(VnMedia) - Câu chuyện giảm tải cho các bệnh viện đã là vấn đề nhức nhối kéo dài nhiều năm. Các kế hoạch, biện pháp khác nhau được triển khai tích cực với quyết tâm cao nhưng hiệu quả thực tế vẫn còn rất xa so với mong đợi của người bệnh và xã hội. Khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo ngành Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến đã ngay lập tức xác định nhiệm vụ giảm tải bệnh viện để chăm sóc người bệnh tốt hơn là ưu tiên số 1. Những nỗ lực "giải cứu" bệnh nhân của nữ Bộ trưởng đã đem lại kết quả đáng ghi nhận.
Tìm giải pháp bằng tầm nhìn của một nhà khoa học
Câu chuyện giảm tải bệnh viện được bắt đầu từ nỗi khổ sở, vất vả của những người bệnh đang vật lộn từng ngày để gìn giữ sự sống của mình. "Cách đây hơn 10 năm, tôi bị ung thư thanh quản, sau phẫu thuật phải vào điều trị hóa chất, rồi cả xạ trị tại bệnh viện K. Hóa chất vào cơ thể luôn khiến người bệnh mệt mỏi là thế nhưng bệnh viện cũng không đủ giường nằm cho bệnh nhân. Mỗi đợt điều trị, tôi đành phải cầm cây truyền hóa chất đó ra vườn hoa ngồi vì hành lang cũng kín người ngồi cầm cây truyền thuốc như tôi ....", đó là lời chia sẻ về sự quá tải bệnh viện của PGS.TS Đinh Văn Sâm (Đại học Bách Khoa Hà Nội), người từng điều trị ung thư thanh quản tại bệnh viện K.
Còn tại bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), một bệnh nhân từng điều trị gãy xương đùi tại đây cho biết, chờ được mổ chân cũng phải xếp hàng vì bệnh viện phải xếp thứ tự ưu tiên những ca nặng trước. Đó là chưa kể, khi xuống hậu phẫu, giường bệnh nhân xếp điều trị ngoài hành lang vì trong phòng hết chỗ....
Không chỉ có bệnh viện K, bệnh viện Việt Đức là những điểm nóng về tình trạng quá tải, nhiều bệnh viện khác Nhi, Nội tiết...cũng rơi vào tình trạng tương tự, gây nhiều bức xúc cũng như thiệt thòi cho người bệnh. Đây là vấn đề mà ngành y tế và các bệnh viên “đau đầu” tìm giải pháp. Qua những phản ánh của người dân, ngoài thái độ khám chữa bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến cho biết: " Cái mà người bệnh chê nhiều nữa khi chúng tôi khảo sát phiếu nhận xét là chê về cơ sở hạ tầng. Bệnh viện còn chật, cơ sở vật chất không đủ, thiếu nhà vệ sinh...".
Trong một buổi trao đổi với báo giới, câu chuyện giảm tải bệnh viện đã được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến nhấn mạnh, đưa lên thành ưu tiên số 1 của ngành Y tế, đi kèm đó là phải làm hài lòng người bệnh. Kể từ khi đảm trách Bộ Y tế (tháng 8/2011), nữ Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến đã hơn một lần khẳng định quyết tâm: "...giảm quá tải, giảm phiền hà....là những việc đang được ngành Y tế triển khai rất quyết liệt".
Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến trong một lần "vi hành" tại bệnh viện K. Ảnh:VNN |
Bằng tầm nhìn của nhà khoa học và kinh nghiệm quản lý của mình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến đã quyết định thực hiện một giải pháp đồng bộ, vừa giảm tải bệnh viện, vừa giúp hệ thống các bệnh viện tuyến dưới nâng cao chất lượng điều trị, hạn chế tiêu cực, vừa giúp người dân tiếp cận được các dịch vụ y tế có chất lượng.
Khi đề án giảm tải bệnh viện được Chính phủ thông qua tháng 1/2013, hàng loạt các giải pháp được triển khai, trong đó Bộ Y tế tập trung đầu tư xây mới nhiều bệnh viện; nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất hiện có; mở rộng các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực tuyến dưới thông qua việc tăng cường hoạt động chỉ đạo tuyến về hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật (Đề án Bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816)...
Riêng trong năm 2015, nhiều bệnh viện đầu ngành mới được đầu tư, khởi công xây dựng với hàng nghìn giường bệnh. Tình trạng quá tải bước đầu được cải thiện. Từ chỗ nằm ghép trầm trọng, nay nhiều bệnh viện đầu ngành cam kết không tái diễn tình trạng này như Việt Đức, Nhi Trung ương, K Trung ương - cơ sở 3...
Bên cạnh đó, nhờ những bệnh viện vệ tinh, hàng ngàn bệnh nhân hiện nay đã có thể yên tâm điều trị một số bệnh lý phức tạp ở tuyến dưới. Cũng những kết quả này, ngành Y tế đang dần cải thiện hình ảnh trong mắt người dân.
Khi những điểm sáng được nhân rộng
Tiếp xúc với nhiều bác sĩ tại các bệnh viện, cánh phóng viên báo chí chúng tôi bất ngờ vì nhận thấy đằng sau những hình ảnh chưa đẹp của ngành y, còn có những tâm nguyện, những trăn trở, những suy nghĩ rất đáng trân trọng của các bác sỹ. Trong đó, có một mong muốn chung là đóng góp về chuyên môn để những vùng sâu vùng xa có được những bác sĩ đủ trình độ chữa những ca khó, giúp dân nghèo đỡ khổ.
Một bác sĩ tại bệnh viện Việt Đức chia sẻ, vị đầu ngành Y tế cũng là một bác sỹ, một nhà khoa học nên sự đồng cảm, thấu hiểu với người trong ngành rất nhanh và sâu. Tình trạng quá tải tại các bệnh viện Trung ương không chỉ khiến người bệnh gặp khó khăn mà ngay chính những bác sĩ điều trị cũng rơi vào tình trạng “quá tải”. Do đó, khi đề án giảm tải bệnh viện cùng với nhiều giải pháp được đưa ra, hầu hết người trong ngành đều rất ủng hộ và tích cực tham gia.
Một khâu được cho là đột phá giúp giảm quá tải bệnh viện tuyến trên là phát triển tuyến dưới để người dân được khám, điều trị ngay tại địa phương mình. Với đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020, ngành Y tế đang nỗ lực triển khai, trong đó đã hình thành mô hình bệnh viện vệ tinh của năm chuyên khoa đang quá tải nhiều nhất là: sản, nhi, ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình.
Nếu như ở phía Nam có bệnh viện Chợ Rẫy tích cực và đi đầu trong việc triển khai hiệu quả việc chuyển giao kỹ thuật tuyến dưới, thì ở Hà Nội, một trong những điểm sáng của ngành y tế trong công tác chuyển giao kỹ thuật, đào tạo chuyên môn cho tuyến dưới là bệnh viện Việt Đức.
Tính đến nay, trong lĩnh vực ngoại khoa, bệnh viện Việt Đức đã chuyển giao thành công hơn chục gói kỹ thuật cho gần 10 bệnh viện vệ tinh là bệnh viện đa khoa các tỉnh: Hà Giang, Điện Biên, Lào Cai, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Bắc Giang với hàng trăm học viên tiếp nhận kỹ thuật.
Nhiều bác sĩ giỏi của bệnh viện Việt Đức đã xuống tận cơ sở, chỉ dẫn cho bác sĩ tuyến dưới phương pháp điều trị các ca bệnh khó. Trong nhiều năm qua, bệnh viện đã thực hiện việc chuyển giao kỹ thuật, giúp nhiều bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện thuần thục các kỹ thuật như phẫu thuật gãy vùng mấu chuyển xương đùi, kỹ thuật cầm máu trong xuất huyết dạ dày, kỹ thuật mổ máu tụ trong não…
Nhờ vào hệ thống thông tin mạng, các bác sỹ của Việt Đức đã có sáng kiến vận dụng triệt để công nghệ thông tin vào việc hỗ trợ tuyến dưới, như hỗ trợ qua email, điện thoại hoặc hội chẩn trực tiếp qua internet; kỹ thuật viên được thao diễn trực tuyến, giúp các bác sĩ tuyến tỉnh được trao đổi trực tiếp với các chuyên gia, tăng khả năng cấp cứu và điều trị bệnh dân tại bệnh viện tuyến dưới.
Trao đổi với Thầy thuốc nhân dân, GS.TS. Trịnh Hồng Sơn-Phó Giám đốc BV Việt Đức, người đã lăn lộn nhiều năm tại các tỉnh biên giới phía Bắc thực hiện công tác đào tạo chuyên môn tuyến dưới, cho biết: " Ở bệnh viện Việt Đức, Ban lãnh đạo bệnh viện đã đưa ra tiêu chuẩn mà không phải nơi nào cũng làm được, đó là chỉ bác sĩ giỏi mới về tuyến dưới hỗ trợ". Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho việc chuyển giao thực sự đạt hiệu quả cao.
Không chỉ có bệnh viện Việt Đức, bệnh viện K cũng là một trong những điểm sáng tích cực trong việc hỗ trợ các bệnh viện vệ tinh. Lãnh đạo bệnh viện K cho biết, hiện bệnh viện đã hỗ trợ tích cực sáu bệnh viện vệ tinh là bệnh viện đa khoa các tỉnh: Phú Thọ, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hòa Bình và Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh); nhiều gói kỹ thuật được chuyển giao cho bệnh viện vệ tinh, như: phẫu thuật ung thư giáp trạng, phẫu thuật ung thư vòm họng, phẫu thuật ung thư cổ tử cung, xạ trị ung thư thực quản, xạ trị ung thư dạ dày, xét nghiệm mô bệnh học chẩn đoán ung thư…
Sau ba năm thực hiện triển khai đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020, tình trạng quá tải bệnh viện đang từng bước được giải quyết. Theo thống kê của Bộ Y tế, các bệnh viện hạt nhân đã tổ chức được gần 400 lớp đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho hơn 7.000 cán bộ chuyên môn, chuyển giao được gần 800 kỹ thuật từ bệnh viện hạt nhân cho bệnh viện vệ tinh giúp giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ tuyến dưới lên tuyến trên, đạt từ 65 đến 100% số ca chuyển tuyến, như: Tim mạch (giảm tới 98,5%); Ung thư (giảm tới 97%); Ngoại khoa (giảm tới 98,5%); Sản khoa giảm tới 99%; Nhi khoa: giảm tới 73% so với trước khi triển khai mô hình bệnh viện vệ tinh.
Những kết quả này, có tác động trực tiếp tới người bệnh, không chỉ giúp người dân bớt vất vả di chuyển lên tuyến trên mà vẫn được điều trị và sử dụng các kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh, giúp giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên và đặc biệt là giảm chi phí cho người bệnh.
Mặc dù vậy, ngành Y tế hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc các bệnh viện tuyến dưới chưa được cấp đủ kinh phí, đầu tư trang thiết bị, bố trí đủ nhân lực để bảo đảm điều kiện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện tuyến trên. Từ thực tế này, trong năm 2016, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị tăng cường các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh. Để các giải pháp giảm quá tải bệnh viện được thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả, bền vững hơn ở các tuyến, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh, ưu tiên đầu tư cho các bệnh viện vệ tinh đảm bảo có đủ điều kiện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện tuyến trên tăng cường chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn cho tuyến dưới, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, một tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các bệnh viện…
Đinh Bách
Ý kiến bạn đọc