Thành phố yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội phải nêu rõ được sự cần thiết, thực trạng, dân số, mục đích, yêu cầu an sinh tại các khu chung cư, thực trạng tham gia của các nhà đầu tư trong thời gian qua, xác định tiêu chí các khu chung cư cũ cần được cải tạo, giải pháp, lộ trình triển khai và tổ chức thực hiện.
Thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng, cơ chế, chính sách đặc thù trong cải tạo chung cư cũ; tổ chức hội thảo; hoàn thiện cơ chế; dự thảo tờ trình báo cáo Thường trực Thành ủy, HĐND thành phố, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đối với các nội dung đặc thù theo thẩm quyền quyết định, thực hiện xong trước ngày 31/1/2017.
Ngoài ra, Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, cùng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các quận phải đề xuất UBND Thành phố chỉ đạo chung về nguyên tắc xác định ranh giới các khu chung cư cũ để thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà ở chung cư cũ trên địa bàn Thành phố; định hướng quy hoạch - kiến trúc để làm căn cứ hướng dẫn các đơn vị được giao lập quy hoạch chi tiết 1/500 các khu chung cư cũ và xác định mốc thời gian hoàn thành theo yêu cầu của UBND Thành phố. Về nội dung này phải báo cáo UBND Thành phố trước ngày 20/12/2016.
Hiện Thành phố Hà Nội đang có khoảng 42 chung cư ở 5 quận được đánh giá cấp độ nguy hiểm trong đó có 39 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ C, 1 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ B, 2 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ D cần phải di dân gấp.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho TP.HCM được áp dụng cơ chế đặc thù trong việc cải tạo chung cư cũ. Theo đó, Thành phố sẽ phân cấp cho UBND cấp quận, huyện thực hiện việc kiểm định, thẩm định, phê duyệt phương án tháo dỡ nhà chung cư xuống cấp nghiêm trọng.
Đồng thời, TP.HCM áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang trong tình trạng hư hỏng nặng, cấp độ cực kỳ nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ trong thời gian ngắn.
Khánh An
Ý kiến bạn đọc