắn thạch cao chứa photpho cực độc với khối lượng lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; Công ty TNHH Gạch men Hoàng Gia tại KCN Mỹ Xuân A, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành có hành vi thải khói, bụi gây ô nhiễm môi trường không khí kéo dài, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân trong khu vực; cơ sở tái chế nhựa trái phép tại huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng gây ô nhiễm môi trường; Công ty TNHH Nhà nước một thành viên xử lý và chế biến chất thải Phú Thọ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tình trạng ô nhiễm môi trường do các trang trại chăn nuôi trong khuôn viên đất Tiểu đoàn 26 và Trung đoàn 916 tại huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội; Công ty TNHH MTV Dịch vụ Môi trường Ánh Dương (Đà Nẵng) chôn lấp chất thải trái phép…

Cùng với đó, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực TN&MT nhất là trong lĩnh vực đất đai còn phức tạp; Việc giải quyết thủ tục hành chính theo khảo sát của các tổ chức quốc tế còn gây nhiều bức xúc trong nhân dân…

“Đây là những thách thức lớn đặt ra cho ngành TN&MT cần có các giải pháp trong tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn để giải quyết.” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành TNMT đồng thời cho biết, trong bối cảnh đó, ngành TN&MT đã nỗ lực, sáng tạo vượt qua các khó khăn, thách thức, hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng trên tất cả các mặt công tác, các lĩnh vực được phân công.

Theo Bộ trưởng, năm qua, công tác quản lý nhà nước về TN&MT có nhiều chuyển biến tích cực; Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hành động đã được cập nhật phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH; Công tác thanh tra, kiểm tra được đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với những vấn đề bức xúc từ thực tiễn. Toàn ngành đã triẻn khai 559 cuộc thanh tra, kiểm tra về môi trường đối với hơn 2.500 tổ chức…

Ngoài ra, nhiều điểm nóng về môi trường đã được giải quyết; Nguồn lực tài nguyên đã được phát huy cho phát triển KT-XH, trong đó riêng nguồn thu từ đất đai đóng góp 8,25% thu ngân sách nhà nước và 10,46% thu ngân sách nội địa; thu từ khoáng sản đạt trên 5.500 tỷ đồng…

Kiên quyết không cho đầu tư các dự án không bảo đảm xử lý chất thải

Phát biểu kết luận tại hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ghi nhận, biểu dương những kết quả mà ngành TNMT đã đạt được trong năm qua.

Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại mà ngành TNMT cần sớm khắc phục.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, công tác xây dựng thể chế chính sách, pháp luật vẫn còn chậm, việc điều chỉnh, bổ sung, cụ thể hoá chính sách còn chậm so với đòi hỏi của thực tiễn;

Tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ công chức đối với người dân, doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục, đặc biệt trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các thủ tục đánh giá tác động môi trường; thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng.

Đồng tình với báo cáo của Bộ TNMT về việc hiệu quả quản lý tài nguyên đã được tăng cường, tuy nhiên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý về tình trạng lãng phí về tài nguyên, sử dụng đất đai kém hiệu quả ở một số nơi còn rất bức xúc cần sớm được khắc phục. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là khai thác cát sỏi lòng sông, ven biển.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt đề nghị ngành TNMT phải sớm khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Nói về những nhiệm vụ trọng tâm của ngành TNMT trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng trước hết vẫn là hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về TNMT.

“Phải tập trung hoàn thiện thể chế. Cần rà soát để điều chỉnh bổ sung kịp thời các luật, quy định của pháp luật trong lĩnh vực TNMT, nhằm đáp ứng với đòi hỏi của thực tiễn nhằm tăng cường kiểm soát của Nhà nước trên các lĩnh vực TNMT đồng thời tạo môi trường để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển”, Phó Thủ tướng nói.

Cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị ngành TNMT cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai để khuyến khích việc tập trung đất đai nhằm thúc đấy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; Rà soát lại các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trong lĩnh vực tài nguyên môi trường…

Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý, để tăng cường kiểm soát của Nhà nước trong lĩnh vực TNMT, phải kiểm soát chặt chẽ công tác thực hiện quy hoạch; Chú ý thực hiện quy hoạch nhưng phải có kế hoạch thực hiện, tránh tình trạng khai thác khoáng sản, tài nguyên nước, đất đai tự phát, không theo quy hoạch, không có kế hoạch, lãng phí tài nguyên.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu phải tăng cường công tác thẩm định, đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư xây dựng.

“Kiên quyết không cho đầu tư xây dựng các dự án không bảo đảm các yêu cầu xử lý chất thải. Các dự án đầu tư xây dựng xong chỉ được đưa vào vận hành khi kiểm tra hệ thống xử lý chất thải bảo đảm các yêu cầu bảo vệ môi trường”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Đối với dự án của Formosa, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TNMT phải kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư công nghệ sản xuất, công nghệ giám sát môi trường và công tác quản lý môi trường bảo đảm đủ điều kiện mới cho vận hành theo thiết kế.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Bộ TNMT đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực TNMT.

“Phải đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra về công tác sử dụng đất đai, tài nguyên, xử lý nghiêm mọi vi phạm pháp luật, gây thất thoát, lãng phí. Xử lý nghiêm các cán bộ, công chức gây phiền nhiễu người dân và doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

“Tuy nhiên quá trình thanh tra, kiểm tra phải không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị cần tổng điều tra, rà soát phân loại các nguồn gây ô nhiễm ra sông, biển, không khí tại các đơn vị lớn; xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc