Tăng tuổi nghỉ hưu nhưng không để người trẻ thất nghiệp

15:01, 28/10/2016
|
(VnMedia) - Việt Nam là thị trường lao động đang sung sức, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải tính toán để không lãng phí chất xám và lãng phí nhân lực chất lượng cao, nhưng cũng đừng bỏ đi lượng lao động sung sức, được đào tạo chuyên môn kỹ thuật.
 
Ông Bùi Sỹ Lợi
Ông Bùi Sỹ Lợi
 
Đây là ý kiến của ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội tại buổi tọa đàm về vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay 28/10.
 
Bộ Lao động thương binh và xã hội đang xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 187 Bộ luật Lao động năm 2012 về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.  Theo đó, quy định về tuổi nghỉ hưu hiện nay đang bộc lộ một số bất cập như: Được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, tạo ra sự không đồng bộ, thiếu thống nhất, khó thực hiện; quy định tuổi nghỉ hưu như hiện hành là thấp so với xu hướng tuổi thọ ngày càng tăng và nguy cơ mất khả năng cân đối quỹ hưu trí; quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thấp hơn nam 5 tuổi là chưa bảo đảm bảo vấn đề giới…
 
Theo ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, hiện nay Chính phủ đang đưa ra các phương án, nhưng dù Chính phủ có trình các phương án như thế nào, có thuyết phục được Quốc hội hay không, Chính phủ phải đánh giá được tác động kinh tế của việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đến cân đối thị trường lao động như thế nào, tạo cơ hội việc làm cho lao động trẻ ra sao, tạo điều kiện cho đối tượng là lao động có trình độ, chuyên môn kỹ thuật ra sao...
 
“Tuy nhiên, tôi vẫn phải khẳng định, những đối tượng là lao động nặng nhọc, độc hại, làm việc ở vùng sâu, vùng sa xa, lao động bị suy giảm sức khỏe là nhóm đối tượng chưa bàn đến trong điều chỉnh tuổi nghỉ hưu lần này”, ông Lợi nhấn mạnh.
 
Ông Lợi cũng chia sẻ thêm, thực tế, 6 tháng đầu năm 2016, đã có 191.000 cử nhân ra trường không có việc làm. Do đó, tăng hay không tăng tuổi nghỉ hưu phải được tính toán kỹ. Nếu tăng thì tăng thế nào, tăng bao nhiêu, lộ trình tăng ra sao để đảm bảo nhu cầu thị trường lao động, đảm bảo việc làm và đảm bảo ổn định xã hội.
 
"Hiện, chúng ta đang bước vào giai đoạn già hoá dân số. Nguồn nhân lực của chúng ta sẽ thiếu dần đi, nhưng vấn đề quan trọng là phải đảm bảo được sự công bằng xã hội. Đặc biệt là phải đảm bảo việc làm cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường. Đây là lực lượng lao động có bằng cấp, có đào tạo, có năng lực, chúng ta không thể để đội ngũ này thất nghiệp và thiếu việc làm như hiện nay. Do đó, bên cạnh phải bảo vệ, giữ gìn nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng chúng ta cũng đừng lãng quên nguồn nhân lực trẻ có trình độ, có năng lực, có chuyên môn đang thiếu việc làm, thất nghiệp. Do đó, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ khiến người trẻ thêm thất nghiệp" - ông Lợi nói.
 
Được biết, việc tăng tuổi nghỉ hưu đã được đề cập ở Bộ Luật Lao động năm 2012, nhưng đã không được Quốc hội chấp thuận. Lúc đó, Bộ LĐ-TB&XH và Chính phủ trình phương án 1 năm tăng 3 tháng để cho nam đạt đến tuổi 62 và nữ 58. Và phương án cả nam và nữ đều nghỉ hưu ở tuổi 60, trong đó nữ có quyền được nghỉ sớm từ 1-5 năm. Tuy nhiên, cả hai phương án này đã không được Quốc hội chấp thuận. Sau đó, Quốc hội đã xử lý bằng Điều 187 trong Bộ Luật Lao động là có cả về hưu theo tuổi nam 60, nữ 55. Ngoài ra, ai lao động nặng nhọc, độc hại, được giảm tuổi theo quy định.
 
Tại Khoản 3, Điều 187 quy định rằng, người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, người có trình độ quản lý được kéo dài thời gian làm việc nhưng tối đa không quá 5 năm. Hiện, Chính phủ cũng đã có hướng dẫn bằng Nghị định (ban hành năm 2015) cho 2 nhóm. Cụ thể, nhóm Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch UBND của hai thành phố Hà Nội và TPHCM được nghỉ ở tuổi 60 đối với nữ; Toà án cũng được quy định kéo dài thêm nam không quá 65 tuổi và nữ không quá 60.
 
Khánh An (ghi)

Ý kiến bạn đọc