Chính phủ mới: Thu gọn đầu mối, giảm cấp trung gian

18:55, 25/07/2016
|

(VnMedia) - Chiều 25/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ mới

Theo tờ trình, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021) sẽ vẫn giữ nguyên 18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ như bộ máy tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016.  

Về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  đề nghị Quốc hội xem xét giữ giữ ổn định như khoá XIII  gồm 18 Bộ và 4 cơ quan ngang bộ.

Cụ thể, 18 bộ gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ Giáo dục Đào tạo và  Bộ Y tế.

 4 cơ quan ngang Bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.

Trước đó, đánh giá về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết vẫn duy trì hoạt động theo mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực như nhiệm kỳ trước đó (2007-2011), bảo đảm bao quát đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi đối tượng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, đồng thời thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao  một cơ quan chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm chính. Các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn  của các bộ, cơ quan ngang bộ từng bước được rà soát, hoàn thiện theo quy định của pháp luật,  bảo đảm tính thống nhất, thông suốt trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và giảm tối đa chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của Bộ, cơ quan ngang bộ.

Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế nhất định. Theo đó, đến nay vẫn còn một số lĩnh vực phân công chưa phù hợp, chưa rõ về thẩm quyền, trách nhiệm; Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách của các cơ quan các bộ chưa thực sự hiệu quả để thể hiện rõ vai trò quản lý vĩ mô về mô về kinh tế - xã hội; Công tác phối hợp để giải quyết những vấn đề liên ngành chưa chặt chẽ do có sự giao thoa và phân công nhiệm vụ chưa hợp lý, dẫn đến khó xác định trách nhiệm khi có vấn đề xảy ra.

Theo Thủ tướng, sau khi Quốc hội có Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định khung về cơ cấu, quyền hạn, chức năng nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; kiện toàn bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, bảo đảm thu gọn đầu mối, giảm cấp trung gian.

Chính phủ cũng sẽ sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc theo quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Chính phủ và các luật liên quan, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phân định rõ trách nhiệm, phạm vi và cách thức giải quyết công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ; đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý chỉ đạo điều hành trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, đơn giải hoá thủ tục và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra về cơ cấu tổ chức của Chính phủ.

Sau phần thảo luận của các đại biểu, dự kiến Nghị quyết  về cơ  cấu tổ chức của Chính phủ sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua trong sáng mai (26/7).

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc