Siêu dự án thủy điện trên sông Hồng: Khó khả thi!

05:53, 10/05/2016
|
(VnMedia) - Theo các chuyên gia, việc xây dựng siêu dự án trên sông Hồng còn nhiều điểm bất khả thi cần phải nghiên cứu kỹ để tránh việc trục lợi. 
 
 
Dự án Giao thông đường thủy xuyên Á trên sông Hồng do Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn Thai Group đề xuất.
 
Theo đó, dự án nhằm tạo một tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía bắc, xuôi xuống một số vùng biển, nạo vét 288 km đường sông và kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp II), kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228MW, cung cấp tổng 912 triệu kWh điện/năm. Đồng thời, sẽ nâng cấp hai tuyến vận tải thủy từ Hải Phòng - Việt Trì (Phú Thọ) với Hà Nội - Lạch Giang (Nam Định).
 
Mục đích của dự án là giúp tăng cường giao lưu thương mại, vận tải xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Vân Nam (Trung Quốc). Tuy nhiên, chủ đầu tư nhấn mạnh là dự án sẽ không gây ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh, đảm bảo yêu cầu về quan hệ quốc tế, biên giới, an ninh với Trung Quốc.
 
Tuy nhiên, theo các chuyên gia dự án này còn hàng loạt điều bất hợp lý cần được làm rõ.
 
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho rằng, có hàng loạt điểm vô lý của dự án này mà mới nhìn qua đã thấy. Thứ nhất, việc xây dựng nhà máy thủy điện công suất trên 2000 MW chi phí rất lớn, trong khi nếu theo đề án là xây dựng 6 nhà máy thì dù có chạy cả ngày thì cũng chỉ phát được 800 - 900 triệu kWh.
 
Thứ hai, tuyến đường thủy từ Lào Cao xuống Việt Trì xưa nay vốn rất ít phương tiện qua lại, nên đầu tư khai thác tuyến này liệu có hiệu quả?
 
Trong khi đó, ông Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm phát triển Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu thì cho rằng, việc chặn sông với 6 con đập rất khó chấp nhận được. Trên thế giới chưa thấy chuyện dòng sông 200 km mà làm tới 6 con đập.
 
Ngoài ra, về lợi ích phát điện theo ông Tứ, vì tổng công suất quá nhỏ nên sẽ không đóng góp được bao nhiêu cho lượng điện của quốc gia.
 
Trong khi đó, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang ngày càng nghiêm trọng, đó là do các nước ở thượng nguồn làm các con đập chặn dòng. 
 
"Nếu chúng ta cũng làm đập thì sẽ làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến lượng phù sa, sinh thái và điều này có ảnh hưởng rất lớn đến hạ lưu sông. Việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến nền nông nghiệp bởi đồng bằng sông Hồng cũng là vựa lúa của nước ta, ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người dân", ông Tứ cho hay.
 
GS. Đặng Hùng Võ thì cho rằng, việc dự án nói sẽ triển khai từ năm 2016 là rất chủ quan quan, bởi lẽ để có được các nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, khoa học thì ít nhất cũng phải mất tới 5 năm.
 
Ai hưởng lợi?
 
Theo GS. Đặng Hùng Võ, dự án này hoàn thành, phía được hưởng lợi nhất chính là tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). 
 
Theo đó, sông Hồng với khả năng vận tải thủy cao là một giải pháp kết nối rất hữu hiệu cho tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) ra Biển Đông. Còn về phía Việt Nam, hiện nay các tuyến đường bộ nối Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng đã có khá nhiều và khá tốt. Vì vậy, nếu có thêm tuyến đường thủy có thể sẽ tốt hơn chút nữa nhưng nếu tính bài toán kinh tế thì sẽ không hiệu quả vì phải đầu tư thêm cho tuyến đường thủy, trong khi đường bộ vẫn có thể đáp ứng được.
 
"Tôi cũng cần lưu ý rằng, việc nạo vét dòng sông sẽ khiến thay đổi dòng và ảnh hưởng đến nhiều địa phương có dự án đi qua, vì vậy cần phải tính toán kỹ giữa cái lợi và cái mất, tránh để ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân", GS. Đặng Hùng Võ nói.
 
Còn theo ông Trần Viết Ngãi, cần phải nghiên cứu kỹ xem việc doanh nghiệp làm dự án với những lợi ích kinh tế không phải quá "màu mỡ" như thế này có phải muốn tận dụng để khai thác cát và khai thác gỗ không?
 
Theo ông Ngãi, khi làm dự án, doanh nghiệp sẽ được phép nạo vét lòng sông, sẽ thu được một nguồn lợi không nhỏ. Còn khi làm thủy điện, việc khai thác gỗ cũng cần được tính toán cẩn thận.

Ý kiến bạn đọc