(VnMedia) - 6 chiếc xe máy Honda SH, Honda PS không biển số, không giấy tờ đi kèm được giấu lẫn trong 70 tấn hàng lậu vừa bị Cục Chống buôn lậu C74 Bộ Công an bắt giữ. Nhiều nghi vấn đặt ra: liệu đây có phải là đường dây vận chuyển xe máy ăn cắp tinh vi và chuyên nghiệp?
Quy trình vận chuyển xe máy trên tuyến đường sắt rất chặt chẽ |
Ngày 17/6, tại ga Biên Hòa - Đồng Nai, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74 - Bộ Công an) đã bất ngờ kiểm tra chuyến tàu số hiệu TN1 (xuất phát từ ga Hà Nội đến TPHCM). Trong hai toa hàng gửi theo hình thức nguyên toa, lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ khoảng 70 tấn hàng lậu bao gồm điện thoại di động, đồng hồ, thuốc tân dược, phần lớn không có hóa đơn chứng từ. Đi kèm với 70 tấn hàng lậu này, lực lượng chức năng còn phát hiện 6 chiếc xe máy Honda SH, Honda PS cũ không biển kiểm soát, không giấy tờ.
Theo tìm hiểu của PV, Công ty đảm nhận dịch vụ vận chuyển cho lô hàng này là Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội, có địa chỉ 130 Lê Duẩn, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đây cũng là đơn vị chịu trách nhiệm việc kiểm tra giám sát nguồn gốc hàng hóa trước khi đưa lên tàu.
Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Bính - Phó Tổng giám đốc công ty Cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, số hàng trên là do công ty Cổ phần Bao bì vận chuyển Hà Nội, địa chỉ 137 Lê Duẩn, Hai Bà Trưng, Hà Nội (công ty Bao bì) gửi và chịu trách nhiệm giám sát. “Chúng tôi có ký hợp đồng vận chuyển với Công ty Bao bì. Theo hợp đồng đã ký, công ty Bao bì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính pháp lý của lô hàng trên. Hơn nữa, đây là lô hàng gửi theo hình thức nguyên toa. Có nghĩa, sau khi kiểm tra, hàng được xếp lên toa và niêm phong, kẹp chì. Vì vậy, khi hàng đã lên tàu, không ai có thể mở ra để tra, kiểm soát” - ông Bính nói.
Cũng theo ông Bính, theo quy định của ngành Đường sắt, khi nhận vận chuyển xe máy, người gửi phải xuất trình được chứng minh thư. Kèm theo đó, xe máy phải có biển số và đăng ký xe pho to. Vì vậy, việc 6 chiếc xe Honda SH, Honda PS được vận chuyển trên tàu không có biển số, không có giấy tờ là trái quy định. “Tôi cho rằng, để xảy ra sự việc này là do một số cán bộ đã cố tình cắt xén quy trình giao nhận nhằm mục đích để tiếp tay cho những việc làm sai trái. Hiện, chúng tôi đang chờ anh em báo cáo cụ thể và sẽ xử lý kỷ luật ngay lập tức những người đã tiếp tay cho buôn lậu, gian lận ” - ông Bính khẳng định.
Xe máy được vận chuyển lên tàu từ 15/6 xong giấy hẹn mà công ty CP bao bì vận chuyển Hà Nội xuất trình ghi ngày 21/6 |
Lý giải với PV, vì sao những chiếc xe máy không biển số, không giấy tờ lại được ký gửi theo hình thức nguyên toa, ông Nguyễn Văn Tuấn – đại diện công ty Bao bì cho biết, trong số những chiếc xe máy trên đều là xe chuyển vùng, giấy tờ đã được các cơ quan chức năng thu hết. Để làm bằng chứng, ông Tuấn đã trưng ra 1 số tờ giấy hẹn của Phòng cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội. Tuy nhiên, ngày ghi giấy hẹn là ngày 21/6/2016 trong khi đó, những chiếc xe máy này đã được đưa lên tàu từ ngày 15/6. Điều này khẳng định, khi gửi hàng lên tàu, người gửi đã không xuất trình được giấy hẹn chuyển vùng nhưng phía công ty Bao bì vẫn nhận hàng. Nghi vấn đặt ra, nếu đây là những chiếc xe mô tô ăn cắp thì rõ ràng công ty Bao bì đã vô tình tiếp tay vận chuyển hàng ăn cắp vào Nam tiêu thụ. Liệu đây có phải là đường dây chuyên vận chuyển xe gian hay không. Việc này đang được các cơ quan chức năng làm rõ.
Trước câu hỏi của PV, vì sao xe máy không biển số, không giấy tờ mà phía công ty Bao bì vẫn nhận hàng? ông Tuấn vẫn khẳng định, 6 chiếc xe này đầy đủ giấy tờ. Hiện toàn bộ giấy tờ đi theo xe đã được gửi vào Đồng Nai để các lực lượng chức năng xác minh.
Tuy nhiên, theo khẳng định của một cán bộ C74 - Bộ Công an, sau khi kiểm tra số xe máy trên, phía công an đã phát hiện một số xe đã bị cà nát số khung, số máy. Cơ quan công an đã liên lạc theo số điện thoại người nhận nhưng các số máy này đều tắt. Hiện tại, không có bất cứ người nhận nào đến liện hệ để nhận những chiếc xe máy trên.
Theo thông tin mới nhất, sau khi sự việc xảy ra, ngày 22/6, Lãnh đạo công ty Công ty Cổ phần đường sắt Hà Nội đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với các cán bộ có liên quan trực tiếp đến việc giao, nhận hàng hóa, hành lý trong vụ việc trên. Đồng thời, tạm ngừng vận chuyển hàng hóa đối với công ty Bao bì.
Từ vụ việc này cho thấy, việc kiểm tra hàng hóa trong ngành đường sắt hiện nay khá lỏng lẻo. Trong khi đây lại là một trong những tuyến vận chuyển hàng hóa quan trọng với số lượng hàng hóa ký gửi rất lớn.
Việc Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội ký hợp đồng theo hình thức "bán toa" cho đơn vị kinh doanh ngoài ngành là Công ty Bao bì khai thác là rất rủi ro. Mặc dù, khi trao đổi với PV, Lãnh đạo công ty Cổ phần đường sắt Hà Nội đã khẳng định hợp đồng ký với công ty Bao bì rất chặt chẽ. Xong, những sự việc đáng tiếc vẫn xảy ra và nó gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành.
Khánh An
Ý kiến bạn đọc