(VnMedia) - Sáng ngày 24/10, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong vụ học viên ở Trung tâm cai nghiện Đồng Nai trốn trại đêm qua (23/10) không xác định có cầm đầu. Tâm lý chung là do bức xúc dẫn đến hành động bột phát…
Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung - ảnh: Xuân Hưng |
Về vụ việc lúc 23g tối ngày 23/10, khoảng 600 học viên ở Trung tâm cai nghiện Đồng Nai trốn trại đã tràn ra quốc lộ 1, chặn đường, đập phá xe cộ, gây kẹt xe nghiêm trọng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay đã có hơn 300 học viên quay trở lại Trung tâm. Còn hơn 200 học viên khác, các cơ quan chức năng đang phối hợp, vận động từng gia đình để vận động các học viên vay trở lại.
Bộ trưởng chia sẻ: “Nhiều em bị nghiện, ngáo đá, nếu để ở cộng đồng thì rất phức tạp. Mình tính toán, mục đích hết sức nhân đạo, đưa các em vào điều trị, giúp cắt cơn sau đó thực hiện theo quy định của pháp luật. Đúng ra, sau thời gian này sẽ xem xét, phân loại. Em nào thuộc diện không có nơi cư trú thì thực hiện theo các quy định đưa đi cai nghiện bắt buộc. Em nào có gia đình chủ yếu là vận động theo hướng cai nghiện cộng đồng”.
Về tình hình sức khoẻ của các trại viên trốn trại tại Trung tâm cai nghiện Đồng Nai, ông Dung cho biết, không xảy ra thương tật, thương tích: “Chủ yếu là tài sản ở trong cơ sở cai nghiện bị hỏng. Bây giờ giải pháp quan trọng nhất là kiểm soát được tình hình.Ở đây, chính quyền, lực lượng an ninh tiếp tục đảm bảo an toàn; phố hợp rất chặt chẽ với chính quyền địa phương. Các gia đình tuyên truyền vận động các em quay trở lại; thực hiện các quy trình theo đúng quy định của pháp luật về vận động, giáo dục tuyên truyền và xử lý các em cai nghiện theo đúng quy định”.
Đặc biệt, ông Đào Ngọc Dung cho biết, không xác định có người cầm đầu vụ việc.
“Tâm lý chung như ở tình Bà Rịa Vũng Tàu là do bức xúc dẫn đến hành động bột phát của các em, không có chuyện cầm đầu”- ông Dung khẳng định.
Theo ông Dung, do có nhiều cách hiểu khác nhau về việc đưa học viên vào trại cai nghiện dẫn đến tâm lý của các học viên không tốt.
“Có thể giải thích của nhân viên, cán bộ chưa đến nơi đến chốn nên gây ra tâm lý của các em bức xúc. Việc này, Bộ đã nhiều lần nhắc nhở các địa phương rồi như Hải Phòng, Nam Định… rút kinh nghiệm từ Bà Rịa Vũng Tàu. Nhưng rõ ràng tuyên truyền vận động chưa đến nơi đến chốn, động tác giải trình, tuyên truyền cho các em, phối hợp với gia đình chưa tốt” - ông Dung nói.
“Thêm vào đó, khi đưa vào Trung tâm, các em nảy sinh tâm lý mình phải ra tòa thì bị xử, đưa đi cai nghiên bắt buộc từ 12 đến 24 tháng. Sau đó lại phải tiếp tục giai đoạn sau cai. Vì vậy, các em nghĩ mình đã ra tòa sẽ là có tội nên tâm lý chung là rất sợ” – ông Dung giải thích thêm.
Ông Dung cũng thừa nhận có tình trạng quá tải tại các trung tâm cai nghiện và chia sẻ thêm: “Bảo vì vật chất khó khăn mà các em ra khỏi cơ sở cai nghiện thì không có. Thực ra cơ sở này nhiều người đã kiểm tra, xem xét, nhắc nhở, uốn nắn là nên phân loại khu vực ra”.
Trước đó, vào khoảng 23h đêm 23/10, gần 600 học viên của Trung tâm Cai nghiện Đồng Nai đóng tại xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc đã khống chế, vô hiệu hóa lực lượng bảo vệ trại, sau đó thoát ra ngoài, tràn lên quốc lộ 1.
Ngay sau đó, lực lượng cảnh sát đã tổ chức vây bắt nhưng do số lượng người nghiện trốn trại nhiều nên khó kiểm soát tình hình.
Theo một số người dân, hàng trăm người nghiện đã chặn xe lưu thông trên quốc lộ, xin tiền và quần áo để trốn đi xa.
Đến khoảng 1h sáng 24/10, nhiều người nghiện đã tràn vào các khu dân cư để trốn sự vây bắt của lực lượng chức năng. Tính đến 5h sáng ngày 24/10, các lực lượng chức năng đã vây bắt được hơn 150 học viên trốn trại.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc