Việt Nam có trên 11.500 trẻ em bị chết đuối mỗi năm

13:08, 12/04/2016
|

Đây là con số thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố. Và, Việt Nam cũng là quốc gia có số trẻ em bị chết đuối đứng (cao) thứ 2 trên thế giới.

Việt Nam có trên 11.500 trẻ em bị chết đuối mỗi năm.
Việt Nam có trên 11.500 trẻ em bị chết đuối mỗi năm. Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Các cuộc thăm dò tại các khu vực cho thấy, cứ 15 phút lại có một em nhỏ bị chết đuối ở châu Á. Đặc biệt, vào lúc cao điểm của cái nóng mùa hè và trong mùa mưa lũ, trẻ em ở châu Á rất dễ gặp nạn – WHO cho biết.

Và, WHO cho biết thêm, chết đuối là nguyên nhân hàng đầu trong số 5 nguyên do gây tử vong cho trẻ em dưới 15 tuổi ở 48 trong số 85 quốc gia được khảo sát, với số trẻ em đang sống gần các nguồn nước lộ thiên, như: Sông, suối, ao hồ, cống rãnh, kênh tưới tiêu hay các hồ bơi...

Còn theo Liên minh Trẻ em An toàn, có trụ sở ở châu Á, cho biết, tỷ lệ chết đuối của trẻ ở các nước đang phát triển cao gấp 10 đến 20 lần hơn so với các quốc gia công nghiệp hóa.

Theo kết quả các cuộc thăm dò của Liên minh này, Bangladesh được ghi nhận là nơi có tỷ lệ và số trẻ em bị chết đuối cao nhất - gần 17.000 mỗi năm; tiếp theo là Việt Nam - với mức trên 11.500 trẻ bị chết đuối. Cũng là quốc gia châu Á và có nhiều sông ngòi, nhưng tại Thái Lan, chỉ có khoảng 2.600 em chết đuối mỗi năm.

Theo báo cáo mới đây của Cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan, quốc gia này có 10.923 trẻ em bị chết đuối trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến 2015 – trung bình 10 vụ mỗi ngày. Mỗi năm từ 2011 đến 2015, có 192 em dưới 3 tuối bị chết đuối trong các bồn chứa nước ở nhà hay ở nhà giữ trẻ.

Đối với Trung Quốc, không có được dữ liệu của đa số các tỉnh. Nhưng riêng ở tỉnh Giang Tây, dữ liệu khảo sát của Liên minh cho thấy có hơn 4.600 vụ trẻ em chết đuối, tỷ lệ là 10 cái chết mỗi ngày.

Những kênh thủy lợi cũng đày nguy cơ đối với trẻ em. Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Những kênh thủy lợi cũng đầy nguy cơ đối với trẻ em. Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Huấn luyện bơi lội nổi tiếng ở châu Á, đặc biệt là ở Indonesia và Malaysia, ông Bill Kirbyt - một tay bơi lội của Australia đã đoạt huy chương vàng Thế vận hội 2000, nói việc xác định các ưu tiên phải nằm trong số các bước đầu tiên của các chính phủ quốc gia và các tổ chức bơi lội.

“Lũ lụt lớn – giống như ở Pakistan vào lúc này và tôi biết là ở thủ đô Jakarta của Indonesia cứ hàng năm hay 2 năm một lần, họ có những vụ lũ lụt lớn, chịu những cơn mưa như trút và gây lụt lội khắp nơi đã tạo ra những nguy cơ trẻ em bị chết đuối.” - Ông Kirby nói.

Ông Kirby còn nói, việc triển khai các tổ chức toàn quốc về bơi lội và an toàn nước là điều vô cùng cấp thiết.

Giới chức Thái Lan đã lên tiếng kêu gọi phụ huynh dạy bơi cho trẻ em và theo dõi sát chúng, nhất là vào những lúc có “nhiều rủi ro” - là giữa buổi trưa và buổi tối.

Về phía mình, WHO và các tổ chức khác đang nỗ lực hô hào các nước truyền bá về an toàn nước và các kỹ năng sống sót, đặc biệt là các lớp huấn luyện dành cho trẻ nhỏ.

WHO cho rằng, các biện pháp phải bao gồm cả việc dựng lên các hàng rào để kiểm soát sự tiếp cận nước, cung cấp các cơ sở chăm sóc trẻ em an toàn ở xa các nguồn nước, cho trẻ em học bơi và dạy các kỹ năng cứu hộ và an toàn nước khác.

Ngoài ra, WHO còn nói, các chính phủ cũng cần phải bảo đảm an toàn về thuyền bè và các quy định về phà trong vùng, nhằm cải thiện việc quản lý nguy cơ lũ lụt.

Thanh Trà (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc