(VnMedia) - Án lệ được chính thức thừa nhận trong pháp luật Việt Nam được cho là một bước tiến lớn trong cải cách tư pháp...
Ngày 06/4/2016, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua 06 án lệ kèm theo Quyết định 220/QĐ-CA về việc công bố án lệ. Theo đó, Tòa án nhân dân và tòa án quân sự có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng các án lệ trong xét xử kể từ ngày 01/6/2016.
Về vấn đề này, VnMedia đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) - là luật sư tham gia tố tụng trong một vụ án hình sự được lấy làm án lệ.
Ảnh minh họa |
- Với tư cách là Luật sư đã từng tham gia tố tụng trong vụ án lệ, luật sư có góc nhìn phân tích như thế nào về án lệ được áp dụng?
Hiện nay, trên thế giới, có 02 hệ thống pháp luật là hệ thống Common law (hệ thống pháp luật Anh Mỹ) và hệ thống Civil law (hệ thống pháp luật Pháp Đức).
Trong đó, hệ thống Common law chủ yếu sử dụng nguồn luật là án lệ trong xét xử, trái lại, Civil law lại dùng luật thành văn làm nguồn luật trong quá trình xét xử.
Việt Nam có hệ thống pháp luật mang nhiều đặc điểm của hệ thống Civil law. Tuy nhiên, Việt Nam không thừa nhận mình thuộc trường phái Common law hay Civil law một cách cụ thể.
Mặc dù có nhiều điểm khác biệt trong cách sử dụng án lệ của hai hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới nêu trên, nhưng nhìn chung có thể đưa ra nhận định, việc áp dụng án lệ của nhiều nước trên thế giới là rất phổ biến, đặc biệt là các quốc gia phát triển, trong đó một vài nền pháp luật còn xem đó là nguồn bắt buộc có giá trị tương ứng như luật thành văn và được áp dụng nhiều trong việc xét xử tại Tòa án.
Án lệ không phải là thuật ngữ mới trong khoa học pháp lý hay là nền lập pháp Việt Nam, lịch sử pháp lý nước ta đã có nhưng quy định về án lệ
Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật hiện nay của Việt Nam như Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Bộ luật Tố tụng dân sự, Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính…đều thừa nhận nguyên tắc: Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Pháp luật ở đây được hiểu là các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc Hội ban hành, các văn bản quy phạm pháp luật khác do Chính phủ và các cơ quan chức năng hướng dẫn (có nghĩa là chúng ta vẫn đang theo tố tụng văn). Như vậy, việc xét xử, áp dụng pháp luật vào các vụ án cụ thể phải dựa trên luật đã được ban hành còn hiệu lực, chứ không dựa trên án lệ. Nhưng không có nghĩa chúng ta không thừa nhận sự tồn tại của án lệ trong thực tiễn xét xử.
Luật Tòa án nhân dân 2014 có hiệu lực từ ngày 01/6/2015 đã thừa nhận vai trò của án lệ trong hệ thống pháp luật và Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP đã ban hành quy định về trình tự, công bố và áp dụng án lệ. Đây có thể nói là một bước chuyển biến lớn về mặt đường lối theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị.
- Án lệ là gì? Những vụ án nào được coi là án lệ?
Căn cứ Điều 1 Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP: Án lệ và giá trị pháp lý về án lệ:
“Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.
Căn cứ Điều 1 Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP: Tiêu trí lựa chọn án lệ
Án lệ được lựa chọn phải đáp ứng được các tiêu chí sau đây:
1. Chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể; 2. Có tính chuẩn mực; 3. Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau.
- Án lệ được ban hành và có hiệu lực khi nào?
Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP: Rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ
Việc tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ của các Toà án được tiến hành theo định kỳ 06 tháng.
Căn cứ Điều 3 Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP: Nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử
Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc được ghi trong quyết định công bố án lệ của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
Trường hợp do có sự thay đổi của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ.
Trường hợp do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ, đồng thời phải kiến nghị ngay với Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để xem xét hủy bỏ theo hướng dẫn tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 9 Nghị quyết này.
- Là luật sư tham gia tố tụng hình sự trong vụ án lệ số 01/2016/AL, Luật sư có thể nói hơn về vụ án đó tại sao sau này lại được lấy làm án lệ?
Quá trình xét xử vụ án như sau: Ngày 17/11/2008, Đồng Xuân Phương bị TAND Hà Nội xử phạt 17 năm tù về tội Giết người, còn kẻ đâm chết anh Soi vẫn đang bỏ trốn nên được tách riêng xử lý. Đến ngày 5/5/2009, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại.
Phiên tòa xét xử lần thứ 2 diễn ra vào ngày 31/3/2010, TAND Hà Nội tiếp tục tuyên phạt Phương 17 năm tù. Sau 4 lần đưa ra xét xử, vụ án Đồng Xuân Phương giết người vẫn chưa có hồi kết.
