(VnMedia) - Do làm ăn thua lỗ, trong lúc túng quẫn người thương binh đó đã quyết định bán đi mảnh đất mình đang ở. Người mua trả giá thấp, nhưng do cần tiền nên ông đã ký giấy thỏa thuận và nhận trước một khoản tiền. Đến khi tính lại, ông không muốn bán nữa và xin trả lại tiền cho người mua, vậy nhưng lúc này ông số tiền ông phải trả lại là con số “trên trời”...
Mua bán nhanh, thủ tục siêu tốc
Theo trình bày của bà Vũ Thị Khang (SN 1958, trú tại thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) thì chồng bà là ông Bùi Đình Khang (SN 1952, là thương binh), do làm ăn thua lỗ nên cuối năm 2011 vợ chồng bà có rao bán nhà (nhà số 41, phố 4, thị trấn Cành Nàng) để lấy tiền trả nợ. Đến ngày 1/2/2012, anh Trương Công Tuyến (ngụ tại thị trấn Cành Nàng) đến hỏi mua, lúc đó trong nhà chỉ có chồng bà. Sau một hồi bàn bạc, anh Tuyến và ông Khang đã thỏa thuận giá là gần 1,3 tỷ đồng. Anh Tuyến đã đưa trước cho ông Khang 460 triệu đồng, ông Khang đã giao giấy tờ nhà cho anh Tuyến đi làm thủ tục chuyển nhượng.
Sau đó 3 ngày, đến ngày 9/3/2012, anh Tuyến được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) trên phần diện tích đã mua bán với ông Khang. Phía gia đình ông Khang không đồng ý với việc mua bán này, phía anh Tuyến thì đòi ông Khang phải nhận nốt tiền và giao nhà, hai bên vẫn không thống nhất được nên sau đó anh Tuyến đã làm đơn khởi kiện ra tòa.
Đến sáng ngày 6/3/2012, anh Tuyến đã nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất tại Kho bạc Nhà nước. Chiều cùng ngày, UBND thị trấn Cành Nàng đã mời hai bên tới để hòa giải việc ông Khang không muốn bán nhà nữa, tuy nhiên hai bên không thỏa thuận được số tiền mà phía ông Khang phải bồi thường do hủy hợp đồng. Ngày 2/3/2012, ông Khang cùng anh Tuyến đã ra UBND thị trấn Cành Nàng làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đóng dấu xác nhận. Tuy nhiên, sau khi thỏa thuận và nhận tiền của anh Tuyến, đến khi ông Khang về nói chuyện lại thì mọi người trong gia đình mới biết, thấy ông một mình tự quyết việc bán nhà là không ổn, mọi người đều phản đối. Sau đó ông Khang đã phải liên hệ với anh Tuyến để xin trả lại tiền, không bán nhà nữa nhưng anh Tuyến không đồng ý. Vợ chồng ông bà Khang đã làm đơn và gửi lên chính quyền địa phương để xin hủy hợp đồng bán nhà.
Hợp đồng vô hiệu
Ngày 19/9/2013, TAND huyện Bá Thước đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ việc tranh chấp hợp đồng mua bán nhà và các tài sản gắn liền với đất nêu trên. Tại phiên tòa, hai bên vẫn giữ nguyên những quan điểm của mình trong vụ mua bán này. Trước đó, anh Tuyến có yêu cầu định giá toàn bộ giá trị nhà đất đang tranh chấp, Hội đồng định giá đã kết luận giá trị của nhà đất đang tranh chấp này là gần 2,5 tỷ đồng (lgiá thỏa thuận là gần 1,3 tỷ đồng). Anh Tuyến đã khởi kiện bổ sung yêu cầu gia đình ông Khang phải bồi thường toàn bộ tiền chênh lệch thiệt hại hợp đồng cùng số tiền phí làm thủ tục cho mình.
Sau khi xem xét, TAND huyện Bá Thước đã tuyên bản hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và mua bán nhà ở giữa hai bên đã ký kết với nhau là vô hiệu về mặt hình thức. Lý do là phía bên bán chỉ có một mình ông Khang đứng ra ký (không có vợ con cùng ký). Tòa đã yêu cầu UBND huyện Bá Thước thu hồi sổ đỏ đã cấp cho anh Tuyến.
Căn cứ định giá tài sản tài sản tranh chấp tại thời điểm đó là gần 2,5 tỷ đồng, tòa đã tuyên vợ chồng ông Khang phải trả lại số tiền 460 triệu đồng đã nhận của anh Tuyến; phải bồi thường tiền thuế, lệ phí chuyển đổi cùng khoản thiệt hại hợp đồng... Tổng cộng gia đình ông Khang phải trả cho anh Tuyến hơn 688 triệu đồng.
Ngôi nhà của vợ chồng ông Khang đến nay đã bị kê biên |
Bác kháng cáo vì chậm... nộp tạm ứng án phí
Ngày 4/10/2013, ông Khang đã nộp đơn kháng cáo. Ngày 25/10/2013, TAND huyện Bá Thước đã có thông báo cho ông Khang phải nộp tạm ứng án phí phúc thẩm trong vòng 10 ngày. Tuy nhiên, ông Khang vốn là thương binh (bị chấn thương sọ não) - đối tượng được miễn giảm án phí, lệ phí (theo Pháp lệnh Án phí, lệ phí tòa án), hơn nữa ông Khang lại tuổi cao, lại có bệnh nên phải nằm viện nên đến ngày 6/12/2013 ông Khang đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm và có đơn trình bày lý do nộp chậm của mình.
TAND huyện Bá Thước cũng đã có công văn 03/CVTA gửi Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bá Thước đề nghị thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm cho ông Khang. Vậy nhưng sau đó TAND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định số 01/2014/QQD-PT ngày 25/3/2014 về việc không chấp nhận kháng cáo quá hạn của ông Khang vì chậm nộp tiền tạm ứng án phí.
Bà Khang trình bày, vợ chồng bà đã làm đơn gửi lên TAND, VKSND Tối cao và các cơ quan khác để đề nghị xem xét lại vụ việc theo thủ tục Giám đốc thẩm. Lý do TAND tỉnh Thanh Hóa bác kháng cáo quá hạn của ông là chưa đúng, bởi chồng bà kháng cáo quá hạn là có lý do chính đáng. Theo khoản 1, điều 6 Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐTP quy định “lý do chính đáng” là trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác (thiên tai, lũ lut; do ốm đau, tai nạn phải điều trị tại bệnh viện...).
Hơn nữa, giữa ông Khang và anh Tuyến mới chỉ có giấy viết tay (ngày 1/3/2012) thể hiện việc anh Tuyến cam kết mua nhà, anh Tuyến trả trước 460 triệu đồng. Ngày hôm sau, hai bên có ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại UBND thị trấn nhưng lúc đó chỉ một mình ông Khang ký, không có các thành viên khác trong gia đình tham gia.
Đến khi mọi người trong gia đình biết chuyện và phản đối thì ngay ngày hôm sau ông Khang đã tìm gặp anh Tuyến để xin trả lại tiền nhưng không được. Từ lúc nhận tiền đến lúc xin trả lại và hủy giao kèo chỉ vỏn vẹn có mấy ngày mà giờ đây số tiền ông phải bồi thường lên đến hơn 200 triệu...
Chưa kể đến nội dung của bản hợp đồng hai bên ký kết với nhau và được chứng thực tại UBND thị trấn Càng Nàng cũng nhiều sai sót: Thiếu chữ ký của các thành viên khác trong gia đình ông Khang; Không có thỏa thuận về giá trị chuyển nhượng và phương thức thanh toán; Không thỏa thuận về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; Không thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng... Và cuối cùng, ngôi nhà của vợ chồng bà Khang vẫn bị người ta kê biên, định giá để bồi thường chỉ bởi lần chồng bà “bút sa gà chết”...
Thanh Thảo
Ý kiến bạn đọc