Vụ bê bối Tổng cục thủy sản: Có dấu hiệu bao che sai phạm!?

14:25, 26/07/2016
|

(VnMedia) – Vụ việc một số cán bộ bán 808 giấy phép lưu hành sản phẩm khống cho 72 doanh nghiệp xảy ra vào 6/2015. Mặc dù, lực lượng chức năng đã vào cuộc điều tra làm rõ, song không xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Vụ việc có dấu hiệu bị cho chìm xuồng và đẩy rủi ro cho hàng triệu triệu nông dân.

 

Tổng cục thủy sản không công bố danh tính các sản phẩm bị mua giấy phép lưu hành
Tổng cục thủy sản không công bố danh tính các sản phẩm bị mua giấy phép lưu hành

Theo báo cáo từ Tổng cục thủy sản, sau khi phát hiện ra vụ việc, Tổng cục đã cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng ông Bùi Đức Quý (lúc đó Giám đốc Trung tâm kiêm Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thuỷ sản). Buộc thôi việc và khai trừ Đảng với công chức là ông Lê Tuấn Anh, Phó trưởng Phòng Hành chính, quản trị của Văn phòng Tổng Cục; buộc thôi việc 5 viên chức và cảnh cáo 1 viên chức của Trung tâm Kiểm định, Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm nuôi trồng thủy sản (3K).

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, thời điểm Tổng cục thủy sản cách chức ông Bùi Đức Quý thì chỉ còn 2 tháng nữa là ông Quý đến tuổi nghỉ hưu.

Đáng chú ý, để khắc phục hậu quả, Thanh tra Tổng cục đã buộc các đối tượng trên hoàn trả 1,2 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính từ hoạt động làm khống giấy phép lưu hành cho 72 doanh nghiệp. Song, trên thực tế, các cán bộ này đã nhận của doanh nghiệp ít nhất 4 tỷ đồng/người tiền hoa hồng cảm ơn. Vậy, việc đoàn thanh tra yêu cầu mỗi người bồi hoàn vài trăm triệu đồng có quá nương nhẹ.

Chưa hết, thời điểm thanh tra Tổng cục thủy sản kết thúc vụ việc 5/2015. Bản kết luận của thanh tra Tổng cục đã được gửi tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát và Thanh tra Bộ này.

Tuy nhiên, làm việc với PV ngày 23/7, đoàn thanh tra Bộ Nông nghiệp mới công bố quyết định thanh tra lại vụ việc này. Như vậy, chỉ sau khi báo chí phanh phui đưa vụ việc ra ánh sáng thì Thanh tra Bộ mới vào cuộc cho đúng lệ.

Thêm nữa, cùng thời điểm đó, phía Bộ Công an cũng đã cử lực lượng điều tra vụ việc này xong cơ quan này không ra quyết định khởi tố hình sự, phó mặc cho Tổng cục thủy sản xử lý nội bộ.

Một điều đáng buồn, mặc dù Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Tổng cục thủy sản phải cung cấp thông tin cho báo chí. Nhưng nhiều ngày nay, rất nhiều cơ quan báo chí đã thường xuyên liên lạc với lãnh đạo Tổng cục thủy sản để đề nghị cung cấp danh tính 808 sản phẩm bị làm giả giấy lưu hành để thông tin cho nông dân biết, tránh mua phải hàng kém chất lượng. Xong, Lãnh đạo tổng cục thủy sản đã “đóng cửa”, cố tình ỉm không cung cấp thông tin.

Vì sao Lãnh đạo Tổng cục lại cố tình không muốn cung cấp danh tính các sản phẩm này mặc dù thông tin này rất có ích cho hàng triệu người dân đang nuôi trồng thủy sản?. Sự việc đang rất cần được cơ quan chức năng làm rõ.

Sáng nay (26/7), bên lề Quốc hội, đại biểu đã lên tiếng phản đối về việc Lãnh đạo Tổng cục thủy sản đã chậm trễ trong việc xử lý vụ việc.

Đại biểu Trương Minh Hoàng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học-công nghệ của Quốc hội cho biết: “Sau khi báo chí phản ánh vụ việc, nhiều bà con nông dân rất bức xúc. Nhiều người đã gọi điện cho tôi phàn nàn. Khi tiếp xúc cử tri, cũng có nhiều ý kiến than phiền về chất lượng vật tư nông nghiệp trong đó có vật tư nuôi trồng thuỷ sản. Hàng trôi nổi, kém chất lượng rất nhiều. Sự kiểm soát các mặt hàng này là lỏng lẻo. Vụ việc xảy ra như vậy, sai phạm là có tổ chức. Có dấu hiệu cấu thành tội phạm rất rõ. Tôi nghĩ là khi mới phát hiện ra vụ việc, nếu cơ quan kiểm tra của ngành mà đã làm rõ, có ý chậm chuyển cho cơ quan điều tra thì đó là một thái độ đáng trách. Thêm nữa, vụ việc này đã được chuyển cho cơ quan an ninh của Bộ Công an làm rõ. Nhưng việc xử lý như vậy vẫn còn chậm quá. Mức xử lý hành chính như vậy không thể chấp nhận được. Làm thế gây mất lòng tin kinh khủng”.

Khánh An


Ý kiến bạn đọc