(VnMedia) - Mỗi năm mất 20 triệu USD do áp dụng các ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam được lợi gì ngoài “vấn nạn” tránh thuế?…
Ảnh minh họa |
Mỗi năm, Việt Nam mất 20 triệu USD do áp dụng các ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thêm vào đó là tình trạng tránh thuế khá phổ biến của doanh nghiệp. Đây là thông tin được tổ chức ActionAid Việt Nam đưa ra tại Chương trình bàn tròn “Thuế - Việc làm – Chính sách Thuế Việt Nam”, tổ chức chiều qua 13/4.
Theo nhận định của ActionAid, hầu hết doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam thường bị hấp dẫn bởi các ưu đãi tài chính “hào phóng” của Chính phủ, trong đó có chính sách giãn, giảm thuế và giảm tiền thuê đất. Điều đáng nói, những ưu đãi này ngày càng được tăng qua mỗi năm. Cụ thể, lần sửa đổi năm 2008, thuế suất giảm từ 28% xuống 25%. Tiếp đó, lần sửa đổi năm 2013 đã đưa mức thuế suất xuống 22% và sẽ giảm xuống còn 20% trong năm 2016 này.
“Một số nhà kinh tế gọi xu hướng này là hội chứng chạy đua xuống đáy” - báo cáo nghiên cứu của ActionAid chỉ ra.
Theo ActionAid, Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào các chính sách tài chính, bao gồm coi việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như là một công cụ chính sách đầu tư. Tuy nhiên, việc có nên coi giảm thuế như một công cụ chính sách hay không cần được quyết định trước hết dựa trên khả năng gây tác động đến quyết định đầu tư và sau đó là hiệu quả chi phí mang lại.
Tuy nhiên, theo ActionAid thì tính hiệu quả của việc dùng các biện pháp ưu đãi thuế như cần câu FDI để từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế lại luôn là một dấu chấm hỏi, bởi có thể thấy rõ là các biện pháp này không mấy thành công, ngược lại, còn làm xói mòn nguồn thu ngân sách.
“Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp FDI không chỉ tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài tránh thuế mà còn làm phát sinh các hoạt động trốn thuế bất hợp pháp” - báo cáo của ActionAid nhận định.
Dẫn chứng bằng số liệu của ActionAid cho thấy, xếp thứ tự lần lượt từ thấp đến cao về thuế suất thì Việt Nam đứng đầu, tiếp đó là Indonesia, Trung Quốc, Philipines và cuối cùng là Malaysia, thì ngược lại, dòng chảy FDI vào Việt Nam lại tăng thấp nhất. Cùng với đó, một điều tra toàn quốc về tình trạng trốn thuế của Tổng cục thuế năm 2013 đã chỉ ra rằng, 83% doanh nghiệp nước ngoài đang sử dụng nhiều mánh khóe khác nhau nhằm giảm tối đa số thuế phải nộp. Và tại một số tỉnh, 100% doanh nghiệp nước ngoài đều có sai phạm về thuế.
“Số liệu năm 2012 (năm cuối cùng có số liệu công bố), cho thấy số tiền mất đi do các doanh nghiệp FDI trốn thuế đã lên tới hơn 20 triệu USD, chủ yếu thông qua hình thức chuyển giá. Theo đó, số tiền thất thu thuế trong 1 năm này suýt soát bằng số tiền chi cho giáo dục đào tạo trong 5 năm, từ 2008 – 2012, với con số là 21 triệu USD” - thông tin của ActionAid cho biết.
Đáng lưu ý, theo ActionAid, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp thấp và tình trạng doanh nghiệp FDI trốn thuế đã khiến Chính phủ mất đi hàng triệu đô la mà lẽ ra, số tiền đó có thể dùng để chi cho các dịch vụ công, bảo đảm an sinh và công bằng xã hội, nhất là đối với người nghèo.
Tham dự tại Chương trình bàn tròn “Thuế - Việc làm – Chính sách Thuế Việt Nam", ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế các doanh nghiệp lớn – Tổng Cục thuế cho rằng, việc đánh giá là con số 20 triệu USD đó là con số “mất đi” phải cần xem lại, bởi chính sách của Việt Nam không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước và “hoàn toàn công bằng”. Ông Phụng cũng nhấn mạnh, các chi phí đó không thể coi là mất mà phải được coi là chi phí cơ hội.
Tuy nhiên, phản biện lại quan điểm này, bà Hoàng Phương Thảo, trưởng đại diện ActionAid Việt Nam cho rằng, chi phí cơ hội đó đã không được tiêu một cách khôn ngoan.
“Chúng ta phải tính được rằng, với 20 triệu đô la mỗi năm đó, chúng ta phải tạo ra được bao nhiêu việc làm, thu lại được bao nhiêu tiền thuế thu nhập cá nhân từ những việc làm đó, tạo ra được bao nhiêu sản phẩm có sức cạnh tranh ở thị trường Việt Nam và thị trường quốc tế…, nhưng chúng ta không có” - bà Thảo nói.
Điều quan trọng nhất, theo bà Thảo: “Khi giảm như vậy, chúng ta đã từ bỏ quyền được thu thuế của một quốc gia – quyền cao nhất của nhà nước, để từ đó có trách nhiệm trở lại với những công dân thiệt thòi, không có cơ hội để tạo ra thu nhập cao, thực hiện việc tái phân phối lại thu nhập cho xã hội”.
Cũng theo bà Thảo, việc không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài đã chính là chưa công bằng, bởi các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đã có tiềm lực tốt hơn, kỹ thuật công nghệ cao, hơn hẳn những doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, và “điều này là có vấn đề”.
“Ngay như Mỹ, Anh… đều có những bảo hộ rất, rất cao, trong nhiều năm đối với các doanh nghiệp trong nước và lĩnh vực nông nghiệp” - bà Thảo dẫn chứng.
Bà Thảo cũng một lần nữa nhấn mạnh, tiền thuế mà nhà nước thu được từ các doanh nghiệp FDI cần phải được đầu tư lại cho các dịch vụ công, đặc biệt là các dịch vụ có nhạy cảm giới như giáo dục, y tế, với những đối tượng thiệt thòi nhất là phụ nữ và trẻ em.
Một trong những khuyến nghị được tổ chức ActionAid đưa ra, đó là Chính phủ cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư bằng cách nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và thông tin liên lạc; tập trung nguồn lực vào việc cải thiện chất lượng của lực lượng lao động bởi nguồn nhân lực trình độ cao là yếu tố cơ bản mà nhà đầu tư xem xét khi ra quyết định đầu tư; cần cải cách hệ thống thuế và bộ máy quản lý thuế để giảm thiểu các kẽ hở trong các chính sách ưu đãi thuế, đảm bảo tuân thủ và giảm các chi phí tuân thủ.
Đặc biệt, ActionAid cũng khuyến nghị, Chính phủ cần liệt kê một cách đầy đủ và hệ thống chi phí của các ưu đãi thuế trong các báo cáo chi tiêu ngân sách thuế. Các báo cáo này nên được công bố hàng năm cùng thời điểm công bố ngân sách để làm thông tin nền cho các trao đổi, bàn luận về chi phí và lợi ích của các chính sách đầu tư. Ngoài ra, Chính phủ cần phối hợp với các nước láng giềng để xây dựng các chính sách ưu đãi thuế, tránh việc tạo ra một cuộc cạnh tranh về thuế.
Đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, tổ chức AcitonAid đề nghị cần thực hiện quản trị minh bạch, trong đó bao gồm việc nộp thuế đầy đủ và không chuyển giá trong quá trình hoạt động tại Việt Nam.
* ActionAid là một tổ chức quốc tế chống đói nghèo làm việc tại hơn 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc