Thu nhập bình quân nông dân Hà Nội đạt 33 triệu đồng/năm

16:40, 12/05/2016
|

(VnMedia) - Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 14 lên 33 triệu đồng/người/năm, vượt 8 triệu đồng so với mục tiêu. Nông thôn Hà Nội phấn đấu thu nhập bình quân 49 triệu đồng/người/năm vào năm 2020...

Sáng 12/5, TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội giai đoạn 2011-2015. Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

nông thôn mới
Nông thôn mới Hà Nội - ảnh minh họa

Dẫn đầu về số xã đạt chuẩn nông thôn mới

Thông tin từ hội nghị cho biết, đến nay, 100% số xã trên địa bàn hoàn thành việc lập quy hoạch nông thôn mới, 213/401 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 53,12%. Bình quân mối xã đạt và cơ bản đạt 16,9 tiêu chí; Giá trị sản xuất nông nghiệp liên tục tăng, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra hàng năm: sản lượng lương thực trên 1,2 triệu tấn, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng 1,1-1,3 lần, cơ sở hạ tầng nông nghiệp được đổi mới, nâng cấp. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp đạt bình quân 2,4%/năm, tăng 0,65% so với mục tiêu Chương trình đề ra (1,75%), giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế năm 2015 đạt 233 triệu đồng/ha, tăng 44,6 triệu đồng/ha so với đầu giai đoạn và tăng 2 triệu đồng/ha so với mục tiêu Chương trình đề ra.

Thành phố cũng đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch về nâng cao đời sống nông dân. Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,9%, còn trên 34.000 hộ, giảm hơn 81.000 hộ so với đầu giai đoạn. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 14 lên 33 triệu đồng/người/năm, vượt 8 triệu đồng so với mục tiêu. Tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đến hết năm 2015, Thành phố đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa được 76.891ha, diện tích đất nông nghiệp được quy hoạch là và hạ tầng theo tiêu chuẩn, tiêu chí nông thôn mới. Cơ giới hóa đã và đang được các xã, HTX và cán nhân đầu tư mạnh mẽ ở nhiều khâu, tiêu biểu ở hầu hết các xã huyện Phú Xuyên và nhiều huyện khác.

Hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn được thay đổi mạnh mẽ: đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa 100%, đường trục thôn, liên thôn 95%, đường ngõ xóm 91%, trục chính nội đồng 50%. 100% trong 386 xã đạt tiêu chí về điện, bưu điện, 269 xã đạt tiêu chí về thủy lợi, 272 xã đạt tiêu chí trường học, 286 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, hỗ trợ hơn 11.000 hộ nghèo xây dựng, sửa nhà xuống cấp, hư hỏng nặng với kinh phí 240 tỷ đồng.

Tổng nguồn lực toàn TP huy đồng cho khu vực nông thôn cả giai đoạn đạt 63.553 tỷ đồng, trong đó huy động doanh nghiệp, nhân dân đóng góp 10.892 tỷ đồng.

Mục tiêu cao hơn, chất lượng hơn

Tại Hội nghị, các ý kiến tham luận tập trung đóng góp những ý kiến phát huy những ưu điểm, nhân rộng những mô hình, phương pháp triển khai hiệu quả, đồng thời chỉ ra, phản ánh một số vấn đề còn tồn tại, bất cập trong triển khai Chương trình.

Đó là bài toán lớn trong sản xuất nông nghiệp vẫn mang nặng tính truyền thống, thu nhập thấp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm. Công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới ở một số nơi vẫn còn hạn chế, số xã hoàn thành nông thôn mới ở các huyện chưa đồng đều. Đời sống và thu nhập của 1 số bộ phận nông dân vùng xã, thuần nông, vùng đồng bào dân tốc còn thấp, không ổn định, kinh tế khó khăn.

Hội nghị nhất trí mục tiêu đổi mới mạnh mẽ, xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô phát triển theo hướng gắn với phát triển đô thị sinh thái và du lịch, dịch vụ, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng và hiệu quả cạnh tranh cao, hài hòa và bền vững với môi trường.

Mục tiêu cụ thể: tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3,5-4%/năm trở lên, giá trị sản xuất thực tế đạt 250 triệu đồng/ha, đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao từ 25 lên 35% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của TP. Phấn đấu đến năm 2020 TP có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 10 huyện, thị đạt nông thôn mới theo tiêu chí quốc gia, thu nhập nông dân khu vực nông thôn đạt 49 triệu đồng/người/năm trở lên. Cơ bản hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng KTXH nông thôn.

Lấy người nông dân làm trung tâm

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ quan trọng, tiếp tục là chương trình công tác lớn của nhiệm kỳ và lãnh đạo Thành phố sẽ luôn nỗ lực và quyết tâm cao, tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước.

Theo đó, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động phải "lấy người nông dân làm trung tâm trong triển khai mọi công việc từ quy hoạch, đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất, chăm lo sức khỏe, giáo dục, văn hóa... được thực hiện trên cơ sở tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, để người dân thấy rõ lợi ích của mình."

Người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội lưu ý việc rà soát, bổ sung chính sách khuyến khích nông dân và doanh nghiệp đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, tạo chuyển biến mạnh về năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp; Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ hàng hóa trên cơ sở phát triển các hình thức hợp tác, liên kết, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, cũng cần chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội ở khu vực nông thôn, chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của địa phương. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn...


Ý kiến bạn đọc