Người dân cung cấp bằng chứng, cảnh sát giao thông sẽ xử phạt?

14:42, 19/07/2016
|

(VnMedia)- Từ ngày 01/8/2016 người dân có thể cung cấp các hình ảnh, video clip ghi nhận các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt cho lực lượng Cảnh sát giao thông để xử phạt vi phạm hành chính. Thực hư câu chuyện này như thế nào?

Theo quy định tại Điều 79, Nghị định Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định về việc sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt cung cấp làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Cụ thể, người có thẩm quyền sử phạt được sử dụng kết quả thu được từ thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới, máy đo tốc độ có ghi hình ảnh, thiết bị ghi âm và ghi hình; thiết bị đo tại trọng trục bánh toa xe do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt cung cấp làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lính vực đường bộ và đường sắt.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cũng theo quy định tại Điều 79, phương tiện, thiết bị đo nói trên trước khi đưa vào sử dụng phải đảm bảo được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luât; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phải được duy trì trong suốt quá trình sử dụng và giữa hai kỳ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.

Nếu căn cứ vào quy định này, có thể thấy rằng, việc giám sát các hành vi vi phạm và xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt sẽ nghiêm ngặt hơn, và người dân chỉ cần cung cấp bằng chứng là lực lượng cảnh sát giao thông có thể xử phạt?

Theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông, liên quan đến vấn đề này, cần phải hiểu đúng theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (đối với lĩnh vực giao thông là lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, thanh tra chuyên ngành, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải…) được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện vi phạm hành chính.

Mặc dù Điều 79 Nghị định 46 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ có quy định về việc sử dụng hình ảnh, video ghi nhận các hành vi vi phạm, tuy nhiên, ngay tại Điều 79 cũng có những quy định cụ thể trong việc sử dụng phương tiện, thiết bị quay, ghi âm... phải đảm bảo được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, đồng thời phải tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính như: tôn trọng quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của công dân, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức; tuân thủ đúng quy trình, quy tắc về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

Đối với người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để ghi lại hình ảnh cũng có những quy định cụ thể: phải là nhân viên của tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt; được tập huấn về quy trình thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có liên quan; thực hiện đúng quy trình, thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và chịu trách nhiệm về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

Như vậy, điểm mới của Nghị định 46 về vấn đề này là mở rộng chủ thể được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Tuy nhiên không có quy định mở rộng đối với việc cá nhân (người dân) cung cấp hình ảnh, clip để lực lượng chức năng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Đức Giang


Ý kiến bạn đọc