6 trận đánh đi vào lịch sử của Bộ đội Pháo phòng không và Không quân Việt Nam

14:17, 25/12/2016
|

Pháo phòng không 100 mm bắn rơi máy bay địch bay thấp ban đêm; phi công trẻ của Không quân nhân dân Việt Nam “hạ đo ván” phi công lão luyện được mệnh danh “chuyên gia chống MiG” của Không quân Mỹ...

Dưới đây là 6 trận đánh của Bộ đội Pháo phòng không và Không quân, trong số những trận đánh độc đáo của lực lượng PK-KQ đã được Bảo tàng PK-KQ giới thiệu với công chúng...

Trận đầu tiên bắt sống giặc lái trên đất Cảng

Đó là trận đánh ngày 1/11/1966 của Trung đoàn Pháo phòng không 240 (Sư đoàn phòng không 363, Quân chủng PK-KQ). Trong trận đánh này, ta đã bắn rơi 1 máy bay A-4E của Mỹ và bắt sống giặc lái. Tính độc đáo của trận đánh này thể hiện ở chỗ Đại đội 72 (Trung đoàn 240) đã bám sát mục tiêu, đánh thắng thủ đoạn dùng tốp nhỏ, chiếc lẻ bay với độ cao thấp để đánh lén của địch. Đây cũng là trận thắng đầu tiên ta bắt sống giặc lái Mỹ trên đất cảng Hải Phòng

Pháo 100 mm bắn rơi máy bay địch bay thấp ban đêm

Trận đánh nói trên diễn ra ngày 17/3/1968. Trong trận đánh này, pháo 100 mm của Trung đoàn pháo phòng không 220 (Sư đoàn phòng không 361, Quân chủng PK-KQ) đã bắn rơi 1 máy bay cường kích A6-A của địch.

Yếu tố độc đáo phải kể đến trong trận đánh này là pháo 100 mm vốn thường được sử dụng để bắn máy bay ban ngày ở độ cao trung bình, song trận này đã được sử dụng đánh đêm, bắn rơi tại chỗ máy bay bay ở độ cao thấp (khoảng 400 - 600 m) bằng phần tử ra-đa.

Phát huy truyền thống của đơn vị từng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ cầu Hàm Rồng, chiến sĩ pháo phòng không Trung đoàn 228, Sư đoàn 365 luôn tích cực huấn luyện, không ngừng nâng cao khả năng SSCĐ.

Đánh cầu Hàm Rồng bằng bom điều khiển, máy bay của địch bị diệt gọn

Trận đánh diễn ra ngày 7/5/1972, do Trung đoàn Pháo phòng không 228 (Sư đoàn Phòng không 365, Quân chủng PK-KQ) tiến hành, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cầu Hàm Rồng, huyết mạch giao thông của ta lúc bấy giờ.

Trong trận đánh này, pháo cao xạ của ta đã thực hành “ôm sát” mục tiêu, đánh thắng thủ đoạn chiến thuật bổ nhào ném bom có điều khiển bằng tia la-de của Không quân Mỹ, bắn rơi 1 máy bay A.3J. Đây chính là yếu tố độc đáo của trận đánh này. Đây cũng là trận đánh thắng đầu tiên của Trung đoàn pháo phòng không 228 trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của Mỹ ra miền Bắc.

Phi công trẻ bắn rơi “chuyên gia chống MiG”

Ngày 12/5/1967, Trung đoàn Không quân 923 (Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng PK-KQ) đã cho xuất kích biên đội 4 chiếc MiG-17, do các phi công Cao Thanh Tịnh, Lê Hải, Ngô Đức Mai, Hoàng Văn Kỷ điều khiển.

Biên đội 4 chiếc MiG-17 đã quần thảo với đội hình 24 máy bay F-4 và F-105 của Không quân Mỹ. Kết quả, 3 máy bay của địch đã bị bắn rơi.

Phi công Ngô Đức Mai và Nguyễn Hiếu trao đổi kinh nghiệm chiến đấu

Yếu tố độc đáo của trận đánh tưởng như không cân sức này là phi công trẻ của Không quân nhân dân Việt Nam Ngô Đức Mai (khi đó có khoảng 300 giờ bay) đã sử dụng máy bay MiG-17 dũng cảm, sáng tạo bắn rơi máy bay của phi công có 25 năm cầm lái, “chuyên gia chống MiG” của Mỹ (phi công Norman C. Gaddis, có khoảng 4.200 giờ bay).

Với trận đánh này, các phi công Việt Nam cũng đã đập tan trận không chiến kiểu mẫu của Mỹ trong chiến thuật tìm chống MiG của Lầu Năm Góc.

Máy bay của Không quân nhân dân Việt Nam xuất kích bảo vệ bầu trời trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ

Lần đầu “én bạc” bắn trúng “pháo đài bay”

“Chủ nhân” của chiến công này là phi công Vũ Đình Rạng. Anh đã sử dụng “én bạc” MiG-21, bắn bị thương 1 chiếc “pháo đài bay” B-52 của Mỹ vào ngày 20/11/1971.

Yếu tố độc đáo của trận đánh này thể hiện ở chỗ, đây là lần đầu tiên trên thế giới và Việt Nam, MiG-21 cất cánh ở sân bay dã chiến ngắn hẹp, bắn trúng và làm hỏng nặng máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ.

Chiến công độc đáo và xuất sắc này đã khẳng định máy bay MiG-21 hoàn toàn bắn rơi được B-52 của Mỹ. Trận đánh không chỉ củng cố niềm tin cho các phi công của ta, mà còn giúp Không quân nhân dân Việt Nam rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu để góp phần đánh thắng “pháo đài bay” B-52 của Mỹ trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972.

Những chiếc MiG-17 đã từng gắn bó với các phi công Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Phi công nhiều giờ bay nhất của Mỹ bị phi công trẻ Việt Nam “hạ gục”

Trong trận đánh ngày 11/5/1972 của Trung đoàn Không quân 927 (Sư đoàn không quân 371, Quân chủng PK-KQ), biên đội 2 chiếc MiG-21 gồm Ngô Văn Phú và Ngô Duy Thư đã xuất kích chiến đấu, bắn rơi 2 máy bay, gồm 1 chiếc F-4 và 1 chiếc F-105.

Tính độc đáo của trận đánh này thể hiện ở chỗ,Ngô Văn Phú, phi công trẻ của Không quân nhân dân Việt Nam (có khoảng 250 giờ bay khi đó), cùng đồng đội dũng cảm xuất kích, bằng cách đánh sáng tạo đã bắn rơi một phi công kỳ cựu của Mỹ là Trung tá Joseph W.Kittinger, có khoảng 7.300 giờ bay và là một trong 10 phi công chiến thuật có nhiều giờ bay nhất nước Mỹ khi đó.

(Theo Báo QĐND)

 


Ý kiến bạn đọc