(VnMedia) - Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Cuộc họp đầu tiên này của Chính phủ mới được kiện toàn tập trung bàn một số việc cấp bách và các giải pháp cần làm ngay trong tháng 4 và những tháng tiếp theo".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ sau khi nhậm chức |
Chiều 12/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp đầu tiên với các thành viên Chính phủ mới được kiện toàn để bắt tay ngay vào công việc, bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ được Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm giữ cương vị mới; cho rằng đây là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm rất cao trước Đảng, đất nước và nhân dân của các thành viên Chính phủ.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Cuộc họp đầu tiên này của Chính phủ mới được kiện toàn tập trung bàn một số việc cấp bách và các giải pháp cần làm ngay trong tháng 4 và những tháng tiếp theo".
Thủ tướng điểm lại những thành công của các nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua, đồng thời, cũng nêu ra các thách thức, khó khăn hiện nay để các thành viên Chính phủ nỗ lực thực hiện, quyết liệt hành động vì sự phát triển đất nước.
Theo đó, cần tập trung vào giải quyết ngay các nhiệm vụ cấp bách như hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá; giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp, thu ngân sách gặp khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế do thiên tai khắc nghiệt, giá dầu mỏ giảm sâu; tăng cường cải cách hành chính và giải quyết vấn đề xã hội nhức nhối như an toàn thực phẩm.
Với những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin rằng, chúng ta sẽ không lùi bước trước khó khăn, thách thức. Chính phủ sẽ quyết tâm tháo gỡ khó khăn, rào cản phát triển, từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, nâng cao kỷ cương phép nước, bảo đảm tăng nguồn thu cho ngân sách.
Để làm được điều này, theo Thủ tướng, phải có sự nỗ lực không ngừng của các thành viên Chính phủ trên mọi lĩnh vực nói chung và từng ngành, lĩnh vực mà các thành viên Chính phủ được phân công chỉ đạo, thực hiện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mỗi thành viên Chính phủ phải đổi mới cách làm dân chủ, minh bạch, cởi mở, quyết đoán, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, không để tình trạng trì trệ trong bộ máy hành chính. Chính phủ cần nâng cao tinh thần kỷ cương, kỷ luật, chống bệnh hình thức, nói mà không đi đôi với làm.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các thành viên sớm chuyển giao công việc cho người kế nhiệm, bắt tay ngay vào công việc mới được giao, toàn tâm, toàn ý tập trung vào nhiệm vụ mới, không để ảnh hưởng đến việc chung của đất nước và nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung chỉ đạo các vấn đề bức xúc mà Quốc hội và nhân dân đã nêu như vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn hán và phòng chống dịch bệnh trên tinh thần chủ động, không để nhân dân hoang mang, lo lắng. Mỗi thành viên Chính phủ cần có chương trình hành động và tích cực tham gia xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách vì đây là khâu đột phá để phát triển đất nước.
Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung vào chỉ đạo, điều hành, giải quyết một số công việc như: Hội nghị phát triển doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh để khôi phục niềm tin của doanh nghiệp và xã hội nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển; hội nghị về an toàn thực phẩm do Thủ tướng chủ trì cùng các Bộ, ngành có liên quan để làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với vấn đề này với các giải pháp căn cơ, cụ thể; về công tác phòng, chống thiên tai để huy động các lực lượng xử lý; phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016 sẽ thảo luận và quyết định nhiều vấn đề quan trọng.
Văn phòng Chính phủ cần nắm bắt kịp thời tình hình kinh tế-xã hội, không để tình huống bị động, bất ngờ xảy ra; hỗ trợ địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội và xử lý nhanh chóng các vấn đề xảy ra.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục làm Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế vĩ mô; nghiên cứu các quy trình, quy định về nguồn vốn ODA và đầu tư công, giảm gánh nặng cho ngân sách, có cách tháo gỡ mạnh mẽ hơn nữa về tạo môi trường đầu tư, kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước nắm bắt tình hình nợ xấu một cách thực chất, trong đó có vấn đề an toàn hệ thống tín dụng, theo dõi chặt chẽ diễn biến lĩnh vực tiền tệ.
Bộ Tài chính quan tâm đến chính sách tài khóa, ngân sách hiện nay; kiểm tra, báo cáo việc sử dụng tài sản công hiện nay đề ra giải pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng lãng phí, thất thoát.
Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Văn phòng Chính phủ thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian tới.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao quyết định bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, trưởng ngành cho các thành viên Chính phủ mới được Quốc hội phê chuẩn.
Ý kiến bạn đọc