Bộ trưởng Nội vụ: Sẽ thanh tra việc bổ nhiệm cán bộ cuối nhiệm kỳ

15:47, 16/11/2016
|
(VnMedia) - Phiên phiên họp Quốc hội chiều nay (16/11), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trả lời chất vấn trước Quốc hội. 
 
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân
Các vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm đặt câu hỏi nhiều bao gồm:  vấn đề tinh giản biên chế, thực hiện đề án vị trí việc làm; giải pháp cải cách tiền lương, nâng cao trách nhiệm, kỷ luật công vụ, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, đổi mới công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ....
 
Liên quan đến việc xử lý sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng, đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) hỏi: Vừa qua Ủy ban kiểm tra trung ương đã xem xét, kết luận sai phạm của nguyên bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. Là người đứng đầu, Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình về hình thức xử lý ông Vũ Huy Hoàng, và đây là trường hợp đặc biệt. Theo ông, có cần sửa đổi Luật cán bộ công chức để xử lý nghiêm sai phạm của cán bộ công chức kể cả sau nghỉ hưu?
 
Bộ trưởng Tân cho biết Ban bí thư đã cách chức bí thư ban cán sự Đảng 2011-2016. Về hành chính thì đang xem để xử lý. Đây là việc khó chưa có trong tiền lệ, nên đề nghị Quốc hội cho thời gian. Bộ trưởng Tân khẳng định: "Nếu sai phạm nghỉ hưu cũng không thể hạ cánh an toàn. Sai thì vẫn phải xử. Không phải nghỉ hưu là không bị xem xét, xử lý. Và để lâu dài, Luật cán bộ công chức chưa quy định, Bộ sắp tổng kết 10 năm luật này, nên tôi khẳng định chưa sửa đổi được thì sẽ có những văn bản để xử lý những cán bộ vi phạm nhưng đã nghỉ hưu".
 
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Đức Tiến (Hà Nam) về việc thi tuyển chức vụ trưởng Phòng, Ban trong thời gian qua, và việc thi tuyển hiệu trưởng ĐH Luật, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, về việc thi tuyển ở Đai học Luật Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng.
 
Tuy nhiên thời điểm Bộ Tư pháp thi tuyển thì có thông báo tạm dừng các vị trí quản lý ở cấp địa phương bộ ngành, và Bộ chính trị có văn bản chỉ đạo việc này. Do đó Bộ Tư pháp mới có quyết định không công nhận kết quả thi tuyển chức danh này.
 
Về bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng thì có chỉ đạo của Thủ tướng nên Bộ Nội vụ đã thanh tra việc bổ nhiệm ở Sở Lao động Hải Dương, và đúng là 44/46 cán bộ cấp phòng trên tổng số cán bộ nhân viên Sở này.
 
Theo quy định thì 4 lãnh đạo và 28 cấp trưởng, phó phòng và như vậy là thừa. Bộ Nội vụ đã kiến nghị phải thực hiện cho đúng tiêu chuẩn chức danh cấp phòng, và phải thực hiện đúng quy trình. Thêm đó xử lý nghiêm người tham mưu vụ việc sai phạm này.
 
Thi tuyển chức vụ lãnh đạo, Bộ Nội vụ được giao thí điểm thi tuyển chức vụ lãnh đạo và đã hoàn thiện đề án đang trình Ban bí thư Trung ương Đảng để tới đây chúng ta tiến hành thí điểm rộng.
 
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng việc bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình là tốt, nhưng lâu nay dư luận phản ánh nhiều nơi cụm từ "đúng quy trình" bị lợi dụng làm “rèm che” cho tình trạng chọn người nhà, không chọn người tài, Bộ Nội vụ có giải pháp nào?
 
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Thủ tướng giao Bộ kiểm tra, Bộ đã có báo cáo việc bổ nhiệm người nhà ở 9 địa phương. Qua báo cáo, Bộ đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các UBND các tỉnh khi bổ nhiệm phải đúng quy định của Đảng, Nhà nước. Việc tuyển dụng cần công khai minh bạch và cũng đề nghị những trường hợp bổ nhiệm không đúng phải rút lại.
 
Chủ nhiệm Uỷ ban tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi về việc bổ nhiệm người không đủ tiêu chuẩn vào cuối nhiệm kỳ?
 
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay hiện tượng bổ nhiệm nhiều cuối nhiệm kỳ là có, tuy nhiên đó là bổ nhiệm lại, bổ nhiệm mới và có đúng tiêu chuẩn, quy hoạch hay không thì cần thời gian làm rõ. Bộ Nội vụ sẽ tổ chức thanh tra vấn đề này, đặc biệt trong năm 2017 nhằm chấn chỉnh kỷ luật trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ cuối nhiệm kỳ. 

Khánh An (ghi)


Ý kiến bạn đọc