Ít nhất 36 trường hợp nhiễm vi rút Zika đã được xác định trên cả nước, số bệnh nhân thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Zika đã trở thành bệnh lưu hành, nguy cơ bùng phát thành dịch lớn.
Đó là nhận định của của đại diện Bộ Y tế Việt Nam sau khi cả nước phát hiện hàng loạt trường hợp mắc bệnh chỉ trong thời gian ngắn.
Thống kê cho thấy, tính đến ngày 5/11, đã ghi nhận 36 trường hợp dương tính với vi rút Zika ở 6 tỉnh và thành phố. Cụ thể, tại TPHCM ghi nhận 29 ca mắc; Đắk Lắk 2 ca; Bình Dương 2 ca; Khánh Hòa 1 ca; Phú Yên 1 ca và Long An 1 ca.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trực tiếp úp các chum vại chứa nước trong một chiến dịch vận động người dân diệt muỗi diễn ra tại Bình Dương. |
Tại cuộc hợp bàn về công tác ứng phó với vi rút Zika diễn ra ở văn phòng EOC Việt Nam (ngày 3/11), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, vi rút Zika đã trở thành bệnh lưu hành, có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.
Các bệnh nhân nhiễm Zika hầu hết đều có triệu chứng rất nhẹ nên không phải tất cả mọi trường hợp đều đến bệnh viện khám. Do đó, số ca bệnh trong cộng đồng có thể còn cao hơn nhiều so với số bệnh nhân đã được ghi nhận, nguy cơ có thể tiếp tục phát hiện thêm trường hợp mắc mới.
Trước bối cảnh đó, Bộ Y tế đang rốt ráo tăng cường khả năng dự phòng, đáp ứng dịch, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt đối với nhóm phụ nữ mang thai, không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng do bệnh gây ra, có giải pháp hỗ trợ chăm sóc, điều trị kịp thời cho những thai phụ không may bị nhiễm bệnh, tránh nguy cơ trẻ sinh ra bị tật đầu nhỏ.
Để chủ động phòng chống bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, cần chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có một trong các biểu hiện nghi ngờ của bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị.
Nên chủ động khám thai
Người mắc bệnh thường bị sốt nhẹ 37,8oC đến 38,5oC, mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân. Viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược. Một số ít bệnh nhân có thể bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa.
Diệt muỗi, lăng quăng và chống muỗi đốt là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. |
Những phụ nữ chậm kinh 7 đến 10 ngày nên chủ động đi khám thai và siêu âm thai ngay để bác sĩ đánh giá sức khỏe, xác định thai và được tư vấn hẹn lịch khám chi tiết. Phụ nữ có thai nên siêu âm 3 lần trong thời gian mang thai (12 tuần, 22 tuần và 32 tuần).
Việc khám thai phát hiện bệnh không khó, tuy nhiên hiện nay nhiều thai phụ chưa ý thức được tầm quan trọng của thời điểm khám thai và chỉ khi nào tiện mới đi khám, không tuân theo lịch hẹn, hoặc không xác định đúng tuần tuổi của thai nhi trước khi đi khám là những vấn đề gây khó khăn cho bác sĩ chuyên môn. Vì vậy chị em phụ nữ đang mang thai cần tuân thủ các chỉ định cũng như lịch hẹn của bác sĩ, đồng thời đăng ký theo dõi thai kỳ tại các cơ sở khám chữa bệnh để được bác sĩ chăm sóc tốt nhất cho cả mẹ và bé tránh những rủi ro có thể xảy ra trong trường hợp mắc Zika và các loại bệnh khác.
Bệnh do vi rút Zika hiện đã được phát hiện tại 73 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá, đây là vấn đề y tế công cộng toàn cầu. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm Zika sinh con bị tật đầu nhỏ chỉ chiếm từ 1 - 10%. Do đó, cộng đồng đặc biệt là phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản không nên quá hoang mang, nhưng cũng cần thực hiện các biện pháp để tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đến ngày 5/11/2016, đã ghi nhận 36 trường hợp dương tính với vi rút Zika tại TP. Hồ Chí Minh (29), Đắk Lắk (02), Bình Dương (02), Khánh Hòa (01), Phú Yên (01) và Long An (01).
Theo Đời sống Pháp luật
Ý kiến bạn đọc