TP Tam Kỳ: Một người dân bị thu trắng hơn 300 m2 đất!?

13:41, 29/12/2016
|

(VnMedia) Ngày 25/12, Báo điện tử VnMedia nhận được đơn thư phản ánh của ông Phạm Bá Lỏi (SN 1933, trú khối phố 4, phường An Xuân, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), liên quan đến việc UBND TP Tam Kỳ thu hồi 307 m2 đất không đúng quy định pháp luật.

Một mảnh đất hai quyết định thu hồi khác nhau

Có mặt tại khu đất bị thu hồi nằm dọc đường Quốc lộ 1A, chị Phạm Thị Huệ (SN 1969, con gái ông Lỏi) cho biết, năm 1985, bố của chị Huệ tiến hành khai hoang, vỡ hóa một lô đất tại khối phố 4, phường An Xuân, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Diện tích đất khai hoang là 1.177 m2 đất tại thửa đất số 5, tờ bản đồ số 20 và 28 để sản xuất làm ăn và sinh sống. Trên mảnh đất này, ông Phạm Bá Lỏi xây dựng một ngôi nhà và chăn nuôi bò heo, trồng cây ăn quả lâu năm.

Chị Phạm Thị Huệ trình bày sự việc với Phóng viên.
Chị Phạm Thị Huệ trình bày sự việc với Phóng viên.

"Là người chăm chỉ khai hoang, vỡ hóa nên bố tôi (ông Phạm Bá Lỏi - VP) được nhận giấy công nhận "Nông dân sản xuất giỏi" của phường Hội Nông dân Việt Nam phường An Xuân vào năm 1995. Khu đất gần 1.200 m2 đất của gia đình tôi cũng không xảy ra tranh chấp với bất cứ ai cho đến nay", chỉ khu đất của gia đình, chị Huệ nói.

Đến năm 2001, UBND thị xã Tam Kỳ (cũ) đã thu hồi 870 m2 đất của ông Lỏi để làm đường Nguyễn Hoàng và gia đình được bồi thường theo Luật Đất đai. Tổng số tiền đền bù là 11.237.500 đồng. Trong đó tiền đền bù đất là 3.482.400 đồng và tiền đền bù cây cối, hoa màu là 6.795.500 đồng. Trừ đi số đất bị thu hồi làm đường, gia đình ông Lỏi còn lại 307 m2 đất.

"Mọi chuyện không có gì đáng bàn thì đến giữa năm 2013, UBND TP. Tam Kỳ ra quyết định thu hồi số đất còn lại của gia đình tôi. Đến ngày 16/5/2013, UBND TP. Tam Kỳ tiếp tục công bố số tiền đền bù cây trên đất là 856.000 đồng, không đền bù giá đất cho 307 m2 đất còn lại, nên gia đình tôi không đồng ý và có đơn khiếu nại", trong đơn phản ánh chị Huệ viết.

Đến ngày 13/1/2014, TP Tam Kỳ tiếp tục ra quyết định 141/QĐ-UBND hỗ trợ bổ sung tiền cây cho gia đình lên 16.885.000 đồng, tuy nhiên vẫn giữ nguyên quyết định không bồi thường tiền đất cho gia đình ông Lỏi.

"Nộp đơn khiếu nại lên UBND TP. Tam Kỳ, họ cho rằng việc bồi thường về đất thuộc thửa 17, tờ bản đồ giải thửa phục vụ bồi thường của dự án (được Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh phê duyệt ngày 04/10/2012) nằm trong phạm vi đất do công ty TNHH MTV ĐT&PT Kỳ Hà - Chu Lai quản lý, sử dụng. Còn nguyên trước đây UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) cấp cho Xí nghiệp vàng Bồng Miêu và cho rằng ông Lỏi không trực tiếp canh tác 5 năm qua, nên UBND TP. Tam Kỳ không công nhận nội dung đơn thư khiếu nại.

