(VnMedia)-
Theo Nghị định 122/2015/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016) thì 08 trường hợp sau đây được trả lương cao hơn ít nhất 7% mức lương tối thiểu vùng.
Theo đó, trường hợp đầu tiên, căn cứ theo quy định tại Nghị định 90/CP ngày 24/11/1993, người đã được cấp chứng chỉ nghề, bằng nghề, bằng trung học chuyên nghiệp, bằng trung học nghề, bằng cao đẳng, chứng chỉ đại học đại cuong, bằng đại học, bằng cử nhân, bằng cao học hoặc bằng thạc sỹ, bằng tiến sỹ.
Thứ hai, theo quy định tại Luật Giáo dục 1998 và Luật Giáo dục 2005, người đã được cấp bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp đào tạo nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sỹ, bằng tiến sỹ, văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghệ nghiệp, văn bằng giáo dục đại học và văn bằng, chứng chỉ giáo dục thường xuyên.
Thứ ba, theo quy định tại Luật Dạy nghề 2006, người đã được cấp chứng chỉ theo chương trình dạy nghề thường xuyên, chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc đã hoàn thành chương trình học nghề theo hợp đồng học nghề.
Thứ tư, theo quy định của Luật Việc làm 2013, người đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Thứ năm, theo quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; đào tạo thường xuyên và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác.
Thứ sáu, theo quy định tại Luật Giáo dục đại học 2012, người đã được cấp bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo của giáo dục đại học.
Trường hợp thứ 7, người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ của cơ sở đào tạo nước ngoài.
Trường họp thứ 8, người đã được doanh nghiệp đào tạo nghề hoặc tự học nghề và được doanh nghiệp kiểm tra, bố trí làm công việc đòi hỏi phải qua đào tạo nghề.
An Khanh
Ý kiến bạn đọc