100 Uỷ viên Trung ương Đảng trúng đại biểu Quốc hội đều trong dự kiến

16:19, 09/06/2016
|

(VnMedia) - Hội đồng bầu cử quốc gia đã công bố danh sách 496 đại biểu trúng cử Quốc hội khóa XIV - thiếu 4 đại biểu so với dự kiến (500 người). Trong số đó, có 317 người tham gia Quốc hội lần đầu, 2 người tự ứng cử.

Danh sách đại biểu trúng cử Quốc hội khóa XIV đã được công bố tại cuộc họp báo chiều nay (9/6).

Chủ trì họp báo là Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Phùng Quốc Hiển, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc; Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn và Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy.

Trưởng ban Công tác đại biểu QH Trần Văn Túy cho biết: Phiên họp lần thứ 6 của HĐ bầu cử quốc gia ngày 8/6 đã thông qua nghị quyết và danh sách này.

Tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao, đạt 99,35%. Các tỉnh đạt cao nhất là Thừa Thiên - Huế, Yên Bái, Quảng Nam, Bình Thuận, Lai Châu, Trà Vinh, Kon Tum, Bến Tre, Hậu Giang.

"Cuộc bầu cử thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, thể hiện ý thức trách nhiệm cao của công dân đối với việc bầu người xứng đáng đại diện cho mình, công khai minh bạch trong các khâu hiệp thương và tổ chức bầu cử, an ninh trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không có những tình huống bất thường xảy ra", ông Túy cho biết.

Trả lời câu hỏi về việc Hội đồng Bầu cử quốc gia đã xác định một điểm hạn chế trong cuộc bầu cử vừa qua là có tình trạng bầu hộ, bầu thay, điều này ảnh hưởng thế nào đến kết quả cuộc bầu cử? Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển xác nhận, có một số thông tin cũng như một số đơn thư của công dân gửi đến Hội đồng Bầu cử quốc gia phản ánh tình trạng bầu hộ, bầu thay.

Hội đồng bầu cử quốc gia đã giao UB bầu cử các tỉnh kiểm tra thì thấy có một số ý kiến là nặc danh. Cũng có một số cử tri nêu hiện tượng trong gia đình mình, do không hiểu biết nên khi có người đi làm ăn xa thì người ở nhà bầu thay. Khẳng định có những cái sai nhưng ông Hiển giải thích, đó là do không hiểu biết. Những sai phạm này, theo đó, không nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.

Theo ông Hiển, UB Bầu cử tại các địa phương đã chấn chỉnh việc này và khẳng định những trường hợp bầu hộ, bầu thay phát hiện không ảnh hưởng lớn đến kết quả bầu cử vì số lượng người đi bầu thay rất ít, chỉ trong phạm vi trong một gia đình.

“Có nơi có hiện tượng sai lệnh nghiêm trọng thì Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tuyên bố huỷ bỏ kết quả bầu cử của khu vực này, yêu cầu bầu lại” - ông Hiển giải thích, việc xem xét, đánh giá các vi phạm cần phân ra những trường hợp cụ thể khác nhau để không ảnh hưởng đến kết quả chung của cuộc tổng tuyển cử.

Về việc trong số những ứng cử viên trúng cử đại biểu Quốc hội lần này có 100 Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích, tất cả những cơ cấu thành phần khi chuẩn bị cho cuộc bầu cử đã được dự kiến. Các đại biểu đại diện cho các thành phần, giai tầng và các cơ quan. Các Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được giới thiệu ứng cử, trúng cử phần lớn ở các cơ quan quan trọng, các Bộ, ngành và địa phương và cũng nằm trong dự kiến cơ cấu được UB Thường vụ Quốc hội và UB Trung ương MTTQ Việt Nam thống nhất hiệp thương, phù hợp tham gia cơ quan đại diện cao nhất của người dân và cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

thủ tướng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trúng cử tại Hải Phòng với tỷ lệ phiếu đạt 99,48%

 

DANH SÁCH CHÍNH THỨC NHỮNG NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIV THEO TỪNG ĐƠN VỊ BẦU CỬ TRONG CẢ NƯỚC

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trúng cử tại Hải Phòng với tỷ lệ phiếu đạt 99,48% (so với số phiếu hợp lệ).

3 Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình (ứng cử tại Long An, đạt tỷ lệ 81,19%), Phạm Bình Minh (ứng cử tại Thái Nguyên, đạt tỷ lệ 83,44%), Vương Đình Huệ (ứng cử tại Hà Tĩnh, đạt tỷ lệ 95,32%).

Các Bộ trưởng trúng cử gồm: Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch; Bộ trưởng Công An Tô Lâm; Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng - Chủ nhiệm UB Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Tư Pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa; Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ; Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

Ngoài các thành viên Chính phủ, đại diện khối Chính phủ trúng cử kỳ này còn có Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Phan Thanh Bình.

17 doanh nhân trúng cử

Trong danh sách 496 người trúng cử có 17 doanh nhân. Đứng đầu về số lượng là Hà Nội, với 6 doanh nhân (gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) trúng cử. Một số địa phương còn lại, bao gồm cả Tp.HCM chỉ có một người đứng đầu, nắm vị trí quản trị doanh nghiệp trúng cử.

Cụ thể, trúng cử tại Hà Nội có Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) Nguyễn Văn Thắng, sinh năm 1973, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng.

Cùng khối DNNN còn có ông Dương Quang Thành, sinh năm1962, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam; ông Phạm Quang Thanh, sinh năm 1981 Phó bí thư Đảng ủy,Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội; Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội, ông Nguyễn Phi Thường (đại biểu tái cử).

Những doanh nhân khác của Hà Nội gồm: bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam (bà Hường đã là đại biểu Quốc hội hai khoá 12 và 13); ông Nguyễn Quốc Bình - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Bí thư Đảng ủy Công ty TNHH MTV Hanel.

Tại TPHCM, ông Phạm Phú Quốc, sinh 1968 Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước thành phố là doanh nhân duy nhất trúng cử.

Trong 9 đại biểu của thành phố Hải Phòng có một doanh nhân là ông Mai Hồng Hải, sinh năm 1972, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hải Phòng.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam, ông Nguyễn Như So là doanh nhân trúng cử ở tỉnh Bắc Ninh.

Trúng cử tại Bình Dương là ông Nguyễn Văn Dành, Phó bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - TNHH một thành viên (Becamex IDC).

Tại Bình Phước, ông Huỳnh Thành Chung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất - Xây dựng - Thương mại và Nông nghiệp Hải Vương, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Bình Phước là một trong 6 đại biểu được bầu.

Đồng Nai có một doanh nhân tái đắc cử là bà Đỗ Thị Thu Hằng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Sonadezi Đồng Nai.

Tại Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển hạ tầng Hà Nam - bà Trần Thị Hiền là đại diện giới doanh nhân.

Các doanh nhân khác tham gia nghị trường khoá này là Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang - ông Nguyễn Ngọc Hải; ông Lê Minh Chuẩn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam; ông Nguyễn Quốc Khánh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Doanh nhân duy nhất tự ứng cử đã trúng cử là ông Phạm Quang Dũng, sinh năm 1954, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần TASCO. Ông Dũng là một trong 9 vị được bầu tại Nam Định.

Số lượng doanh nhân trúng cử khoá này như vậy thấp hơn hẳn con số 40 người của khoá 13 (gần 40 người).

TH


Ý kiến bạn đọc