Những quy tắc ứng xử sẽ sớm không còn tác dụng

12:46, 25/12/2016
|

Nhiều nhà nghiên cứu nhận định Bộ quy tắc ứng xử áp dụng cho công chức và Bộ quy tắc ứng xử áp dụng nơi công cộng mà Hà Nội dự kiến ban hành sẽ sớm trở nên không có tác dụng.

 

Bộ phận thực hiện thủ tục hành chính một cửa tại UBND Q.Long Biên, Hà Nội	 /// Ảnh: Ngọc Thắng
Bộ phận thực hiện thủ tục hành chính một cửa tại UBND Q.Long Biên, Hà Nội /// Ảnh: Ngọc Thắng

Bộ quy tắc ứng xử áp dụng cho công chức mà Sở VH-TT Hà Nội đang trình UBND TP.Hà Nội gồm 6 chương, 16 điều có thể sẽ được ban hành vào ngày 1.1.2017.

Quyền có mùi riêng, hình riêng.

"Có hai vấn đề. Thứ nhất là người ta mặc gì là quyền của người ta, xăm hình cũng vậy thôi. Người ta làm cái gì trên cơ thể 
là quyền của họ. Tất nhiên đi làm thì tránh hở hang quá, hay không nên phô trương các hình xăm nơi công sở
".

Họa sỹ Phạm Huy Thông


PGS-TS Hà Thị Mai Hiên, thuộc Viện Hàn lâm KHXH VN, bật cười vì quy định về sử dụng nước hoa, mặc váy trong Bộ quy tắc ứng xử cho công chức Hà Nội (đang là dự thảo). Trong đó nêu rõ: “sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phù hợp”, “mặc váy dài đến gối”. Bà Hiên hoàn toàn không hiểu như thế nào là sử dụng nước hoa phù hợp và mặc váy dài đến gối để làm gì

“Dùng nước hoa thì sao, không phù hợp là thế nào. Công chức mà đến công sở thì chỉ cần ăn mặc không trái với hoạt động chung chứ lại mặc trên với dưới đầu gối. Cái đấy nó có ảnh hưởng gì đâu. Còn nước hoa thì không bàn đến rồi, vì mỗi người có một mùi hương riêng”, bà nói.

Họa sĩ Phạm Huy Thông, người đã đăng đàn nhiều lần để bảo vệ quyền lợi của người xăm mình, cũng có quan điểm tương tự. “Có hai vấn đề. Thứ nhất là người ta mặc gì là quyền của người ta, xăm hình cũng vậy thôi. Người ta làm cái gì trên cơ thể là quyền của họ. Tất nhiên đi làm thì tránh hở hang quá, hay không nên phô trương các hình xăm nơi công sở. Còn thì xăm vẫn là quyền của người ta”, ông nói.

Hồi tháng 6 vừa qua, đại hội xăm hình nghệ thuật quốc tế vừa được tổ chức tại Hà Nội, thu hút khá đông người trẻ. Theo ông Thông, nhiều người hiện thích xăm các hình xăm nhỏ như các ký tự thiêng, các hình cung hoàng đạo lên cổ tay, ngón tay. “Nhìn về lịch sử dân tộc Việt ngày xưa ai cũng có hình xăm hết. Không chỉ thời người dân thể hiện lòng yêu nước của mình bằng hình xăm Sát Thát đâu. Trước đó, các bộ lạc của mình cũng đã xăm hình lên người rồi”, ông Thông bày tỏ.

Về điều này, bà Hiên cũng cho rằng: “Chẳng lẽ giờ mặc váy ngắn lại giống như ngày xưa lấy kéo cắt của người ta. Mà quay lại thế thì thế giới người ta cười cho”.

PGS-TS Nguyễn Hoàng Ánh, ĐH Ngoại thương (Hà Nội), cho biết bà từng được mời góp ý kiến cho dự thảo này. Quan điểm lúc đó của bà là thấy việc soạn thảo bộ quy tắc không khả thi. Bộ quy tắc này, theo bà, muốn có hiệu quả phải được xây dựng trên nền tảng luật và văn hóa. Vì thế, khi bộ quy tắc nói đến chuyện “không tạo phe nhóm” thì khó hiểu và khó áp dụng. “Luật có quy định chống tham nhũng, chứ còn tôi không rõ chơi với bạn bè thế nào là phe nhóm. Lúc đó tôi đã nói việc này không khả thi”, bà Ánh chia sẻ.

Chồng chéo

Cả 2 dự thảo quy tắc ứng xử trên của Hà Nội không nói đến chữ cấm, nhưng nó có thưởng phạt. Chẳng hạn, đối với công chức thực hiện chưa tốt hoặc vi phạm, tùy mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trong cơ quan, đơn vị. Hay với các hành vi nơi công cộng, các tổ chức, cá nhân thực hiện chưa tốt hoặc có hành vi vi phạm, tùy mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình, lên án trên phương tiện thông tin đại chúng.

