(VnMedia) - Đồng tình với các ý kiến về việc cần tăng thời gian dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị tăng thời gian chất vấn ngay từ Kỳ họp tới, lên 3 ngày thay vì 2,5 ngày như các kỳ trước.
Nguyễn Thị Kim Ngân |
Chiều 19/12, Thường Vụ Quốc hội đã đánh giá kết quả kỳ họp thứ 2 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Kỳ họp thứ 2 vừa qua do Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày nhận định, kỳ họp thứ 2 là kỳ họp tạo dấu ấn mạnh mẽ với cử tri bởi tính tranh luận, góp phần giúp các phiên họp sôi nổi và tập trung hơn.
Kết quả kỳ họp đã thể hiện sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng đoàn Quốc hội và sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị; sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, tinh thần làm việc tận tụy, khẩn trương của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan; sự tham gia tích cực, chủ động, đóng góp ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội.
Báo cáo đặc biệt ghi nhận sự bắt nhịp nhanh, hăng hái, thẳng thắn của đại biểu Quốc hội mới tham gia Quốc hội lần đầu trong các hoạt động của Quốc hội…
“Thành công của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV tiếp tục khẳng định tinh thần trách nhiệm, tư tưởng đổi mới không ngừng của Quốc hội trên cơ sở luôn lắng nghe, lấy lợi ích của cử tri và nhân dân làm mục tiêu, phương châm hành động" - Báo cáo nhấn mạnh.
Tăng thời gian chất vấn thêm 0,5 ngày
Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ dành 14,5 ngày xem xét, thông qua 13 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết; Cho ý kiến đối với 8 dự án luật.
Quốc hội sẽ dành 7 ngày để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, bao gồm xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.
Quốc hội dành 1 ngày cho việc đánh giá giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.
Tại Kỳ họp tới, Quốc hội sẽ dành 3 ngày để Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV; nghe chất vấn và trả lời chất vấn.
Dự kiến Quốc hội làm việc 22,5 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào thứ hai, ngày 22/5/2017 do ngày 20/5 là ngày thứ sáu và bế mạc vào thứ tư, ngày 21/6/2017, trong đó không bố trí Quốc hội làm việc ngày thứ bảy để bảo đảm thời gian nghỉ, nghiên cứu tài liệu của đại biểu Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, qua tổng hợp ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội về đánh giá, rút kinh nghiệm kỳ họp, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn lên 3 đến 3,5 ngày để đại biểu có thêm thời gian tranh luận, làm rõ vấn đề nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
“Vì vậy, đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép từ kỳ họp thứ 3 trở đi bố trí 3 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp" - ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đa số ý kiến đều đánh giá cao chất lượng kỳ họp thứ 2 vừa qua, đặc biệt là hoạt động chất vấn, tranh luận trực tiếp. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, thời gian thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn còn ngắn nên có đại biểu đang nói cũng bị ngắt, dù chỉ cần thêm khoảng 10-15 giây.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận xét, so với các khoá khác thì kỳ này các đại biểu tham dự lần đầu đã tiến bộ nhanh, phát biểu tốt, được chuẩn bị kỹ càng; không khí tranh luận đã được cải tiến. Theo bà Nga, các đại biểu cũng rất hài lòng vì Quốc hội đã chọn được Bộ trưởng trả lời chất vấn trúng và đúng, hợp với ý nguyện của người dân. Các Bộ trưởng cũng thấy đó là sự công bằng vì các vấn đề đó là các vấn đề đang bức xúc, dư luận cử tri quan tâm.
Bà Nga cũng đánh giá điều hành của đoàn Chủ tịch về cơ bản là tốt, đại biểu hăng hái phát biểu. “Tuy nhiên, nhiều vấn đề đại biểu rất quan tâm nhưng thời gian bố trí đủ, một số đại biểu đang phát biểu dở, còn 1-2 câu nữa, chỉ cần khoảng 10-15 giây nhưng cũng bị cắt" - bà Nga nêu vấn đề.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cũng đề nghị cần có thêm thời gian để trả lời chất vấn. Với những câu trả lời còn nợ do thiếu thời gian, bà Nga cho rằng, đó không phải là vấn đề riêng giữa Bộ trưởng với đại biểu mà đây là chất vấn trực tiếp, công khai trước toàn dân nên phần trả lời cũng phải công khai cho tất cả các đại biểu.
Kết luận buổi họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý với quan điểm rằng thời gian chất vấn phải tăng vì chưa thoả mãn được đại biểu Quốc hội. Đồng ý nên tăng thời gian chất vấn lên thành 3 ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng thời lưu ý, “tất cả các lời hứa của Thủ tướng và các Bộ trưởng trả lời bằng văn bản phải có báo cáo sớm và công khai".
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu hình thức biểu quyết có tên để từng bước minh bạch hoá. “Vì tán thành hay không là bình thường, nhưng không hiểu sao có người không biểu quyết. Cứ công khai minh bạch cho cử tri biết và đánh giá chính đại biểu mình bầu lên" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc