Thiền - Liệu pháp phục hồi bằng khoa học tâm thức

13:41, 26/12/2016
|

(VnMedia) - “Gần đây, thế giới chú trọng hơn việc tìm hiểu khả năng phục hồi bệnh từ luyện tập thiền. Đây là mối quan hệ giữa bệnh tật và tâm trí” - Tiến sĩ Ginny Whitelaw- Giám đốc học viện lãnh đạo thiền Mỹ cho biết.

Theo bà Ginny, thiền là một bộ môn khoa học tâm thức có tác dụng lớn với sức khỏe tinh thần, đang được các nước trên thế giới quan tâm và đưa vào trường học tại các nước như Mỹ, Châu Âu… Gần đây, khoa học chứng minh là thực hành thiền lâu năm và đều đặn, sẽ cho trí tuệ tinh thông, sáng tạo, minh mẫn, giúp phát triển các trực giác và làm chủ năng lượng. Người hành thiền luôn ở trong tâm thế cân bằng và tỉnh thức để nhận biết mọi chuyện xảy đến với mình và hành xử theo hướng tích cực nhất.

Thiền có tác dụng phục hồi không?

Là một người thực hành, giảng thiền và là một doanh nhân gần 16 năm qua, bà Sridevi Tố Hải cho biết, “sau những năm hành thiền, bản thân tôi nhận thấy thiền giúp cải thiện sức khỏe mà chúng ta có thể thấy được sau khi luyện tập trong một thời gian ngắn. Còn những thay đổi trong tâm trí và tinh thần thì cần nhiều thời gian hơn, đó là một nguồn năng lượng mới cho chúng ta tư duy tích cực và cách nhìn cuộc sống mới dễ chịu hơn. Đặc biệt, ứng dụng thiền vào lãnh đạo doanh nghiệp giúp tối trở thành một doanh nhân thiền”.

Theo bà Tố Hải, khi học thiền các vấn đề tâm linh được hiểu một cách rõ ràng dựa trên cơ sở khoa học. “Cùng thực hành và chứng kiến sự thay đổi tâm trí, sức khỏe cải thiện rõ rệt không chỉ qua cảm nhận mà bằng các chỉ số kiểm tra càng thúc đẩy tôi đến con đường sức khỏe bền vững này ngày mạnh mẽ hơn”- bà Hải cho biết.

Theo TS Ginny, đối với cơ thể, thiền giúp thúc đẩy sản xuất serotonin, làm cho tâm trạng vui vẻ hơn vì khi thiền, cơ thể được nghỉ ngơi. Khi cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ, mức độ miễn dịch tăng lên giúp cơ thể ngăn chặn rất nhiều bệnh. 

Về mặt tâm trí, lợi ích đầu tiên và quan trọng nhất của thiền là giảm căng thẳng. Lấy hơi thở làm gốc, và cơ thể là một công cụ, thiền mỗi ngày sẽ giúp cho tâm trí luôn tươi mát, định tĩnh, sáng suốt và là cơ sở để cho trí tuệ có cơ hội được nảy mầm. Thiền cũng giúp bạn tập trung và không suy nghĩ về quá nhiều việc cùng một lúc. Rất có thể, bạn sẽ nghĩ ra cách giải quyết cho các vấn đề, sau khi thiền. Chính vì vậy mà ngày càng có nhiều doanh nhân tìm đến thiền hơn.

Về mặt tinh thần, thiền là một quá trình chuyển biến từ bên trong. Thông qua thiền tập, người hành thiền có khả năng nhận biết mọi việc diễn ra xung quanh trong trạng thái tỉnh thức và dần cảm thấy bản thân của mình bình tĩnh hơn, tập trung hơn từ đó nhìn nhận mọi việc trở nên rõ ràng và sâu sắc hơn. Khi tâm một người có thể đạt được sự tĩnh lặng và quan sát được mọi việc, bản thân người tu tập dần có một cuộc sống tinh thần phong phú, cởi mở khoáng đạt hay còn gọi là sự “ngộ” trong cuộc sống hằng ngày.

Cần lưu ý gì khi thiền?

Kết quả hành Thiền sẽ khác nhau do khả năng tập trung tư tưởng của mỗi người và tùy thuộc vào nhiều yếu tố xung quanh như chế độ ăn uống, sinh hoạt, giao tiếp… Thiền được xem là một liệu pháp bổ sung được dùng song hành với các biện pháp chữa bệnh chính thống khác. Do đó việc gia giảm hoặc thay thế các loại thuốc trong việc điều trị phối hợp với Thiền cần theo sự chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.

Dữ liệu phân tích khoa học của nhiều tổ chức uy tín trên thế giới chỉ ra, 85-90% bệnh tật là do bất ổn trong tâm trí gây ra. Người ta còn gọi đó là biệnh lý tâm thể, là minh họa rõ ràng nhất mối liên hệ giữa hệ thần kinh và hệ miễn dịch. Khi tinh thần buồn rầu, suy sụp, bực tức, cơ thể sản xuất ra hormon corticoid làm giảm sức đề kháng của hệ miễn dịch. Nếu tình trạng ấy diễn ra nhanh chóng, cơ thể sẽ tự khắc phục được. Nhưng nếu tình trạng tiêu cực diễn ra thường xuyên, kéo dài, đặc biệt là sau những cú sốc tâm lý lớn hoặc do cách sống, thế giới quan của cá nhân sẽ khiến hệ miễn dịch suy giảm. Đây là cơ hội để bệnh tật xâm nhập và tàn phá cơ thể.

Có rất nhiều bệnh lý phát sinh hoặc trở nên trầm trọng hơn do tinh thần suy giảm, lối sống tiêu cực chi phối. Về hệ tiêu hóa, đó là chứng viêm loét dạ dày, tá tràng, viêm đại tràng kích thích... Về hệ tuần hoàn là chứng cao huyết áp, nhồi máu cơ tim… Về hệ nội tiết là cường giáp, tiểu đường… Về da liễu là chàm, vảy nến… Một số vấn đề về sức khỏe có thể ảnh hưởng từ tâm lý bất ổn như: mất ngủ, đau nửa đầu, viêm khớp dạng thấp, hen suyễn… Rõ ràng, không thể phủ nhận mối quan hệ giữa sức khỏe tâm trí với điều kiện thể chất của một người.

Hiện có một phương pháp Thiền đã được chính thức đưa vào giảng dạy và thực hành lâm sàng tại nhiều trường và bênh viện ở phương Tây và một số trường đại học lớn ở Mỹ như Umass, Standford, Duke, Virginia, San Francisco… là MBSR (Mindfulness Based Stress Reduction- Giảm stress dựa trên sự tỉnh giác). MBSR được xem là một liệu pháp bổ sung giúp điều chỉnh tinh thần, cảm xúc và cải thiện sức khỏe. Phục hồi thể chất từ phục hồi tâm trí, đó chính là cơ chế chữa bệnh của thiền.

Văn hóa thiền trong doanh nghiệp

TS Ginny Whitelaw chia sẻ, hiện nay, Thiền không chỉ ứng dụng để chữa trị bệnh mà Thiền còn được đưa vào các doanh nghiệp, được xem là văn hóa công ty. Trên thế giới có Apple và Google cũng như nhiều công ty lớn sớm nhận ra lợi ích của thiền, đưa thành hoạt động chung của cả công ty. “Tôi đã làm việc với các nhà lãnh đạo công ty lớn cũng như các doanh nhân và các nhà lãnh đạo công ty nhỏ trong nhiều năm. Các lãnh đạo công ty lớn thường tiếp xúc với đào tạo phát triển nhiều hơn là kinh doanh, đối tác công ty nhỏ của họ. Vì vậy, họ thường tìm hiểu thêm về những thứ như thiết lập tầm nhìn và chiến lược, trí tuệ cảm xúc, hoặc phát triển con người. Điểm khởi đầu cho tất cả các lãnh đạo là thực sự hiểu mình là ai, bởi vì cơ thể này là hệ thống thân-tâm-năng lượng của bản thân một người và là công cụ một người có thể lãnh đạo. Sự hiểu biết của một người là có thể nông hoặc sâu, nhưng Thiền làm cho nó thực sự vô hạn, cho phép khả năng lãnh đạo có thể đạt được một cách đầy đủ nhất”.

 


Ý kiến bạn đọc