Ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam đến mức độ nào?

19:50, 30/10/2016
|

(VnMedia) - Đó là câu hỏi được đặt ra trước hàng loạt các thông số cho thấy, nguồn nước nhiều nơi tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh không đảm bảo quy định QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế. Nhiều địa phương khác cũng đang gặp các vấn đề về nguồn nước do nhiều yếu tố khác nhau…

Cá chết trắng hồ Tây vì nguồn nước ô nhiễm?

Vừa qua, trong một công bố khiến dư luận cả nước xôn xao, chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong 3 ngày đã có khoảng 200 tấn cá hồ Tây bị chết. Theo điều tra ban đầu của Công an thành phố Hà Nội, mức ôxy ở tầng nước mặt bằng 0, trong khi đó lượng Amoni cao gấp 24 lần so với quy định…

Cũng theo một báo cáo mới đây của UBND TP Hà Nội, quá trình kiểm tra nguồn nước sinh hoạt đầu ra tại một số khu chung cư trên địa bàn thành phố (CT9 - Khu đô thị mới định Công - quận Hoàng Mai; Sông Hồng Parkview 165 Thái Hà - quận Đống Đa; CT6A, B khu đô thị Đặng Xá - huyện Gia Lâm) cho thấy chất lượng nước không đảm bảo quy định QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế.

Chỉ trong 3 ngày đã có khoảng 200 tấn cá hồ Tây bị chết
Chỉ trong 3 ngày đã có khoảng 200 tấn cá hồ Tây bị chết

Sự việc cá chết trắng hồ Tây đặt ra nghi vấn về chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Đó là chưa kể đã có nhiều báo cáo chỉ ra hiện trang ô nhiễm kim loại nặng như Asen, sắt, mangan, chì trong nước ngầm tại nhiều khu vực ở Hà Nội như Hoàng Mai, Định Công, Thái Hà… Đây là mối lo ngại rất lớn đến sức khỏe lâu dài của cư dân thủ đô.

Một kết quả giám sát chất lượng nước 8 tháng đầu năm 2016 theo QCVN 02:2009/BYT của Trung tâm Y tế dự phòng chỉ ra nguồn nước ngầm tại thành phố Hồ Chí Minh đang cạn kiệt và ô nhiễm đến mức báo động. Không chỉ hàm lượng Amoni, độ pH, sắt đều vượt mức cho phép mà chỉ tiêu vi sinh cũng cao hơn 4% so với quy chuẩn.

Vài năm trở lại đây, TP.HCM luôn là tâm điểm bùng phát các loại dịch bệnh như dịch tả, dịch sốt xuất huyết, dịch tay chân miệng. Đặc biệt, theo báo cáo của Sở y tế TP, đến nay đã xuất hiện 03 trường hợp nhiễm vi rút Zika trên địa bàn. Tình trạng nguồn nước nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng là mầm mống gây ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với sức khỏe, tính mạng con người và để lại những di chứng khó lường như tật đầu nhỏ ở trẻ em do virut Zika.

Vùng biển và sông hồ bị “bức tử” tại các thành phố công nghiệp, du lịch

Tìm kiếm trên mạng Internet từ khóa “Cá chết do ô nhiễm nước sông” cho ra 1.500.000 kết quả chỉ trong chưa đầy 1 giây. Hiện trạng cá chết trắng dọc biển miền Trung, cá chết nổi trắng các con sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Quảng Trị, An Giang, Sóc Trăng và nhiều con sông lớn bé trên cả nước đã vượt quá mức báo động nghiêm trọng.

Hình ảnh cá chết tại một số tỉnh miền Trung
Hình ảnh cá chết tại một số tỉnh miền Trung

Trong khi các cơ quan chức năng đã đưa ra các báo cáo về mức độ ô nhiễm, nguyên nhân gây ô nhiễm từ rác và chất thải công nghiệp thì từ phía các đơn vị trực tiếp gây ra tình trạng trên hầu như có rất ít động thái để giảm thiểu mức độ ô nhiễm. Mặt khác, vẫn chưa có sự giám sát chặt chẽ trong việc khắc phục tình trạng này từ phía các cấp có thẩm quyền.

Kết quả người dân là chịu thiệt thòi nhất khi hàng ngày, họ đang phải sống trong sợ hãi bởi đa phần nước sinh hoạt và dùng trong ăn uống đều lấy nguồn từ nước ngầm đã bị ô nhiễm.

Ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng nông thôn

Một trong những yếu tố gây ô nhiễm trực tiếp đến nước sinh hoạt và ăn uống là từ chính những hoạt động nông nghiệp của người dân. Việc lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, nuôi trồng thủy sản ồ ạt thiếu quy hoạch gây tồn dư lượng lớn chất hữu cơ độc hại trong đất, nước ngấm sâu vào mạch nước ngầm, ao hồ, sông đã tác động ngược đến chính sức khỏe của người dân.

Mặc dù tình trạng ô nhiễm nước đã đến mức báo động nhiều năm nay nhưng dường như trách nhiệm không thuộc về ai. Các cơ quan chức năng thì chỉ xử lý cầm chừng, thiếu triệt để. Doanh nghiệp thì vẫn ngang nhiên xả hàng tấn chất thải khiến các con sông chết dần chết mòn. Người nông dân thì mỗi ngày tự đầu độc nguồn nước của mình bằng lợi ích trước mắt. Cứ tình trạng này thì không chỉ sức khỏe của chính chúng ta bị đe dọa mà tương lai con cháu chúng ta cũng sẽ phát triển không đầy đủ về trí tuệ và thể chất. Tình trạng “sống chết mặc bay” bao giờ mới chấm dứt?

Cần phải hành động

Một hệ thống nước sạch dành cho người dân là vô cùng cần thiết.
Một hệ thống nước sạch dành cho người dân là vô cùng cần thiết.

Phải tự cứu lấy mình! Đó là vấn đề cần kíp nhất lúc này. Nguồn nước đã ô nhiễm không thể sạch được ngay, tình trạng xả thải vẫn chưa thể chấm dứt, sự vào cuộc của các cấp có thẩm quyền cũng không thể giải quyết triệt để lập tức. Vì vậy, chúng ta phải cứu lấy mình bằng cách tự trang bị một hệ thống lọc nước gia đình phục vụ nhu cầu sinh hoạt và ăn uống hàng ngày. Hệ thống lọc tổng sinh hoạt cần thiết nếu nguồn nước ô nhiễm vượt mức cho phép và có thể không cần thiết đối với nguồn nước máy. Ngược lại, máy lọc nước gia đình phục vụ ăn uống là vô cùng cần thiết.

Nguồn nước máy chỉ đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt của Bộ Y tế mà không đạt tiêu chuẩn nước uống. Nếu chọn giải pháp là đun lên thì nước ở nhiệt độ cao sẽ bị kết tủa hết canxi và khoáng vi lượng tự nhiên cần thiết cho cơ thể. Mặt khác, theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng (TS.Vuơng Tuấn Anh - Viện Vệ sinh Dịch tễ TW; BS. Doãn Thị Tường Vi - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198…) thì nước đã đun sôi chỉ nên uống hết trong ngày tránh tình trạng tái nhiễm khuẩn nhưng đa phần người Việt lại không chú ý vấn đề này mà thường đun sôi và dùng lưu cữu trong nhiều ngày. Vì vậy, cần thiết phải có máy lọc nước gia đình vừa lọc sạch nước vừa giữ lại canxi và khoáng chất tốt cho sức khỏe.

CTV Quế Anh


Ý kiến bạn đọc