Tuy nhiên, đáng nói là nhiều quy định trong 2 bộ quy tắc đã được quy định trong các văn bản luật. Chẳng hạn, nội dung: “Không thả rông vật nuôi nguy hiểm, đe dọa an toàn tính mạng người khác” được đưa ra trong Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng thì luật Giao thông đường bộ cũng quy định về việc để súc vật (chó, mèo…) đi trên đường không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện giao thông. Theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, hành vi trên sẽ bị phạt tiền từ 60.000 - 80.000 đồng. Người vi phạm cũng có thể bị xử lý theo quy định của luật Hình sự và bồi thường theo luật Dân sự.

Tương tự, nội dung trong quy tắc ứng xử nơi công cộng: “Không tập kết rác, đổ hóa chất độc hại và nước thải tùy tiện” thì luật về môi trường cũng quy định phạt các hành vi này từ 100.000 đồng đến 2 triệu đồng theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Rồi hành vi bán hàng giả là cấm tuyệt đối theo luật thì trong bộ quy tắc lại nêu dưới dạng “không nên”.

PGS-TS Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng Hà Nội chỉ cần tập trung làm nghiêm các quy định đã có thì văn minh đô thị cũng rất tốt rồi. Chưa kể, còn phải tính đến chuyện ai đi giám sát áp dụng quy định nữa. “Mình có luật Thủ đô thì bộ quy tắc phải giống như một văn bản dưới luật, căn cứ vào luật Thủ đô thì nó mới được. Chứ bây giờ nói thế này cũng trời ơi đất hỡi. Ai đi đo váy. Tôi xăm ở vai, tôi mặc áo không hở vai thì lại có người đi lật vai tôi lên à. Ai đi ngửi nước hoa để biết thế nào phù hợp”, bà Ánh nêu câu hỏi.

PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học, cho rằng: “Thực ra nó cũng chồng chéo. Xét đến cùng, không cần ra cái bộ quy tắc ứng xử này lắm. Vì trên thực tế những văn bản liên quan đến quy ước ứng xử nơi công cộng, nội quy quy chế của cơ quan này cơ quan kia, hay trong luật Cán bộ công chức đã có rồi. Bộ quy tắc này nói thẳng ra nó không có tác dụng về lâu dài”, ông Bình nói.

Sử dụng nước hoa phù hợp nghĩa là đừng sử dụng nhiều quá, đừng phản cảm, đừng để cho người khác khó chịu. Không ai cấm mình dùng nước hoa, son phấn nhưng mà phải dùng thế nào cho nó vừa phải, nhất là cán bộ công chức viên chức khi đến trụ sở làm việc. Ví dụ anh không nên xịt nhiều nước hoa quá bởi vì có những người không thích mùi đó, hoặc người ta dị ứng mùi nước hoa. Cho nên anh phải làm cho nó rất nhẹ thôi. Son phấn cũng vậy, đến cơ quan thì không nên đánh quá lòe loẹt hoặc quá nhiều. Trang điểm nhẹ nhàng là phù hợp. Nói chung hình xăm không khuyến khích mà cán bộ cũng không được xăm. Không ủng hộ. Nói cấm thì chả ai cấm cả. Không cấm nhưng người ta nói cán bộ chả hay ho gì đi xăm vào người cả. Nhưng anh cố tình làm cũng chẳng ai bắt được anh. Người ta chỉ khuyến cáo anh không nên làm. Tất nhiên, người ta sẽ đưa ra phê bình, sẽ phản ứng và nhắc nhở. Nghe hay không là chuyện của anh.
Cái quy tắc này phải nhắc lại những điều đã quy định trong luật, đã có rồi nhưng vi phạm vẫn cứ xảy ra. Một đằng phạt mà không làm thì một đằng mình phải phản ứng, tức là lên án. Lên án thì có nhiều hình thức để lên án. Họp hành lên án, nhắc nhở, thậm chí là đưa hình ảnh đó lên thông tin đại chúng. Phạt có khi người ta không sợ mà bêu tên lên người ta lại sợ. Mình phải dùng nhiều biện pháp.

Mọi người, mọi cơ quan đều có quyền lên án. Ai thấy cái xấu đều có quyền bêu và bêu thì không ai phản ứng cái chuyện đó cả. Những người bị bêu cũng không có quyền gì trong cái chuyện này vì người ta đã khuyến cáo anh như thế rồi mà anh vẫn cố tình làm thì người ta có quyền đưa lên.

Ông Tô Văn Động,  Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội


(Theo Thanh niên)


Ý kiến bạn đọc