Thêm cơ hội cho đại biểu tranh luận tại Nghị trường

21:03, 18/10/2016
|

(VnMedia) - Quốc hội sẽ có những đổi mới trong hoạt động nghị trường, trong có việc tạo điều kiện cho các đại biểu được tranh luận bằng cách giơ tay phát biểu ý kiến thay vì chỉ được phát biểu theo đăng ký như trước đây...

Thông tin được ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội cho biết tại buổi họp báo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá 14.

Theo đó, trả lời câu hỏi của phóng viên về những đổi mới trong Kỳ họp này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đổi mới là một trong những nội dung mà Quốc hội đang suy nghĩ để tiếp tục nâng cao chất lượng Kỳ họp.

“Rút kinh nghiệm từ Bộ luật hình sự, chúng ta đổi mới để khắc phục tồn tại, bám sát Luật ban hành văn bản pháp luật để đảm bảo thời gian, quy trình...” - ông  Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Đổi mới thứ hai, theo ông  Nguyễn Hạnh Phúc, đó là trong quá trình thẩm tra, cho ý kiến về luật sẽ mở những hội nghị chuyên trách mời các đại biểu chuyên trách về tham gia xây dựng luật, ngoài ra còn tranh thủ ý kiến của các chuyên gia. "Trong quá trình lấy ý kiến, nếu luật nào còn nhiều ý kiến khác nhau thì sẽ xem xét cho lùi lại hoặc tăng thời lượng thảo luận tại tổ, tại hội trường" - ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Tổng thư ký Quốc hội cũng cho biết, kỳ họp này, Quốc hội sẽ tạo điều kiện tranh luận trên nghị trường. Với các báo cáo, sẽ mời các cơ quan trình báo cáo (Bộ trưởng) trả lời, trao đổi làm sáng tỏ những nội dung còn có ý kiến thắc mắc.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ thiết kế để đại biểu có thể tranh luận trực tiếp bằng cách giơ biển chứ không chỉ phát biểu theo đăng ký, chủ toạ sẽ tạo điều kiện tranh luận để đạt chất lượng tốt hơn trong việc thảo luận tại hội trường.

“Chúng tôi luôn suy nghĩ đổi mới để trong quá trình thảo luận, tất cả các ý kiến của đại biểu sẽ được nêu ngay tại hội trường" - ông  Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, do thời lượng có hạn nên nếu trong quá trình trao đổi vào buổi chiều thì có thể kéo dài thêm thời gian, còn vào buổi trưa thì do còn nội dung liên quan đến chương trình buổi chiều nên Quốc hội có giải pháp để các đại biểu đặt câu hỏi, nếu thành viên Chính phủ trả lời không hết thì cho phép trả lời bằng văn bản.

“Tinh thần là cố tắng để giải đáp hết ý kiến của các đại biểu" - ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề khoán xe công, ông Phúc cho biết, đây là vấn đề không mới và Văn phòng Quốc hội đã thực hiện từ rất lâu nhưng không công bố tuyên truyền.

“Vấn đề khoán xe công, chúng tôi rất hoan nghênh và Văn phòng Quốc hội thực hiện khá sớm, cách đây hơn chục năm đã khoán xe công, nhiều đồng chí đang thực hiện khoán xe công. Còn theo cách của Bộ Tài chính thì chưa hiệu quả lắm. Quan trọng là phải bớt được đầu xe, lái xe, chứ Bộ Tài chính chỉ mới chỉ tính khoán từ nhà đến cơ quan thì chi phí cũng tương đương như đi xe công và vẫn giữ nguyên số xe, số lái xe, như vậy là chưa hiệu quả. Hiện nay Quốc hội đang xây dựng đề án, trên cơ sở đang khoán rồi sẽ nghiên cứu để hiệu quả hơn.” – ông Phúc cho biết.

Nguyễn Hạnh Phúc
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Thông qua 4 luật

Thông tin tại buổi họp báo, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, tài Kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua 4 luật.

Đối với Luật về hội, Dự thảo Luật đã cụ thể hóa được các nội dung quy định tại Điều 25 của Hiến pháp năm 2013, vừa bảo đảm quyền lập hội của công dân, vừa bảo đảm quản lý nhà nước đối với hội và quản lý nhà nước đối với tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Theo dự thảo mới nhất, các vấn đề cần tiếp tục xin ý kiến của Quốc hội gồm: đối tượng áp dụng; phạm vi hoạt động của hội; chính sách đối với hội; điều kiện thành lập hội; công nhận người đại diện theo pháp luật của hội và công nhận điều lệ hội; việc thành lập hội không đăng ký.

Về Luật tín ngưỡng, tôn giáo, sau khi tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này gồm 9 chương, 69 điều, quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Một số vấn đề tiếp tục xin ý kiến Quốc hội gồm: quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; lĩnh vực tín ngưỡng; công nhận tổ chức tôn giáo; tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo; hoạt động xã hội của tổ chức tôn giáo, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có yếu tố nước ngoài; quản lý nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, các hành vi bị nghiêm cấm.

Dự thảo Luật đấu giá tài sản trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này gồm 8 Chương, 79 điều, trong đó một số vấn đề tiếp tục xin ý kiến Quốc hội gồm: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các loại tài sản quy định phải bán thông qua đấu giá, về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, về đấu giá viên, về tổ chức xã hội-nghề nghiệp toàn quốc của đấu giá viên, về doanh nghiệp đấu giá tài sản, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, về hình thức đấu giá và phương thức đấu giá, về xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá và bồi thường thiệt hại, về thù lao dịch vụ đấu giá và một số vấn đề khác.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự lần này trình Quốc hội cho thấy, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13 liên quan đến 141 điều, gồm 18 điều thuộc Phần Những quy định chung và 123 điều thuộc Phần Các tội phạm; trong đó có 43 điều sửa đổi về kỹ thuật, 97 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ 01 điều (Điều 292 quy định về tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông). Một số vấn đề tiếp tục xin ý kiến của Quốc hội bao gồm: phạm vi sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 2015; việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015 liên quan đến phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; bổ sung chất ma túy, cây có chứa chất ma túy mới xuất hiện vào BLHS năm 2015; bổ sung quy định liên quan đến vấn đề xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự (các Điều 248, 249, 250, 251 và 252 của BLHS năm 2015).

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc