Chủ tịch Hà Nội: Cứ tắc đường là người dân đi xe lên vỉa hè

13:42, 26/12/2016
|

(VnMedia) - "Ở nước ngoài, khi ùn người ta xếp hàng trật tự, đi lại bình thường, còn mình thì cứ tắc đường là sẵn sàng leo xe lên vỉa hè ngay lập tức, tranh nhau đi. Xe máy chèn vào lấn lên đi, chồng chéo… dẫn đến ùn tắc” - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói.

tắc đường
Tắc đường là người dân leo xe lên vỉa hè

Sáng 26/12, tại hội nghị tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ-CP của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội và TP.HCM, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định trong thời gian tới sẽ huy động toàn bộ lực lượng để giảm ùn tắc giao thông.

Theo đó, nói về giải pháp tiếp tục giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, Ban an toàn giao thông Thành phố đã chỉ đạo Công an Thành phố Thành phố ngoài các giải pháp đồng bộ thì trong thời điểm này, Hà Nội chấp nhận sử dụng mọi nhân lực để hạn chế ùn tắc giao thông.

Cụ thể sẽ huy động, tăng cường quân số toàn bộ lực lượng từ cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông đến dân phòng, công an quận, huyện, trật tự phường… để xử lý, giải tỏa ùn tắc trong giờ cao điểm. Các học viên của Học viện Cảnh sát cũng sẽ được huy động ra các điểm nóng ùn tắc giao thông dịp sát Tết.

Chủ tịch Hà Nội cho biết hiện nay lực lượng cảnh sát giao thông của Hà Nội rất mỏng. “Ở Bắc Kinh, dân số gấp 3 lần Hà Nội nhưng họ có 9.500 cảnh sát giao thông, 8.000 dân phòng, còn Hà Nội chỉ có 1.400. Thủ đô London của nước Anh, số lượng cảnh sát giao thông cũng gấp hơn 3 lần Hà Nội. Lực lượng cảnh sát chung của London là 45.000 nhưng Hà Nội chỉ có 9.500. Rất khó khăn. Giao thông của người ta đã rất tốt rồi nhưng họ vẫn phải sử dụng con người để điều hành giao thông vào giờ cao điểm.” - ông Chung nêu ví dụ.

Chủ tịch Thành phố cũng “ngậm ngùi”: "Ở nước ngoài, khi ùn người ta xếp hàng trật tự, đi lại bình thường, còn mình thì cứ tắc đường là sẵn sàng leo lên vửa hè ngay lập tức, tranh nhau đi. Xe máy chèn vào lấn lên đi, chồng chéo… dẫn đến ùn tắc". Ông Chung yêu cầu các đơn vị của Hà Nội quyết liệt triển khai các giải pháp chống ùn tắc của Thành phố.

“Đặc biệt, Sở GTVT phải huy động hết lực lượng thanh tra giao thông; Chủ tịch các quận huyện đôn đốc lực lượng dân phòng, sáng từ 6h30 đến 8h30, buổi chiều từ 16h đến 19h, phải căng người ra” - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Cũng theo ông Chung, trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục siết chặt việc xe tải đi vào thành phố, phân lại luồng tuyến toàn bộ xe khách liên tỉnh để giảm ùn tắc giao thông.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Cứ tắc đường là người dân leo lên vỉa hè

Theo đó, thời gian qua Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT bổ sung quy hoạch vận tải hành khách từ các tỉnh vào Hà Nội. Hiện nay, toàn bộ quy hoạch đã được phê duyệt. Cụ thể, Thành phố đã họp và thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải, bắt đầu từ ngày 1/2/2017 sẽ tiến hành phân luồng phân tuyến toàn bộ hệ thống xe khách các tỉnh theo đúng quy hoạch, không cho các xe khách chạy xuyên tâm, xuyên tuyến. Sẽ cố gắng sắp xếp các xe liên tỉnh vào các bến, đảm bảo đúng luyền tuyến.

Hà Nội cũng đã bố trí đủ số xe buýt và các tuyến buýt để kết nối với xe vân tải hành khách liên tỉnh, đảm bảo thuận tiện người tham gia giao thông khi vào Thành phố, tránh ùn tắc.

Ông Chung cũng yêu cầu các quận, huyện phải giám sát chặt chẽ tất cả các dự án đào đường, vỉa hè, đảm bảo thi công trong đêm, sáng ra phải gọn ghẽ, không để đống cát đất trên vỉa hè. Đồng thời, quán triệt xe rác phải giảm tải trong giờ cao điểm, tính toán hợp lý tránh gây ùn tắc; xe vận tải chở vật liệu phải xử lý nghiêm, chỉ được hoạt động sau 21 giờ và trước 6 giờ sáng.

Cũng tại buổi hội nghị, Chủ tịch Hà Nội cho biết, từ ngày 1/1/2017, tuyến buýt nhanh Hà Nội sẽ chính thức hoạt động.

“Hiện có rất nhiều ý kiến trái chiều về tuyến buýt nhanh Hà Nội từ người dân về các chuyên gia. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn đang triển khai BRT theo đúng chủ trương, mục tiêu đề ra. Ngân hàng Thế giới cũng giám sát rất sát sao dự án này”, Chủ tịch Chung nói.

Theo ông Chung, điểm bất cập của dự án này là đã nghiên cứu cách đây 10 năm đến nay mới hoàn thành và chậm tiến độ kéo dài nhưng nếu có tuyến đường riêng thì vẫn sẽ hoạt động hiệu quả. Khi đi vào hoạt động chính thức, Hà Nội sẽ thực hiện nghiêm túc nhất để phát huy hiệu quả, giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn.

“Trong quá trình thực hiện, chúng tôi sẽ cùng các chuyên gia tiếp tục quan sát và kịp thời chấn chỉnh những bất cập phát sinh. Hà Nội rất kỳ vọng vào tuyến buýt này” - ông Chung nói.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc