(VnMedia) - Sáng nay (22/9), trường ĐH Y Dược Thái Nguyên đã chính thức khai trương “Giảng đường thông minh” - Samsung smart school ứng dụng thiết bị công nghệ giải pháp cùng với nội dung đa phương tiện vào giảng dạy theo định hướng đổi mới giáo dục của Bộ Y Tế.
Mô hình “Giảng đường thông minh” dành riêng cho các trường đại học bao gồm 2 phần chính: Phần cứng là giảng đường tương tác với trang thiết bị hiện đại; Phần nội dung bao gồm xây dựng bài giảng bằng các phần mềm chuyên dụng và tập huấn cho giảng viên và sinh viên làm quen với mô hình dạy và học mới.
Giảng đường thông minh được kỳ vọng sẽ dần thay thế cho mô hình giảng đường truyền thống với cách học cũ là truyền thụ kiến thức một chiều từ thầy đến trò; thay vào đó là sự trao đổi hai chiều giữa người dạy và người học, nâng cao tính tương tác từ đó nâng cao hiệu quả và phát triển tư duy của người học.
Bàn ghế trong giảng đường tương tác này được bố trí linh hoạt dễ dàng phân khu học nhóm hoặc tách rời từng cá nhân tùy theo yêu cầu của giờ học. Hệ thống Internet hỗ trợ tối đa cho giảng viên và sinh viên trong quá trình dạy và học.
Trong khi các giảng viên hướng dẫn thực hành, hành ảnh được hiển thị ngay trên màn hình một cách rõ ràng, sắc nét giúp sinh viên dễ dàng quan sát |
Bằng sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại đang được dùng rộng rãi tại các nước tiên tiến trên thế giới và nội dung giảng dạy trực quan dựa trên nghe, nhìn, tưởng tượng và mô phỏng chính xác thực tế thay cho cách học lý thuyết cứng nhắc trước đây, các bài giảng chuyên môn về y học trở nên sinh động hơn khi được mô tả bằng video clip, hình ảnh động, hình khối 3D… với nhiều góc hiển thị giúp sinh viên hình dung được toàn bộ cơ chế hoạt động của cơ thể người, từ đó phát triển khả năng sáng tạo dựa trên nền kiến thức vững chắc, đó là điều vô cùng quan trọng đối với sinh viên ngành Y.
Ngay tại buổi khai trương, một tiết học với Giảng đường thông minh, có chủ đề "Giải đáp hồi sức sơ sinh" đã được thực hiện. Quan sát của phóng viên cho thấy, giảng viên đã trình bày bài giảng với sự hỗ trợ của màn hình tương tác thông minh (Interactive White Board - IWB) kèm phần mềm quản lý lớp học. Bài giảng là những video thực tế sinh động, có 4 màn hình tương tác thông minh được treo ở nhiều vị trí khác nhau trong giảng đường để sinh viên có thể dễ dàng quan sát ngay cả khi ngồi cách xa bục giảng.
Với Giảng đường thông minh, khi giảng viên đưa ra các yêu cầu, sinh viên thảo luận nhóm, thống nhất ý kiến và đưa ra câu trả lời qua máy tính bảng tương tác với màn hình của giảng viên |
Khi giảng viên đặt câu hỏi và gửi đường link cho sinh viên, các sinh viên (ngồi theo từng nhóm), sau khi thảo luận và thống nhất (với đa số tán thành) đã dùng máy tính bảng Samsung Galaxy Tab 9.7 để trả lời. Các phần trả lời này sẽ hiển thị ngay trên màn hình của giảng viên. Những sinh viên nào không đồng ý với số đông trong nhóm lúc này có thể trình bày ý kiến cá nhân của mình và giảng viên sau đó sẽ phải là “trọng tài” quyết định xem câu trả lời nào là chính xác.
Tiếp đó, đến phần thực hành. Các giảng viên hướng dẫn trên mô hình và những thao tác này ngay lập tức hiển thị trên các màn hình một cách rõ ràng, sắc nét để sinh viên quan sát. Sau đó, một số sinh viên sẽ được mời lên thực hành để cả lớp quan sát.
Sinh viên trình bày phần trả lời của mình với sự hỗ trợ của những thiết bị thông minh trong giảng đường |
Trao đổi với VnMedia, PGS – TS Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Y Dược Thái Nguyên cho biết: “Trước đây, các bài giảng thường là "chay" hoặc được hỗ trợ bởi các máy chiếu với hình ảnh mờ nhạt và không có sự tương tác với sinh viên. Vì vậy, ngoài những sinh viên nào được giảng viên mời lên trình bày thì những người khác hoàn toàn có thể không tham gia vào hoạt động dạy vào học. Còn mô hình Giảng đường thông minh này thực sự rất hữu ích với người học bởi sinh viên dù ngồi ở vị trí nào cũng bắt buộc phải “động não” và chủ động tham gia vào tiết học, phải có trách nhiệm tham gia ý kiến và ra quyết định cùng nhóm. Tuy nhiên, giảng viên sẽ là những người vất vả nhất bởi sẽ phải tốn rất nhiều thời gian chuẩn bị bài giảng để làm sao thu hút được sự chú ý của sinh viên”.
Tuy nhiên, PGS Nguyễn Văn Sơn cũng cho biết, một Giảng đường thông minh tối đa chỉ có thể dành cho khoảng hơn 100 sinh viên. Do vậy, trong tương lai, nhà trường sẽ phải phấn đấu đầu tư thêm các giảng đường mới để phục vụ nhu cầu học của sinh viên.
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc