Mới đây, báo chí Trung Quốc đã chỉ ra những kiểu quan chức tham nhũng núp bóng thanh liêm điển hình.
Trong một bài viết đăng ngày 26/4, tờ Nhân dân Nhật báo cho hay, “có một số cán bộ trên bục dưới bục khác nhau, đối xử với trên với dưới khác nhau, ở cơ quan và về nhà khác nhau, trong giới ngoài giới khác nhau, trong nhà ngoài nhà khác nhau”.
Bài báo còn dẫn một câu nói nổi tiếng thời xưa “kẻ tham hay giả thanh liêm, kẻ dâm luôn giả bộ thuần khiết, kẻ nịnh thường tỏ ra ngay thẳng” để mô tả về quan tham ngày nay. Dưới đây là một số gương điển hình về loại quan tham “miệng nam mô” kiểu này.
Vương Mẫn |
Vương Mẫn, Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy Sơn Đông, Bí thư Thành ủy Tế Nam là một điển hình về kẻ hai mặt. “Giữ kỷ luật, nghiêm quy phạm” là câu nói cửa miệng của Mẫn. Năm 2014, buổi sáng hôm bị bắt, ông ta còn có bài giảng ở hội nghị giáo dục liêm chính cán bộ do thành ủy Tế Nam tổ chức. Ở đây, Mẫn nhấn mạnh mọi cán bộ đảng viên nhất định phải rút ra bài học kinh nghiệm từ những vụ án điển hình để thực sự “kính pháp luật, sợ kỷ luật, tuân quy định, giữ quy phạm”.
Khi 4 đồng sự khác đều bị ngã ngựa, Dương Vệ Trạch, Ủy viên Trung ương dự khuyết, Bí thư Thành ủy Nam Kinh, vẫn “vững như bàn thạch”, nên có người gọi Trạch là “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Rất nhiều lần tại các hội nghị, Trạch lớn tiếng cảnh cáo mọi người “phải luôn rèn luyện, thận trọng tự răn, không làm việc bất nhân, không tham của bất nghĩa, không nhiễm tác phong bất chính, không làm điều phi pháp”.
Tháng 9/2014, Trạch còn viết bài “Làm quan không dễ là điều cần có của người cán bộ” để đăng báo, yêu cầu cán bộ các cấp phải luôn biết sợ, tự vạch giới hạn cho bản thân, luôn khắc ghi lời người xưa “làm quan không dễ, làm quan tốt càng khó”. Thế nhưng, đến ngày 4/1/2015, Trạch đã bị bắt giữ điều tra về “vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng”.
Chu Minh Quốc |
Năm 2007, Chu Minh Quốc, Ủy viên thường vụ, Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Tỉnh ủy, sau là Chủ tịch Hội nghị Chính Hiệp tỉnh Quảng Đông, trở nên nổi tiếng bởi bài phát biểu tại Đại hội Đảng lần thứ 17. Bài phát biểu đã tổng kết một cách đầy hình ảnh: “Phải đề phòng cán bộ ngã trên đất nền, gục trong nhà lầu, hủy bởi phong bao, chết trong các công trình giao thông, nát trong tửu sắc”.
Thế nhưng ngày 28/11/2014, Chu Minh Quốc bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương (UBKTKLTW) thông báo đình chức điều tra, 5 ngày sau bị cách chức. Khi khám nhà Quốc, cơ quan điều tra đã thu được rất nhiều vàng bạc, tiền mặt, đóng thùng chở 10 chuyến xe mới hết. Thậm chí, một số bó tiền đã mục nát vì ẩm mốc.
Lật Trí, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Khu tự trị Tân Cương, từng nói về quan niệm liêm khiết độc đáo của mình: “Yêu cầu của tôi đối với người nhà là: Khi tôi không ở nhà, nếu có người đưa tiền cho người nhà, tôi sẽ không nộp lên trên mà đến tận nhà trả lại… Đảng cho mình làm cán bộ, hàng ngày đã có tiền của Đảng, không liêm khiết thì trong lòng liệu có thấy ăn ngon ngủ yên không?”
Thế nhưng, ông quan được báo chí gọi là “vị quan tốt lập dị” ấy rốt cục cũng gục ngã. Ông ta từng tự ví mình là “con chuột nhát gan” khi quyết định mọi việc. Tuy nhiên, theo thông báo kỷ luật của UBKTKLTW thì Lật Trí đã “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật tổ chức và quy định, vi phạm kỉ cương pháp luật nghiêm trọng, sau Đại hội 18 vẫn không ngưng tay, tính chất xấu xa, tình tiết nghiêm trọng”.
Lô Tử Duyệt |
Ngày 4/2/2016, Phó bí thư, Thị trưởng Ninh Ba (Chiết Giang) Lô Tử Duyệt khi phát biểu tại hội nghị bố trí công tác chống tham nhũng đã cao giọng: “Xây dựng đảng và chống tham nhũng là cuộc đấu tranh không thể thất bại, là nội dung chính và chỗ dựa quan trọng để ‘trị đảng nghiêm’, cần phải kiên định, nắm chắc…”
Thế nhưng, ông quan này cũng chỉ giỏi nhắc nhở mọi người, còn mình thì tự đặt ngoài cuộc nên đã “chết” bởi tham nhũng. Ngày 16/3/2016, trang web của UBKTKLTW cho biết, Duyệt đang bị điều tra vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.
Trần Tuyết Phong, nguyên Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam, Bí thư Thành ủy Lạc Dương, cũng nổi tiếng là người hay đăng đàn về chống tham nhũng. Tháng 6/2014, ông ta viết bài báo dài 2.400 chữ “Học tập gương Tiêu Dụ Lộc, giữ mãi bản sắc thanh chính liêm khiết”. Tháng 2/2015, tại hội nghị UBKTKL đảng thành ủy, ông ta phát biểu phải tăng cường xây dựng tác phong đảng liêm khiết, có biện pháp nghiêm trị “khiến quan chức không dám tham, không thể tham”…
Tuy nhiên, ngày 16/1/2016, UBKTKLTW tuyên bố điều tra Trần Tuyết Phong vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. Theo tin báo chí, vấn đề chủ yếu của Phong là tham nhũng, nhận hối lộ trong lĩnh vực cấp phép khai thác than.
Vạn Khánh Lương khóc lóc tại tòa |
Tháng 1/2014, tại Hội nghị lần thứ 4 UBKTKL thành ủy Quảng Châu khóa 14, Vạn Khánh Lương, Ủy viên Trung ương dự khuyết, Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy Quảng Đông, Bí thư Thành ủy Quảng Châu, trịnh trọng cam kết: “Tôi xin đi đầu làm gương. Có chấp hành yêu cầu của trung ương, tỉnh ủy hay không? Có việc nhúng tay vào công trình, địa ốc, cải tạo đô thị hay không? Có chạy chức, bán chức trong công tác cán bộ hay không? Có lợi dụng quyền lực cá nhân để mưu lợi riêng hay không? Đề nghị mọi người hãy giám sát tôi! Phát hiện vấn đề, lập tức tố giác”.
Thế nhưng, chỉ nửa năm sau, Vạn Khánh Lương đã bị điều tra vì “có dấu hiệu vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng”. Ngày 9/10 cùng năm, Lương bị Viện Kiểm sát Quảng Tây phê chuẩn bắt giam để khởi tố hình sự. Từ ngày 25/12/2015, tòa án Nam Ninh (Quảng Tây) bắt đầu xét xử Lương về tội nhận hối lộ lên tới 111,25 triệu NDT (390 tỷ VND) và lợi dụng chức quyền. Trước tòa, Lương đã thừa nhận mọi tội lỗi và khóc nức nở bày tỏ ân hận…
Liêu Thiếu Hoa có lẽ là trường hợp khôi hài nhất. Vị Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy Quý Châu, Bí thư Thành ủy Tuân Nghĩa này từng được gọi là “Tiên phong chống tham”, “Tiêu binh liêm chính”, rất thích dẫn cán bộ vào trại giam để cho họ “nhìn các tấm gương mờ, mà rút ra bài học kinh nghiệm thực tế cho bản thân”.
Tuy nhiên, chính bản thân Hoa lại trở thành “tấm gương mờ” điển hình để các cán bộ soi mình. Tháng 10/2013, Hoa bị đình chức điều tra, sau đó bị Viện Kiểm sát tối cao ra quyết định khởi tố. Ngày 9/4/2015, tòa án Tây An (Thiểm Tây) đã tuyên phạt Liêu Thiếu Hoa 16 năm tù, tịch thu tài sản cá nhân 1,3 triệu NDT về tội nhận hối lộ, lạm dụng chức quyền.
Thường Tiểu Binh |
Bên lề kỳ họp Quốc hội Trung Quốc năm 2015, khi trả lời phỏng vấn báo chí, Thường Tiểu Binh, Tổng giám đốc Tập đoàn China Telecom, giãi bày lương sau thuế của ông chỉ có 8.000 NDT/tháng (28 triệu VND) và nói: “Hiện lương của tôi chỉ chưa tới 10.000 NDT, nhưng không hề gì. Vì sao? Bởi lương của mình đặt trong bối cảnh các xí nghiệp quốc nội đang cải cách… Xí nghiệp trung ương chúng tôi phải gánh vác trách nhiệm với xã hội nên phải ưu tiên đại cục!”
Tuy vậy, sau khi UBKTKLTW quyết định đình chức để điều tra Binh ngày 27/12/2015, báo chí cho biết trong năm 2014, Binh đã kiếm được 1,07 triệu NDT (3,6 tỷ VND) từ cổ phiếu của China Telecom. Ông ta có 2 ngôi nhà ở Bắc Kinh và Hong Kong, có người nhà giữ chức vụ cao trong một công ty đối tác…
Có một số quan chức khoác áo giản dị chất phác, gây ấn tượng quan thanh liêm với công chúng, nhưng sau khi ngã ngựa thì họ cũng khiến mọi người ngã ngửa…
Mao Thiệu Liệt trước vành móng ngựa |
Mao Thiệu Liệt, Phó chủ tịch Chính Hiệp thị xã Hạ Châu, Quảng Tây, trong mắt cấp trên, đồng sự, cấp dưới và dân chúng là người bình dị dễ gần. Liệt không uống rượu, chẳng hút thuốc, thường xuyên mặc quần áo cũ, đi dép nhựa, thắt lưng đã bong tróc lớp ngoài.
Sau này, cơ quan điều tra cho biết, trong thời gian giữ các chức vụ từ bí thư, huyện trưởng, phó bí thư, phó thị trưởng… Liệt đã lợi dụng chức quyền để giúp người khác mưu lợi rồi nhận hối lộ bằng biệt thự, tiền mặt, thẻ ngân hàng của 37 người với tổng giá trị hơn 11,38 triệu NDT (40 tỷ VND). Ngày 1/4/2015, tòa án Quý Cảng tuyên phạt Liệt 17 năm tù, tịch thu tài sản cá nhân 3 triệu NDT.
Tương tự, Ngụy Bằng Viễn, Vụ phó Vụ Than của Ủy ban Cải cách quốc gia, cũng ăn mặc giản dị, ngày ngày cưỡi xe đạp, nổi tiếng mẫu mực. Nhưng sau khi Viễn bị bắt, cơ quan điều tra đã phát hiện thấy trong nhà ông ta giấu 200 triệu NDT (700 tỷ VND) tiền mặt. Khi kiểm đếm, 4 máy đếm tiền đã bị hỏng do quá tải.
Ý kiến bạn đọc