Chi hàng nghìn tỷ đồng, Hà Nội vẫn chưa có quy hoạch đồng bộ về thoát nước!

16:39, 25/05/2016
|

((VnMedia) - Hà Nội chi nhiều nghìn tỷ đồng để làm những dự án thoát nước riêng lẻ nhưng việc thoát nước vẫn không hiệu quả, bởi cho đến nay, vẫn chưa có quy hoạch đồng bộ, bài bản nên các hệ thống thoát nước không thể đấu nối với nhau...

Đêm qua và sáng sớm nay (25/5), người Hà Nội được phen lao đao vì trận mưa lớn bất ngờ gây ngập lụt trên diện rộng. Điều đáng chú ý là tình trạng ngập lụt nặng kéo dài đến tận trưa nay. Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hà Đông là các quận ngập nặng trên diện rộng nhất.

mưa ngập
Trận mưa đêm qua và rạng sáng nay khiến Hà Nội ngập nặng

Trao đổi về nguyên nhân và giải pháp trước tình trạng ngập nặng lần này, ông Lê Vũ Quảng Xương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho biết: “Trận mưa đêm qua và rạng sáng nay diễn ra tập trung từ 23h-4g30, có lượng mưa quá lớn và bất thường, vượt qua năng lực tính toán của hệ thống thoát nước Hà Nội.”

Theo ông Xương, lưu vực thoát nước Hà Nội hiện nay chia làm 2 lưu vực lớn. Một là lưu vực sông Tô Lịch (77,5km2), hiện đã và đang được cải tạo theo dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn I + giai đoạn II với năng lực tính toán là 310mm/2 ngày.

Trong khi đó, lưu vực sông Tả Nhuệ hiện nay mới chỉ có quy hoạch chung và đang triển khai xây dựng quy hoạch chi tiết.

“Như vậy, trận mưa lớn bất thường hôm qua đã vượt quá năng lực phục vụ thoát nước. Cùng với một số nguyên nhân khác như là các dự án đang được thi công trên hệ thống hay một số hệ thống có khu vực bị lấn chiếm, ảnh hưởng xâm hại đến hệ thống thoát nước, gây ra tình trạng úng ngập” - ông Xương nói.

Tuy nhiên, có một điều khiến dư luận băn khoăn, đó là các tuyến phố cũ thì hệ thống thoát nước có thể khó đáp ứng thoát nước khi có trận mưa lớn đột ngột, nhưng ở các khu đô thị mới hay các tuyến đường mới lẽ ra phải có hệ thống hiện đại hơn, thì dường như lại bị ngập nặng hơn.

Giải thích về thắc mắc này, ông Xương cho biết: Thủ đô đang phát triển mạnh tại khu vực Tả Nhuệ (Trung Hòa, Mỹ Đình, Mễ Trì). Tuy nhiên, quy hoạch thoát nước tổng thể hiện mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đang triển khai các quy hoạch chi tiết chứ chưa có quy hoạch đồng bộ, bài bản nên mỗi một khu đô thị hay một số tuyến đường như Vành đai 3, mặc dù cũng được đầu tư theo quy hoạch nhưng toàn bộ tổng thể quy hoạch đó chưa được kết nối với nhau, do vậy vẫn xảy ra hiện tượng có khu vực bị ngập cục bộ.

Trong khi chờ đợi một giải pháp tổng thể về việc thoát nước cho Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, việc đầu tiên cần làm là tập trung duy tu, duy trì, đảm bảo khai thác tối đa năng lực thoát nước hiện có, bao gồm hệ thống thu như các hệ thống cống, mương… đảm bảo nạo vét sạch sẽ, khơi thoáng. Các công trình cống qua đê cũng được chỉnh trang và sẵn sàng phục vụ mùa mưa.

Ngoài ra, Công ty luôn giữ mực nước trên hệ thống đảm bảo mức thấp nhất, khi có mưa thì triển khai lực lượng ứng trực ngoài hiện trường. Đồng thời, Công ty cũng phối hợp với các chủ đầu tư các đơn vị thi công cải tạo để đảm bảo hệ thống thoát nước vừa vận hành vừa cải tạo nhưng ảnh hưởng ít nhất đến khả năng tiêu thoát.

Liên quan đến việc ngập lụt nặng tại Hà Nội, ông Võ Nguyên Phong – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng thừa nhận, lượng mưa đêm qua và rạng sáng nay vượt quá năng lực thoát nước Hà Nội. “Ngay kể cả dự án thoát nước giai đoạn 2 hoàn thành, cũng chỉ thoát được 310mm trong vòng 2 ngày ở lưu vực sông Tô Lịch”, ông Phong phân tích.

“Đêm qua và sáng nay, lượng mưa rất lớn đổ xuống Hà Nội, điểm cao nhất lên đến 280mm (trong 5 tiếng). Nếu so sánh, trận mưa này chỉ kém trận mưa năm 2008 và còn cao hơn trận mưa lớn vào tháng 9 năm ngoái”, ông Võ Nguyên Phong giải thích.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đến gần trưa nay (25/5), trên địa bàn Hà Nội vẫn còn một số điểm ngập úng, tập trung ở lưu vực sông Nhuệ như Hà Đông và tả Nhuệ. Nguyên nhân là khu vực này chưa được đầu tư, cải tạo hệ thống thoát nước một cách đồng bộ. Vấn đề này cũng đã được Sở Xây dựng báo cáo tại Hội nghị giao ban Thành ủy trong tháng 4 vừa qua.

Dự án thoát nước giai đoạn II của Hà Nội là dự án trọng điểm, sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản, được khởi động từ năm 2006 và dự kiến hoàn thành năm 2014. Sau đó lùi sang năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành. Mới đây nhất, UBND Thành phố Hà Nội có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng báo cáo nguyên nhân vì sao dự án ngốn hàng nghìn tỷ đồng, được nhiều ưu đãi về cơ chế mà vẫn chậm tiến độ. Đặc biệt, theo dự toán ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 6.500 tỷ đồng, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, tổng giá trị của dự án lên tới hơn 8.000 tỷ đồng.


Ý kiến bạn đọc