Khu đất bị thu hồi nằm dọc đường Quốc lộ 1A
Khu đất bị thu hồi nằm dọc đường Quốc lộ 1A

"Trong khi đó, gia đình còn giữ Biên bản kiểm kê đền bù giải tỏa (Công trình Đường tránh Quốc lộ 1A (đoạn qua thị xã Tam Kỳ) do Ban đền bù GPMB QL 1A Tam Kỳ ký vào ngày 20/9/2001, trong đó ghi rõ loại đất (số m2), công trình xây dựng (nhà tạm có mái tôn, vách tre, ao cá), cây trồng lâu năm, đều ghi tên cha tôi là Phạm Bá Lỏi. Nếu không công nhận số đất gần 1.200 m2 của gia đình tôi, sao Ban đền bù GPMB QL1A Tam Kỳ có thể tính giá đền bù 870 m2 thành tiền là 3.482.400 đồng được", chị Huệ phản ánh.

Tại biên bản về giải quyết công tác bồi thường giải phóng mặt bằng lập ngày 14/11/2013, ông Võ Văn Đường, Chủ tịch UBND phường An Xuân ký xác nhận: "Sau khi kiểm tra xem xét và đối chiếu thực tế đối với hộ ông Phạm Bá Lỏi, UBND phường An Xuân xác định thửa số 5, tờ bản đồ số 20 và 28 diện tích 307 m2 của ông Lỏi đang canh tác cây cối và hoa màu tại thửa đất nêu trên là đúng".

Về phía UBND TP Tam Kỳ cũng xác nhận trong Quyết định số 2201/QĐ-UBND do ông Trần Nam Hưng, Phó chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ ký năm 2014 cũng thừa nhận: "Từ năm 1985 đến nay đã sử dụng không có ai tranh chấp, chỉ 5 năm trở lại đây, ông Lỏi không trực tiếp canh tác".

Chỉ vào bức ảnh cây lâu năm trong vườn mà mình ôm, chị Phạm Thị Huệ phản biện: "Khu đất của gia đình tôi được trồng hơn 30 năm qua. Đa phần là cây cối lâu năm, chứ không chỉ cây hoa màu. Nếu bố tôi không canh tác làm sao ra vườn hoa màu, cây cối như vậy. Không thể nói cha tôi không trực tiếp canh tác để rồi thu toàn bộ 307 m2 đất mà không đền bù như thế".

Chị Huệ đặt câu hỏi thắc mắc, tại sao cùng một mảnh đất, năm 2001, gia đình được đền bù đất theo quy định. Nhưng 13 năm sau, TP Tam Kỳ lại ra quyết định thu hồi số đất còn lại và không đền bù thỏa đáng.

Ảnh do nhân vật cung cấp.
Ảnh do nhân vật cung cấp.

Cũng vì điều này, chị Huệ thay mặt bố nộp đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân (TAND) TP. Tam Kỳ vào ngày 14/6/2016 và sau đó lên TAND tỉnh Quảng Nam vào ngày 7/9/2016.

Tuy nhiên, hai tòa đều không ra quyết định bồi thường tiền đất mà ông Lỏi đáng được hưởng trong 307 m2 đất UBND TP. Tam Kỳ thu hồi. Duy nhất TAND TP. Tam Kỳ xác nhận chỉ đền bù tiền cây cối của ông Lỏi, trong khi TAND tỉnh Quảng Nam lại bác toàn bộ quyết định của TAND TP. Tam Kỳ, cũng như không đồng ý bồi thường tiền đất cho gia đình ông Lỏi.

Quyết định của tòa án chưa hợp lý?!

Chia sẻ cùng PV, luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt (Văn phòng Luật sư Phiệt và Cộng sự; địa chỉ 61 Hải Phòng, TP. Đà Nẵng) phân tích: "Căn cứ pháp luật để xác định nguồn gốc đất theo quy định pháp luật thì tại thời điểm ngày 14/11/2013; Chủ tịch UBND phường An Xuân xác nhận: “Sau khi kiểm tra xem xét và đối chiếu thực tế đối với hộ ông Phạm Bá Lỏi, UBND phường An Xuân xác định theo hồ sơ 60 (tức nghị định 60/CP), thuộc thửa số 5, tờ bản đồ số 20 và 28, diện tích là 307.0 m2 của ông Lỏi đang canh tác cây cối và hoa màu tại thửa đất nêu trên là đúng”. Nội dung này cũng đã được đại diện của BQL các dự án ĐT&XD Tam Kỳ xác nhận".

