Tại kết luận thanh tra việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học có vốn góp của PVN và các đơn vị thành viên, Thanh tra Chính phủ cho biết, đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học có vốn góp của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên. Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành quyết định 2238/QĐ-TTCP thanh tra việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học có vốn góp của PVN và các đơn vị thành viên.
Từ ngày 3/10/2014 đến ngày 5/1/2015, đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra tại các chủ đầu tư dự án nhiên liệu sinh học gồm CTCP Hoá dầu và nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB), CTCP Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung (PCB) và Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông (công ty Phương Đông) và đã làm việc với cơ quan, đơn vị có liên quan.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, 3 dự án Phú Thọ (chủ đầu tư CTCP Hoá dầu và nhiên liệu sinh học), dự án Dung Quất (chủ đầu tư CTCP Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung), dự án Bình Phước (chủ đầu tư công ty Phương Đông) có tổng mức đầu tư lần lượt là 1.317 tỷ đồng; 1.493 tỷ đồng, 1.492 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh lên tới 2.484 tỷ đồng (tăng 1.167 tỷ đồng); 1.886 tỷ đồng (tăng 393 tỷ đồng); 1.900 tỷ đồng (tăng 3,849 triệu USD).
Tình trạng dự án Phú Thọ đầu tư dang dở, dừng thi công từ tháng 11/2011; dự án Dung Quất, Bình Phước đã đầu tư xong tuy nhiên hầu như không vận hành thương mại.
Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm trong quá trình đầu tư các dự án nhà máy sản xuất xăng sinh học ethanol của PVN. |
Thanh tra Chính phủ cho biết, trong quá trình đầu tư, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị liên quan đã để xảy ra những khuyết điểm, vi phạm trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư, chỉ định nhà thầu thực hiện gói thầu EPC dự án Phú Thọ và Dung Quất, việc đàm phán ký hợp đồng và điều chỉnh giá trị hợp đồng EPC.
Cụ thể, trong việc chọn địa điểm xây dựng, kết luận cho biết, Petrosetco đã chọn địa điểm xây dựng dự án Dung Quất sau đó bàn giao cho PCB trong khi chọn địa điểm không khảo sát công tác đền bù giải phóng mặt bằng do đó không giải phóng được mặt bằng khi thực hiện đầu tư dự án, số tiền PCB đã chi trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư không sử dụng được cho dự án ở địa điểm mới gây lãng phí 1,125 tỷ đồng trách nhiệm thuộc về Petrosetco và Hội đồng quản trị PCB.
Trong việc chỉ định thầu, việc chỉ định liên danh PVC/Alfa Laval thực hiện gói thầu EPC dự án Phú Thọ, liên danh PTSC/Alfa Laval thực hiện gói thầu EPC dự án Dung Quất trong đó các nhà thầu PVC và PTSC đều đảm trách thực hiện các công việc quan trọng của dự án nhưng hạn chế năng lực, chưa có kinh nghiệm thực hiện dự án nhiên liệu sinh học, vi phạm quy định Luật Đấu thầu và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ dẫn đến thi công dự án chậm tiến độ gây hậu quả cho các chủ đầu tư đặc biệt PVC đã dừng thi công dự án Phú Thọ gần 5 năm, vi phạm hợp đồng EPC gây hậu quả nghiêm trọng.
“Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư PVB, PCB, người đại diện vốn của PV Oil, BRS tại các đơn vị chủ đầu tư, người đại diện vốn của Tập đoàn tại DMC, PVFC và PVN”, báo cáo của Thanh tra Chính phủ nêu.
Đối với việc đàm phán hợp đồng, Thanh tra Chính phủ cho biết PVN đã có văn bản để đưa ra ý kiến với chủ đầu tư PVB, PCB và nhà thầu PVC, PTSC về gói thầu EPC trong quá trình đàm phán giá hợp đồng đã ảnh hưởng đến kết quả đàm phán, ký kết hợp đồng EPC.
Tuy nhiên theo quy định của pháp luật, vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền quyết định giá hợp đồng và các nội dung liên quan đến hợp đồng thuộc về nhà thầu do đó, trách nhiệm thuộc về HĐQT PVB, PCN, nhà thầu PVC, PTSC, PVN.
Trong việc điều chỉnh giá trị hợp đồng EPC dự án Dung Quất chủ đầu tư và nhà thầu đã ký hợp đồng Phụ lục hợp đồng EPC với giá trị điều chỉnh từ 59,177 triệu USD lên 67 triệu USD trong đó tăng 3.245.532 USD chưa có căn cứ, vi phạm quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, quy định của hợp đồng EPC.
Tương tự, trong việc điều chỉnh hợp đồng EPC dự án Phú Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVB đã ban hành nghị quyết phê duyệt phát sinh tăng 8,357 triệu USD và ký phụ lục hợp đồng EPC điều chỉnh tăng 6,993 triệu USD nhưng thực tế phần khối lượng công việc nhà thầu PVC thực hiện đã tăng 14,312 triệu USD.
Báo cáo cũng cho biết, chủ đầu tư đã phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án Phú Thọ lên 2.484 tỷ đồng không đúng quy định.
Thanh tra cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình thực hiện Hợp đồng EPC và 1 số gói thầu khác của dự án, việc sử dụng vốn đầu tư, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tiền tạm ứng…
Theo đó kiến nghị, xử lý trách nhiệm, giao Bộ Công Thương chủ trì chỉ đạo PVN kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan.
Chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định đối với các sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng dự án Phú Thọ và Dung Quất có dấu hiệu cố ý làm trái hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc chọn địa điểm xây dựng (dự án Dung Quất) trong chỉ định thầu, ký kết và thực hiện các hợp đồng EPC dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Theo Diễn đàn đầu tư
Ý kiến bạn đọc