(VnMedia) - Nhận định về thời tiết năm nay, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai Hà Nội cho biết, các đợt nắng nóng sẽ không kéo dài và không gay gắt như năm 2015, nhưng bão lại có thể xuất hiện nhiều hơn...
Chiều 10/5, tại Giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi Cục trưởng Chi Cục phòng chống đê điều Hà Nội cho biết, mặc dù trong toàn mùa từ tháng 5 đến tháng 10/2016, nhiệt độ ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm nhưng các đợt nắng nóng có khả năng không kéo dài, không gay gắt như năm 2015. Các đợt nắng nóng chủ yếu tập trung trong các tháng 5, 6 và 7.
Trong khi đó, về lượng mưa, dự báo cho thấy, tổng lượng mưa năm nay ở mức xấp xỉ thấp hơn trung bình nhiều năm. Toàn mùa có từ 6-8 trận mưa to đến rất to, với lượng mưa trên 50mm trong 24 giờ.
Đặc biệt, nhận định về tình hình mùa bão năm nay cho thấy, do tác động của El Nino đang trên đà suy yếu, hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông năm nay được dự báo ở mức xấp xỉ thấp hơn trung bình nhiều năm nhưng lại nhiều hơn năm 2015.
Trong khi đó, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, El Nino 2014/2016 hiện được đánh giá là một kỳ El Nino mạnh kỷ lục, có cường độ tương đương với kỳ El Nino 1997/1998. Ngoài ra, El Nino 2014/2016 có khả năng trở thành một trong những El Nino kéo dài nhất từ trước đến nay (khoảng 20 tháng).
“Nhiều khả năng El Nino sẽ chấm dứt và hiện tượng ENSO trở về trạng thái trung tính từ khoảng tháng 6-7/2016. Những tháng tiếp theo, chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển có khả năng tiếp tục giảm nhanh, do vậy khả năng xuất hiện hiện tượng La Nina từ những tháng cuối năm 2016 là tương đối cao” - các chuyên gia của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cảnh báo.
Phân tích hoàn lưu quy mô lớn và dự báo diễn biến của hiện tượng ENSO nêu trên cho thấy nhiều khả năng bão và ATNĐ trên khu vực Biển Đông sẽ xuất hiện muộn và ít hơn TBNN (TBNN khoảng 12-13 cơn/năm); trong đó sẽ có khoảng 4-5 cơn bão, ATNĐ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta (TBNN khoảng 5-6 cơn) và tập trung vào những tháng cuối năm (tháng 8-11/2016).
Năm 2016, bão có thể xuất hiện nhiều hơn năm 2015 |
Xác định 8 điểm xung yếu tại Hà Nội
Chi Cục trưởng Chi Cục phòng chống đê điều Hà Nội Đỗ Đức Thịnh cho biết, để phòng chống lụt bão, hiện nay Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đã lập báo cáo hiện trạng công trình đê điều trước lũ năm 2016. Trên cơ sở đó, xác định 4 trọng điểm, 8 điểm xung yếu, từ đó xây dựng phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm Thành phố Hà Nội, báo cáo Tổng cục Thủy lợi.
Đồng thời, Sở Xây dựng cũng đã xây dựng kế hoạch đảm bảo thoát nước, chống úng ngập mùa mưa năm 2016 khu vực đô thị thành phố.
Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh thực hiện khảo sát, phát hiện và kịp thời chặt hạ, cắt tỉa những cây xanh nguy hiểm như chặt hạ cây chết, cây sâu mục; cắt tỉa cây nặng tán phòng báo...
Liên quan đến công tác phòng chống lụt bão, cùng ngày, tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 mới đấy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nọi Nguyễn Văn Sửu yêu cầu tổ chức kiểm tra, đánh giá lại chất lượng các công trình phòng chống thiên tai; thực hiện ngay việc tu sửa, sửa chữa, nâng cấp các công trình đã xuống cấp, hư hại; đặc biệt là hệ thống đê kè hồ đập, các công trình tiêu úng trọng điểm đê chủ động đối phó với những tình huống bất lợi về thời tiết có thể xảy ra.
Theo đó, các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã khẩn trương tiến hành tổng kết công tác PCLB năm 2015, triển khai nhiệm vụ công tác phòng, chống thiên tai năm 2016. Kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tại cấp mình, phân công nhiệm vụ các thành viên, tiến hành đánh giá tình hình thiên tai, các loại hình thiên tai xảy ra trên địa bàn;
Rà soát, điều chỉnh bổ sung xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương, đơn vị mình đảm bảo: Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả; thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Phương tiện, vật tư tại chỗ và Hậu cầu tại chỗ); đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.
Tăng cường tuyên truyền, triển khai thực hiện pháp luật về phòng, chống thiên tai; phổ biến kiến thức về các loại hình thiên tai, kinh nghiệm về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; vận động nhân dân chủ động chuẩn bị, sẵn sàng phòng, chống cho gia đình và tích cực tham gia công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai…
Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản về phòng, chống thiên tai, có giải pháp đảm bảo an toàn đối với từng công trình cụ thể trong mùa mưa bão.
UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng; xử lý kiên quyết, dứt điểm theo đúng quy định của pháp luật các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và UBND thành phố nếu để xảy ra phát sinh vụ việc vi phạm mới trên địa bàn quản lý và đồng thời rà soát, tiếp tục xử lý các tồn tại vi phạm cũ…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai thành phố, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai toàn diện công tác phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trước mắt, tập trung hướng dẫn, kiểm tra, phối hợp với quận, huyện, thị xã, đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý ngay các sự cố sạt lở gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, hồ đập, công trình thủy lợi; nạo vét khơi thông dòng chảy các tuyến kênh tiêu đang bị bồi lắng, ách tắc ảnh hưởng tới việc tiêu thoát nước, chống úng ngập; kịp thời đề xuất lắp đặt công trình bơm dã chiến bảo đảm tiêu thoát nước khi có mưa bão xảy ra.
Ý kiến bạn đọc