"Đến ngày 19/11/2013; Ban quản lý và UBND phường An Xuân xác định một lần nữa là “công san lấp mặt bằng và tôn tạo đất trên diện tíc 307 m2 của ông Lỏi”.

Khu đất bị thu hồi.
Khu đất bị thu hồi.

Theo “Thông báo kết quả thẩm tra xác minh” số 1100/TB-CATP ngày 27/11/2014 của Công an TP. Tam Kỳ đã xác nhận một lần nữa, diện tích đất mà ông Lỏi đang quản lý, sử dụng có các nội dung; mà theo đó, theo quy định của Luật Đất đai qua các thời kỳ thừa nhận rằng đây là quyền sử dụng của ông Lỏi; như là: sử dụng ổn định từ năm 1985, trước ngày 15/10/1993; việc sử dụng, canh tác cho đến nay không có ai tranh chấp; quan trọng hơn cả là không có quyết định thu hồi 307 m2 đất theo đúng trình tự pháp luật đất đai qua các thời kỳ quy định.

Việc Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Quảng Nam viện dẫn một quyết định số 1687/QĐ-UB ngày 06/9/1988, theo đó có diện tích đất 5.500 m2 đất thuộc thửa số 17 và cho rằng 307 m2 đất này có trong 5.500 m2 đất trên là không đúng bản chất sự thật, bởi lẽ, trong khi đó, theo 03 nội dung nêu trên thì đều xác 307 m2 đất trên thuộc thửa số 5, tờ bản đồ số 20 và 28 là của ông Lỏi.

Việc Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Quảng Nam áp dụng điểm h, khoản 1, điều 64 luật đất đai 2013 quy định “đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục” thì bị thu hồi và không được bồi thường về đất là không đúng sự thật khách quan; bởi lẽ, như đã trình bày, 307 m2 đất nêu trên khi kiểm kê cây lâu năm và hoa màu ngắn hạn (rau muống: chu kỳ số dưới 3 tháng) có đầy đủ và xác định của ông Lỏi; và theo quy định pháp luật đất đai năm 2013 đã đủ điều kiện để xác lập quyền sử dụng đất; tại khoản 1, điều 101, như sau: “Hộ gia đình, cá nhânđang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.

Đến phiên xét xử phúc thẩm, người kháng nghị là VKSND tỉnh Quảng Nam không trình bày ra trước Hội đồng xét xử (HĐXX) một tài liệu nào cho thấy ông Phạm Bá Lỏi đã có một quyết định được cho là “vi phạm pháp luật về đất đai”. Tuy nhiên, HĐXX đã bỏ qua yếu tố chứng minh trong quá trình xét xử vụ án dân sự là không khách quan, không đúng bản chất sự thật của vụ án; việc này dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của công dân.

Hơn nữa, bản án sơ thẩm của TAND TP. Tam Kỳ đã có nhận định đúng khách quan, bản chất sự thật khi quyết định buộc UBND thành phố Tam Kỳ phải thực hiện hành vi hành chính: “Ban hành quyết định thu hồi đất; quyết định bồi thường các tài sản gắn liền với trên đất là cây cối hoa màu đã được kiểm kê đối với diện tích 307 m2 tại thửa số 5, tờ bản đồ số 20 và 28 thuộc khối phố 4, phường An Xuân, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đối với hộ ông Phạm Bá Lỏi theo quy định pháp luật, đồng thời có quyết định hỗ trợ chi phí đầu tư vào đất”.

Thiết nghĩ, UBND TP. Tam Kỳ cần xem xét lại việc thu hồi 307 m2 đất của ông Phạm Bá Lỏi, cũng như đền bù thỏa đáng số tiền đền bù đất đai, cây trồng trên đất mà ông Lỏi đã bỏ công sức khai hoang suốt hơn 30 năm qua đối với mảnh đất này, đúng với quy định pháp luật.

Tú Ân 


Ý kiến bạn đọc