Công chức gây oan sai phải đền bù cho ngân sách

19:52, 20/09/2016
|

(VnMedia) - Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, Dự thảo luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi), cần ghi rõ: thiệt hại bao nhiêu thì phải bồi thường cho Nhà nước bấy nhiêu!

Oan sai lớn, xin lỗi chỉ 2 phút

Ngày 20/9, tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi), Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, dự luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi) quy định quá hẹp sẽ ảnh hưởng quyền công dân, nhưng mở quá rộng lại làm chùn tay các cơ quan tố tụng, do vậy việc xây dựng luật là “vô cùng khó”.

Bà Lê Thị Nga đề nghị cơ quan soạn thảo nêu rõ việc quy định các trường hợp được bồi thường trong luật, tránh trường hợp người đáng được bồi thường lại không được bồi thường.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cũng đánh giá, trong báo cáo giám sát oan sai, mô hình tổ chức cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường chưa hợp lý, còn phân tán, thiếu khách quan, chậm trễ, có trường hợp thời gian kéo dài..., Bà Nga đặc biệt nhấn mạnh, việc làm oan lớn nhưng chỉ xin lỗi công khai trong 2 phút khiến dư luận và người dân phản ứng, cho rằng bồi thường, xin lỗi chỉ làm hình thức, chiếu lệ.

Về thủ tục yêu cầu bồi thường, bà Nga cho rằng, việc yêu cầu muốn bồi thường phải chứng minh được thiệt hại, đòi hỏi có hoá đơn, chứng từ là không hợp lý bởi “trong mấy chục năm người ta ngồi tù, gia đình người ta cũng đang khốn đốn thì lấy đâu ra để mà chứng minh”.

Vậy Luật có giải quyết được thực tế này không? - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đặt câu hỏi.

xin lỗi oan sai
Việc xin lỗi oan sai chỉ làm cho chiếu lệ khiến người dân bức xúc - ảnh: Dân Trí

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, bà Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Uỷ ban về Các vấn đề xã hội băn khoăn, luật quy định bồi thường vật chất, tinh thần và khôi phục danh dự, tuy nhiên, thực tế bồi thường nhiều khi không khôi phục được quyền lợi của người bị hại.

“Có người không thể khôi phục được quyền lợi như buộc thôi việc cấp Tổng cục trưởng trở xuống, sau đó có quyết định bồi thường, khôi phục lại công việc nhưng họ đã bỏ lỡ cơ hội được cất nhắc, bổ nhiệm. Luật có dự kiến vấn đề này không vì tôi đọc không thấy có”, bà Thuý Anh đặt vấn đề.

Trước các ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thẳng thắn thừa nhận là “không dám hứa” đối với câu hỏi “Luật có giải quyết tất cả vấn đề” mà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu, vì theo ông, khi làm luật và đưa luật vào thực tế đều xảy ra trường hợp tổ chức thi hành luật chưa tốt nên có khoảng cách giữa nội dung và thực tế.

Theo Bộ trưởng, khi tính toán bồi thường thiệt hại, Ban soạn thảo đã cố gắng đưa ra tiêu chí để lượng hóa cả thiệt hại về tinh thần để đền bù, chứ không chỉ thiệt hại về vật chất.

Tham gia giải trình vấn đề này, Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào cho rằng, những trường hợp cụ thể về bồi thường oan sai giải quyết chậm, có vướng mắc không phải do quy trình mà do vướng trong việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Khó khăn lớn nhất, theo ông Hào, là khi người bị thiệt hại không chứng minh được thiệt hại.

Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Hữu Thể cũng cho rằng, phải làm rõ hơn những khoản nào được bồi thường, cách thức tính như thế nào bởi “cái này không rõ nên cãi nhau, cãi nhau không được thì đưa nhau ra toà cũng chỉ vì không thống nhất được.”

“Nói ra thì xấu hổ, bảo “cò kè bớt một thêm hai”, nhưng chúng ta cần có quy định rất chuẩn để cơ quan Nhà nước căn cứ vào đó như một ba-rem để tính toán mức bồi thường”, ông Thể thẳng thắn bày tỏ.

Người có trách nhiệm phải bồi hoàn vào ngân sách

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, việc bồi hoàn phải bảo đảm công bằng, công khai và minh bạch. “Tổ chức Nhà nước bồi thường thì người có trách nhiệm bồi thường phải bồi hoàn vào ngân sách theo quy định. Dự thảo luật sửa đổi cần ghi rõ: thiệt hại bao nhiêu thì phải bồi thường cho Nhà nước bấy nhiêu”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thẳng thắn đề xuất.

Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nêu lên một thực tế là người dân rất bức xúc về số tiền bồi thường mà ngân sách phải bỏ ra khá lớn. “Mỗi vụ mười mấy tỷ đồng, trong khi trách nhiệm bồi hoàn của người làm ra oan sai thế nào?"- bà Nga đặt câu hỏi.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp hứa sẽ tiếp thu, chỉnh lý dự thảo dựa trên nguyên tắc tất cả các công chức gây ra thiệt hại đều phải bồi hoàn.

Tuy khẳng định rằng “Luật sẽ thiết kế hợp lý để người ta ý thức việc bỏ tiền bồi thường thiệt hại do mình gây ra,”, nhưng Bộ trưởng Bộ Tư Pháp cũng thận trọng khi nói rằng, “sẽ không đến mức quá kinh khủng để người ta không dám làm gì”.

Kết luận về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước sửa đổi, nhưng lưu ý cơ quan soạn thảo cần xem xét lại phạm vi bồi thường nhằm đảm bảo sự hiến định.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc