Vì sao tuyến đường Lê Văn Lương luôn bị tắc nghẽn?

07:10, 08/11/2016
|
(VnMedia) - Sự ách tắc giao thông trên tuyến đường Lê Văn Lương (đoạn ngã tư đường Láng - Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân) nhiều năm nay đã khiến người dân tham gia giao thông vô cùng bức xúc.
 
Dọc tuyến đường Lê Văn Lương dài hơn 1km đang có 33 dự án bất động sản cao 21-33 tầng với mật độ dân số khoảng 80 nghìn người. Câu hỏi đặt ra: tại sao các cơ quan quản lý lại tiếp tục phê duyệt cho các dự án cao tầng dày san sát nhau trên tuyến đường này? PV đã có cuộc trao đổi với TS Đào Sỹ Nghiêm - nguyên kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội.
 
Hiện tuyến đường Lê Văn Lương còn 15 dự án chưa triển khai
Hiện tuyến đường Lê Văn Lương còn 15 dự án chưa triển khai
 
- Phóng viên: Ông Lý giải vì sao khi tuyến đường Lê Văn Lương đang bị ách tách cục bộ nhưng các cơ quan chức năng vẫn phê duyệt cho các dự án triển khai?
 
TS Đào Sỹ Nghiêm: Để phê duyệt dự án trước hết cơ quan chức năng phải căn cứ vào cơ sở pháp lý đã được phê duyệt cụ thể là quy hoạch. Tuy nhiên, vấn đề ở đây đó là quy hoạch và kế hoạch chưa trùng khớp với nhau. Kế hoạch chưa xác định đầy đủ các dự án ưu tiên được làm và người cấp phép đầu tư chưa nhìn nhận theo thứ tự dự án ưu tiên cần làm. Nhưng, xét về tổng thể thì việc triển khai các dự án ày là phù hợp quy hoạch nhưng không phù hợp với việc xác định các dự án triển khai. Đấy là tồn tại. Vấn đề đặt ra là phải có phân kỳ quy hoạch. Ví dụ, Thủ đô Hà Nội đất xây dựng đô thị đang có 18 nghìn ha nhưng quy hoạch đặt ra đến năm 2020, phải đặt 74 nghìn ha. Như vậy, các dự án phát triển phải nằm trong danh giới diện tích đất đã được quy hoạch. 
 
Chúng ta phải đặt vấn đề kế hoạch 5 năm phải dùng bao nhiêu quỹ đất, bao nhiêu dự án được triển khai. Căn cứ vào đây các nhà quản lý mới cho phép các dự án triển khai. Từ đó, mới tìm được sự hài hòa giữa quy hoạch và thực tế.
 
- Hiện nay các chủ đầu tư đều nói dự án đã được phê duyệt, vì vậy việc triển khai dự án tại thời điểm nào là phụ thuộc vào họ. Như vậy, nếu các chủ đầu tư đều đồng loạt triển khai dự án thì điều gì sẽ xảy ra? 
 
Sau khi Hà Nội mở rộng, các chủ đầu tư khi đầu tư các khu đô thị mới phải xác định tiến độ, kế hoạch. Vậy không thể nói, đã giao dự án rồi thì thích thực hiện lúc nào thì tùy được. Chính vì vậy, Hà Nội đã từng có các đợt rà soát tiến độ các dự án. Nếu các dự án không làm đúng tiến độ thì sẽ thu hồi. Cụ thể đã có khoảng 500 dự án bị dừng triển khai. 
 
Năm 2015, Hà Nội mới hoàn thành quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa quy hoạch chung tất cả các khu vực. Do vậy, việc cần làm phải rà soát lại các dự án cho phù hợp.
 
- Theo ông, hiện có giải pháp nào phù hợp để giải tỏa ách tắc cho tuyến đường Lê Văn Lương?
 
Tuyến đường Lê Văn Lương là tuyến đường nối giữa Hà Nội và Hà Tây cũ. Thời điểm đó, Hà Nội mở tuyến đường Lê Văn Lương và có cơ chế chỉ định nhà đầu tư thực hiện các dự án hai bên đường. Hà Tây mở tuyến đường Lê Văn Lương nhưng lại có cơ chế đổi đất lấy hạ tầng. Vì có sự khác nhau trong hình thức đầu tư nên dẫn đến tình trạng như hiện nay.
 
Mới đây, chính phủ đã thay đổi nghị định 11/2013 trong đó quy định trách nhiệm kết nối hạ tầng giao thông trong các khu đô thị mới là thuộc về Nhà nước. Tuy nhiên, hiện tại Nhà nước đang kêu gọi các nhà đầu tư phải thực hiện nhiệm vụ này. Tuyến đường Lê Văn Lương là tuyến đường điển hình của sự bất cập này. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh lại cho phù hợp.
 
Khánh An (ghi)

Ý kiến bạn đọc