Những sai lầm chết người khi cấp cứu bệnh nhân đột quỵ

16:04, 19/09/2016
|

Không đánh giá tình trạng tim phổi, bế xốc nách người bệnh, vội vã dẫn tới té ngã, chuyển viện không đúng cách... khiến nhiều người bị đột quỵ nặng thêm. Cùng với việc dự phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo, sơ cứu ban đầu, chuyển viện đúng cách sẽ hạn chế nguy hiểm cho người bệnh.

Nguy kịch thêm vì “được” người thân bế đi cấp cứu

Theo thống kê của Hội đột quỵ Việt Nam, mỗi năm trên cả nước có khoảng 200.000 ca bị đột quỵ, trong đó khoảng 50% bệnh nhân tử vong. Những người may mắn thoát chết cũng gặp phải những di chứng gây yếu liệt cơ thể, mất khả năng vận động, ngôn ngữ... Lối sống công nghiệp, ít vận động, ăn nhiều chất béo, hút thuốc lá, uống rượu bia... khiến người bị đột quỵ ngày càng trẻ hóa, gia tăng nhanh, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, trên thực tế những kiến thức của cộng đồng liên quan đến dự phòng, sơ cứu, chuyển viện cho người bị đột quỵ còn rất hạn chế. Đây đang được xem là yếu tố tiếp tay cho sự bùng phát và gia tăng mức độ nguy hiểm ở người bệnh. Dẫn chứng cho vấn đề trên, BS Trần Quốc Tuấn, khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, gần đây nhiều trường hợp đột quỵ liên tiếp nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì thiếu sơ cứu ban đầu và chuyển viện sai cách.

Trường hợp thứ nhất là nữ bệnh nhân Mai Thị T. (65 tuổi, ngụ tại TPHCM) có tiền căn thoát vị đĩa đệm cổ. Buổi sáng trước khi vào viện, bà được người nhà phát hiện mê man trên giường ngủ nên cuống cuồng bế xốc nách dùng phương tiện cá nhân chuyển đến bệnh viện.

Qua thăm khám, bác sĩ xác định người bệnh bị liệt tứ chi; chụp CT-Scan có xuất huyết não; chụp MRI cột sống cổ ghi nhận có tổn thương tủy cổ kèm theo. Theo nhận định của bác sĩ, nhiều khả năng khi thân nhân bế xốc nách, để đầu cổ bệnh nhân tự do theo nhịp chạy đã làm người bệnh cúi hoặc ngửa cổ quá mức, gây tổn thương tủy dẫn tới liệt tứ chi.

Một trường hợp khác là nam bệnh nhân Nguyễn Minh D. (42 tuổi, ngụ tại TPHCM). Thời điểm trước khi nhập viện, người nhà phát hiện bệnh nhân ngã, nằm gục trên sàn nhà tắm nên vội vã bế ra ngoài đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, do sàn nhà tắm trơn nên khi vừa bế bệnh nhân lên thì người ứng cứu trượt chân khiến cả hai té ngã. Tại bệnh viện, qua chẩn đoán hình ảnh bác sĩ xác định ngoài tình trạng nhồi máu não bệnh nhân còn bị chấn thương sọ não khiến việc cứu chữa vô cùng khó khăn.

Ngoài ra, rất nhiều trường hợp bị đột quỵ đã trút hơi thở cuối cùng trước khi đến bệnh viện do bị ngưng tim, ngưng thở nhưng không được sơ cứu ban đầu, người bệnh tự chuyển viện bằng phương tiện cá nhân, chuyển viện không an toàn khiến bệnh nặng thêm, điều trị không mang lại kết quả.

đột quỵ

Nhận biết sớm dấu hiệu đột quỵ để đưa người bệnh đi cấp cứu sẽ giúp tận dụng thời gian vàng

Những sai lầm thường gặp và giải pháp khắc phục

Theo BS Trần Quốc Tuấn, người bệnh bị đột quỵ có thể gặp chấn thương kèm theo do đột ngột té ngã, nhưng không được người thân nhận ra các chấn thương để sơ cứu trước.

Bên cạnh đó, nếu di chuyển không đúng cách, người bệnh có thể nặng hơn bởi các chấn thương sẵn có hoặc các chấn thương mới do di chuyển gây ra. Khi có các tổn thương kèm theo thì việc xử trí đột quỵ hoặc chấn thương trên người bệnh sẽ phức tạp và nguy cơ cao hơn nhiều vì xử lý tình trạng này có thể làm nặng hơn tình trạng kia và ngược lại.

Hiện nay, người dân đang thiếu kỹ năng và kiến thức về đánh giá ban đầu cũng như di chuyển an toàn, cho người bệnh cần cấp cứu nói chung và người bị đột quỵ nói riêng. Cụ thể, người ứng cứu không đánh giá được tình trạng ngưng tim, ngưng thở nạn nhân gặp phải nên không thực hiện hồi sức tim phổi kịp thời; không cố định các phần cơ thể người bệnh; bế xốc bệnh nhân, té ngã khi di chuyển; không có nhân viên y tế hỗ trợ trên đường di chuyển nên không phát hiện được tình trạng người bệnh diễn tiến nặng, cần hồi sức.

Khẳng định sơ cứu ban đầu và chuyển viện không đúng cách sẽ làm tình trạng bệnh nặng thêm, BS Quốc Tuấn khuyến cáo, khi gặp trường hợp đột quỵ, người ứng cứu cần kiểm tra tình trạng hô hấp và nhịp tim của người bệnh, nếu bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng thở cần thực hiện nhấn tim, hô hấp nhân tạo kịp thời; để người bệnh nằm ở tư thế thoải mái nhất nếu họ tỉnh, nằm nghiêng trên cáng hoặc tấm ván cứng theo tư thế nghiêng phía nửa người bị ảnh hưởng (yếu liệt) nếu họ không tỉnh táo hẳn sẽ ngừa được hít sặc do nôn ói, và giúp bộ phận cơ thể chưa bị yếu liệt có thể cử động ra hiệu khi cần. Vận chuyển bệnh nhân bằng xe cấp cứu để có nhân viên y tế hỗ trợ là giải pháp cần thiết.

Dấu hiệu nhận biết bệnh nhân đột quỵ

Người bị đột quỵ thương có các biểu hiện: bị méo mặt, cảm giác tê cứng nửa mặt hoặc 1/4 mặt dưới; tê mỏi tay hoặc chân một bên khiến thao tác trở nên vụng về, dễ bị té ngã, đánh rơi đồ vật khi cầm nắm; giọng nói đớ do môi, lưỡi bị tê cứng, phát âm méo mó; than đau nhức đầu nhiều, mất thăng bằng đột ngột, ù tai, điếc đột ngột, khó nuốt, mắt mờ hoặc chậm hiểu bất thường.

“Thời gian vàng” mang lại hiệu quả cứu chữa tốt nhất cho người bệnh là 3 tiếng đầu sau khi bị đột quỵ.

Do đó cần nhận biết các dấu hiệu trên để đưa người bệnh đi cấp cứu, điều trị càng sớm càng tốt.

(theo Vân Sơn/Dân Trí)


Ý kiến bạn đọc