Trào lưu cho con học kích hoạt não: lợi bất cập hại!

20:21, 25/11/2016
|

Gần đây, các lớp học kích hoạt não trẻ nở rộ ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Lợi đâu chưa thấy, nhưng đứa trẻ luôn có sự tưởng tượng lạ khiến nhiều cha mẹ phát hoảng. Nhiều chuyên gia cho rằng, chưa có cơ sở khoa học gì về vấn đề này.

Thực tế lớp học cho thấy, các em học sinh còn nhỏ tuổi, thậm chí là có cả những người lớn sẽ được tham gia những khoá đào tạo rất đặc biệt. Theo nội dung quảng cáo, các học viên sẽ phải bịt mắt lại sờ vào một đồ vật và đoán màu sắc. Sau khi học, các chức năng của não có thể cải thiện khả năng học tập hiệu quả gấp nhiều lần, nhằm tối ưu hóa khả năng hoạt động của não bộ.

Tuy nhiên, chia sẻ về điều này, cô giáo Minh Thu, Trường mầm non Trần Quý Kiên, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: "Gần đây, một bộ phận phụ huynh rộ lên cho con đi học học kích hoạt não. Sau một thời gian, một vài đứa trẻ nói rằng nhìn thấy một người lạ đi lại trong nhà mình. Thậm chí, thỉnh thoảng ở ngoài đường trẻ cũng nhìn thấy người ở chỗ vắng vẻ. Điều này khiến cháu cảm thấy sợ hãi".
 

naophai (2).jpg
Trẻ đang trong giờ học kích hoạt não

Là một giáo viên từng học chuyên ngành tâm lý, Đại học Sư phạm Hà Nội, cô Thu cho rằng, hoạt động kích hoạt não trẻ nhằm mở "giác quan thứ 6" của trẻ chưa được Bộ Giáo dục kiểm định mà mới chỉ dừng ở việc có một số trung tâm tự phát thực hiện. Cha mẹ cần thực sự tỉnh táo về những quảng cáo như "giáo dục sớm", "phát lộ thiên tài từ nhỏ".

"Hiện nay, chưa có một công bố khoa học nào về tác dụng và tính an toàn của phương pháp này. Tuy nhiên, một số tác hại của phương pháp này có thể thấy rất rõ ràng", Tiến sỹ Vũ Thu Hương, Khoa giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định.

Tiến sỹ Vũ Thu Hương dẫn chứng, một em bé thần đồng có thể sẽ khiến người khác ngạc nhiên ngay tức thì khi so sánh với em nhỏ khác nhưng lại rất dễ gây ra hiện tượng “ảo tưởng” về bản thân. Tâm lý mình sắp trở thành siêu nhân rất dễ khiến trẻ ảo tưởng, thiếu khiêm tốn, phá phách, không muốn nghe lời khuyên của người khác. Bên cạnh đó, chính bố mẹ các em cũng ảo tưởng về con mình và sẽ không thể nhìn nhận đúng đắn về con trẻ. Nếu như sau đó, các em không phát triển dạng thần đồng giống như mong ước của các cha mẹ, chắc chắn các cha mẹ sẽ vô cùng thất vọng và sẽ có những hành vi hoặc lời nói làm tổn thương con. Đến lúc đó, đứa trẻ sẽ suy sụp, thiếu tự tin và nghĩ là bản thân mình vô dụng. Thực tế đã có nhiều trường hợp các em lúc nhỏ học giỏi nhưng sau lớn lên kém dần đã khiến cha mẹ bực bội mắng mỏ và các em đã có nhiều biểu hiện của trầm cảm.

Theo Tiến sỹ Vũ Thu Hương, có rất nhiều cách kích thích phát triển não khác mà cha mẹ có thể áp dụng đối với con trẻ. Điển hình là phương pháp tác động vào 2 bàn tay. Theo nguyên lý, hai bàn tay của con người kết nối mật thiết với 2 bán cầu não, tay phải nối với bán cầu não trái và ngược lại. Vì thế, nếu khuyến khích trẻ làm việc nhà, học khâu vá, xâu chuỗi hạt, làm những vận động tinh và thô, sẽ giúp trẻ tăng cường sự khéo léo mà não lại phát triển rất tốt. Với phương pháp này, não phát triển rất tự nhiên mà các con lại có thể được rèn luyện kĩ năng sống, rèn bàn tay khéo léo và thành thục các công việc chăm sóc cho chính mình.

“Tốt nhất là để đứa trẻ phát triển toàn diện mọi cơ quan bộ phận trên cơ thể, học hỏi đầy đủ để thích nghi, hòa nhập và sống tốt trong mọi môi trường. Như vậy, trẻ em sẽ có tố chất mạnh mẽ, kiên trì, khiêm tốn, ham học hỏi. Tập trung phát triển một phần não cho con có thể lợi bất cập hại với đứa trẻ”, Tiến sỹ Vũ Thu Hương khuyến cáo.

Gần đây, nhiều chuyên gia giáo dục tâm lý cũng lên tiếng về việc nhiều cha mẹ đưa con đi kích hoạt não. Tiến sỹ Trần Thành Nam, Giảng viên trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), chuyên nghành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, cho biết: “Phương pháp kích hoạt não giữa chưa từng được các nước có nền khoa học phát triển như Anh, Mỹ, Pháp, Singapore thẩm định về chuyên môn. Chưa tìm được tài liệu nghiên cứu nào khẳng định tác động của nó đến năng lực vượt trội của trẻ. Mỗi đứa trẻ có một nền tảng khác nhau, lại có một quy trình phát triển khác nhau. Bố mẹ nên dựa vào năng lực và thiên hướng của trẻ để tạo điều kiện cho con được tiếp cận với các hoạt động trải nghiệm và các môn học khác nhau”.

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục - Đào tạo khẳng định với phóng viên Báo Tin Tức là Bộ chưa hề cấp phép hoạt động giáo dục cho những trung tâm, tổ chức giáo dục thực hiện việc này. Chưa có một cơ sở khoa học nào để thực hiện. Thời gian tới, Bộ sẽ có những kiểm tra nhằm làm rõ những vấn đề báo chí, dư luận phản ánh.

theo baotintuc.vn


Ý kiến bạn đọc