Bản án tiếp tục có kháng cáo nên ngày 15/9/2010, TAND Tối cao tại Hà Nội tuyên phạt Phương tù chung thân.
Tuy nhiên đến ngày 16/4/2014, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao tại Hà Nội có Quyết định Giám đốc thẩm, hủy án phúc thẩm theo hướng xét xử phúc thẩm hành vi phạm tội của Phương thuộc trường hợp phạm tội Cố ý gây thương tích dẫn tới hậu quả chết người, khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự. Phiên toà được giao lại cho TAND tối cao tại Hà Nội xét xử.
Ngày 15/9/2014, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Đồng Xuân Phương 15 năm tù về tội Cố ý gây thương tích theo Khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự.
Quan điểm của các cơ quan tố tụng ở Hà Nội (Công An, Viện Kiểm Sát và Tòa Án Hà Nội) đều cho rằng hành vi phạm tội của Đồng Xuân Phương đã cấu thành tội Giết người dựa trên các căn cứ: Ý thức chủ quan của bị cáo thuê các đối tượng đánh bị hại Nguyễn Văn Soi bằng cách dùng dao đâm vào chân, tay nạn nhân. Hậu quả nạn nhân bị đâm vào động mạch đùi gây mất máu cấp dẫn đến tử vong. Do đó, bị cáo Đồng Xuân Phương vẫn phải chịu trách nhiệm về tội Giết người theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự.
Quan điểm của TAND Tối Cao nhận định: Ý thức chủ quan của bị cáo Đồng Xuân Phương không cố ý tước đoạt tính mạng nạn nhân. Vị trí thương tích nạn nhân nằm tại tứ chi, không nằm ở vùng nguy hiểm (như đầu, cổ, ngực và bụng), nếu được cấp cứu kịp thời có thể sẽ không bị tử vong. Tuy nhiên do một số điều kiện khách quan nên nạn nhân không được cấp cứu kịp thời nên mất máu đã dẫn đến tử vong. Với nhận định trên, bị cáo Đồng Xuân Phương đã đồng phạm tội “Cố ý gây thương tích” dẫn đến hậu quả chết người qui định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự
Theo quan điểm của luật sư, đây là vụ án đã có nhiều đánh giá khác nhau về lý luận tội phạm của các cơ quan tố tụng ở Hà Nội về mặt xác định tội danh đối với bị cáo Đồng Xuân Phương là tội Giết người theo Điều 93 BLHS hay tội Cố ý gây thương tích theo Điều 104 BLHS. Thực tế, từ trước đến nay trong hơn 10 năm hành nghề Luật sư, đối với những hành vi tương tự mà đối tượng phạm tội đã dùng hung khí nguy hiểm (dao, kiếm…) đâm, chém vào chân, tay mà đứt động mạch chủ dẫn đến tử vong thì các Cơ quan tố tụng ở Hà Nội thường xử lý về tội Giết người theo qui định tại Điều 93 BLHS với khung hình phạt cao nhất đến tử hình.
- Luật sư có thể cho biết gần đây nhất có vụ án nào tương tự mà Tòa án xử lý về tội Giết người trước khi có án lệ?
Ngày 28/3/2016, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Thành Đồng (SN 1985, ở Mỹ Đức, Hà Nội) ra xét xử tội Giết người. Hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Thành Đồng tương tự như vụ án lệ Đồng Xuân Phương như sau:
Hồi 13h30 ngày 19/10/2015, giữa Đồng và cha là ông Nguyễn Đình Đan (SN 1958) xảy ra to tiếng cãi nhau do mâu thuẫn trong sinh hoạt. Ông Đan chạy xuống bếp lấy con dao quắm ra chửi Đồng và nói: "Hôm nay tao phải chém chết mày". Vừa nói ông Đan vừa chạy ra chém Đồng một nhát. Đồng giơ tay đỡ thì bị bố chém vào ngón trỏ trái. Trong lúc Đồng bỏ chạy ra phía cổng nhà, anh Nguyễn Văn Đăng (SN 1976), hàng xóm đã sang can ngăn và giật được con dao quắm cất đi.
Ông Đan không dừng lại mà tiếp tục cầm gậy tre vụt, đánh chửi con. Bực tức, Đồng chạy vào nhà lấy con dao tông dài khoảng 55 cm chém bố trúng một nhát vào vùng khuỷu chân trái và đầu gối trái làm ông Đan chết do sốc mất máu cấp.
Tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư đã khẳng định hành vi của bị cáo Đồng đã phạm tội Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người theo qui định tại khoản 3 Điều 104 BLHS. Thậm chí, ngay tại phiên tòa, luật sư đã gửi cho Hội đồng xét xử Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm và Bản án phúc thẩm xét xử bị cáo Đồng Xuân Phương về tội Cố ý gây thương tích (ngày 24/5/2016 Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã lấy vụ án này là án lệ) làm căn cứ xác định tội danh cho bị cáo nhưng Hội đồng xét xử vẫn quyết định tuyên bố bị cáo phạm tội Giết người theo khoản 1 Điều 93 BLHS với hình phạt 12 năm tù giam.
Sau khi xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội đã kháng nghị phúc thẩm đề nghị Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội tăng hình phạt đối với bị cáo lên 20 năm tù giam về tội Giết người như đã đề nghị tại phiên tòa.
Như vậy, căn cứ vào án lệ thì cấp sơ thẩm Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội và Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội đã xác định không đúng tội danh giết người đối với bị cáo Nguyễn Thành Đồng trong vụ việc này. Hành vi của bị cáo chém vào chân bố, không phải vùng nguy hiểm và tử vong do không được cấp cứu kịp thời vì điều kiện khách quan xa các cơ sở y tế. Nguyên nhân chết do sốc mất máu cấp. Mặt khác, bị cáo không có mâu thuẫn và ý thức chủ quan không mong muốn tước đoạt tính mạng của bố. Căn cứ theo án lệ thì hành vi phạm tội của bị cáo đã cấu thành tội Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Khoản 3 Điều 1014 BLHS là có căn cứ, đúng pháp luật.
Do vậy, khi xét xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ phải căn cứ vào án lệ để sửa một phần Bản án sơ thẩm về tội danh đối với bị cáo theo đúng qui định của án lệ đã được Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ban hành ngày 24/5/2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2016.
- Qua kinh nghiệm tham gia bào chữa trong các vụ án hình sư thì chúng ta có cần thiết phải có án lệ?
Việc ban hành án lệ là chính là một trong những hoạt động cải cách tư pháp đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 49/NQ-TW. Đây là điều cần thiết để phục vụ cho mục đích xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp với sự phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.
Thực tiễn xét xử của Tòa án cho thấy những năm gần đây đã có rất nhiều các quan điểm khác nhau khi áp dụng pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam. Cùng một hành vi phạm tội tương tự nhau nhưng lại có các quan điểm xử lý khác nhau về mặt tội danh áp dụng giữa Tòa án các tỉnh, thành phố. Như vậy đã không có sự thống nhất áp dụng pháp luật trên cả nước. Điều đó đã gây mất niềm tin với nhân dân vào sự nghiêm minh của pháp luật và ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.
Án lệ ra đời như là khuôn mẫu để các cơ quan tố tụng trong cả nước áp dụng thống nhất
Gần đây nhất trên phạm vi cả nước có nhiều vụ việc các cán bộ Công an xã Đông Anh, Hà Nội đã dùng chân tay, công cụ hỗ trợ đánh chết người bị tình nghi vi phạm pháp luật khi bị đưa về Trụ sở. Nhưng cùng một hành vi phạm tội tương tự lại xét xử về 3 về tội danh: tội Giết người, tội Cố ý gây thương tích và tội Dùng nhục hình. Vụ án này được đưa ra xét xử vào ngày 17/9/2014.
Từ ngày 12 đến 14/11/2014, TAND huyện Vạn Ninh xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Lê Minh Phát (nguyên công an viên xã Vạn Long) 6 năm 9 tháng tù về tội "Cố ý gây thương tích" và "Bắt người trái pháp luật", Lê Ngọc Tâm (nguyên công an viên xã Vạn Long) 9 tháng tù cho hưởng án treo về tội "Bắt trái pháp luật" và Lê Tấn Khỏe (SN 1999) 3 năm tù về tội "Cố ý gây thương tích"
Ngày 15/4, TAND tỉnh Phú Yên tuyên án 5 bị cáo (Nguyễn Thân Thảo Thành, Nguyễn Minh Quyền, Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Tấn Quang) về tội "Dùng nhục hình”
Theo quan điểm của Luật sư, hành vi của các đối tượng là Công an viên trong các vụ án trên đều xâm phạm đến khách thể cao nhất mà Bộ luật hình sự bảo vệ đó là tính mạng con người. Dù các bị cáo là chủ thể đặc biệt là người có chức vụ quyền hạn nhưng khi thi hành công vụ mà coi thường tính mạng người khác gây hậu quả chết người thì phải chịu trách nhiệm về tội Giết người theo qui định tại Điều 93 Bộ luật hình sự 1999 và Điều 123 Bộ luật hình sự mới 2015.
Do vậy, Tòa án nhân dân Tối cao cần thiết phải lấy vụ án mà Tòa án Hà Nội đã xét xử về tội Giết người làm án lệ để áp dụng thống nhất áp dụng xử lý trong phạm vi cả nước là có căn cứ, đúng pháp luật.
- Xin cảm ơn luật sư
Ý kiến bạn đọc