(VnMedia) - Chiều qua (30/9), tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ (SDC) đã tổ chức hội thảo kỷ niệm những thành tựu sau 25 năm hợp tác với Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Thế Phương phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Hải Yến) |
Thụy Sỹ nằm trong nhóm các quốc gia Châu Âu đầu tư mạnh mẽ nhất vào Việt Nam. Năm 1992, khi SDC bắt đầu chương trình song phương của mình tại Việt Nam, Việt Nam là một nước rất nghèo với tỷ lệ người nghèo chiếm khoảng gần 60% và cũng là thời điểm Chương trình Đổi mới của Việt Nam bắt đầu vào giai đoạn lấy đà.
Hợp tác giữa SDC và Việt Nam trong giai đoạn này đã góp phần vào những sự thay đổi và phát triển nhanh chóng của Việt Nam trong mọi lĩnh vực. Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010 và tỉ lệ người nghèo đã giảm xuống 13% vào năm 2015.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Thế Phương đã đánh giá cao sự hỗ trợ và đồng hành của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ tại Việt Nam trong suốt hơn 25 năm qua. Theo ông Nguyễn Thế Phương, trong quá trình chuyển mình, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều nước, trong đó có SDC.
“Hợp tác phát triển giữa hai bên đã tận dụng được những thế mạnh, kinh nghiệm của Thụy Sỹ trong phát triển mà điển hình là việc phân cấp, lập kế hoạch tại cấp cơ sở, góp phần hỗ trợ chủ trương của Chính phủ Việt Nam về đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Hợp tác giữa hai bên diễn ra phong phú, sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, từ giáo dục, nâng cao năng lực, đào tạo nghề, quản trị, cải cách hành chính công tới lập kế hoạch phát triển đô thị, hỗ trợ sinh kế nông nghiệp, lâm nghiệp, bảo vệ môi trường…”, ông Phương cho biết.
Từ năm 1992 đến năm 2016, SDC đã cung cấp cho Việt Nam 216 triệu franc Thụy Sỹ dưới hình thức viện trợ không hoàn lại thông qua 32 chương trình dự án. Số người hưởng lợi từ hoạt động của các chương trình này ước tính từ 4,6 đến 4,8 triệu người.
Ông Steven Geiger - Quản lý Chương trình SDC tại Việt Nam bày tỏ: “SDC rất hài lòng với những kết quả của chương trình hợp tác song phương SDC-Việt Nam trong 25 năm qua”. Theo ông Geiger, chương trình của SDC đã đạt được một số thành tự quan trọng. Mục tiêu bao trùm của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ là giảm nghèo. Toàn bộ dự án đều đóng góp trực tiếp hay gián tiếp vào việc hoàn thành mục tiêu này.
Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sỹ tại Việt Nam Beatrice Maser Mallor, kết quả đáng kể nhất của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ là trao tiếng nói cho người dân trong quản trị địa phương và tăng cường sự tham gia của người dân vào các quyết định ảnh hưởng tới sinh kế của họ tại cấp cơ sở.
Trong thời gian tới, Thuỵ Sỹ sẽ vẫn tiếp tục cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam, nhưng thay đổi phương thức hợp tác phát triển cho phù hợp với thực tế và nhu cầu mới của Việt Nam hiện đã là một nước có thu nhập trung bình thấp. Trong khi chương trình song phương về giảm nghèo và quản trị của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ sẽ kết thúc vào cuối năm 2016 thì Việt Nam vẫn tiếp tục hưởng lợi từ các chương trình toàn cầu và khu vực của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ nhằm giải quyết các thách thức như biến đổi khí hậu, nước và an ninh lương thực.
Hợp tác phát triển song phương giữa Thuỵ Sỹ và Việt Nam sẽ tiếp tục và tập trung vào hợp tác phát triển kinh tế nhằm hỗ trợ Việt Nam tăng trưởng kinh tế bền vững. Chương trình này sẽ được thực hiện bởi Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ (SECO). Chiến lược hợp tác kinh tế cho giai đoạn 2017 - 2020 sẽ sớm được công bố. Một chương của hợp tác phát triển Thụy Sỹ - Việt Nam khép lại, một chương mới bắt đầu.
Hải Yến
Ý kiến bạn đọc