(VnMedia) - Tại kỳ họp cuối cùng của khóa 13, Quốc hội đã bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao của Nhà nước. Lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên thệ trước Quốc kỳ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, cam kết trước Quốc hội và Nhân dân nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tại lễ tuyên thệ, tân Chủ tịch Quốc hội, tân Chủ tịch nước, tân Thủ tướng và tân Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đều đứng, một tay đặt lên quyển Hiến pháp, một tay giơ lên cao và nói: “Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào và cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân và Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Tôi nguyện ra sức phấn đấu rèn luyện để hoàn thành tốt các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Tôi xin trân trọng cảm ơn”.
Hầu hết các ý kiến khi được hỏi đều đánh giá lễ tuyên thệ được thực hiện trang trọng và đầy xúc động. Đánh giá cao việc tuyên thệ và cũng là người từng đề nghị nên có lễ tuyên thệ, đại biểu Dương Trung Quốc cho hay, “một người đã tuyên thệ thì chắc chắn ý chí thực hiện lời thề của mình cao hơn không tuyên thệ".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ trước Quốc hội |
Trước ý kiến cho rằng “lời tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, trung thành với Hiến pháp thì bất cứ một người dân nào cũng thực hiện, vì vậy, lời thề của những người đứng đầu nhà nước phải thể hiện những vấn đề cụ thể hơn đối với nhiệm vụ của mỗi chức danh”, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) nói: “Một nguyên thủ quốc gia, một người đứng đầu nhà nước thì tuyên thệ không thể sa vào những vấn đề cụ thể được. Lời tuyên thệ của họ ở mức độ cao hơn rất nhiều so với nhưng người dân bình thường".
Đại biểu Lê Nam nêu ví dụ: “Một công dân bình thường có thể tuyên thệ trung thành với Hiến pháp nhưng không ai có thể kiểm soát được họ có trung thành với Hiến pháp hay không, và việc trung thành với Hiến pháp của họ chỉ có ý nghĩa ở một cá nhân nào đó. Nhưng với một nguyên thủ quốc gia, lời tuyên thệ trung thành với Hiến pháp liên quan đến cả một quá trình bảo đảm thực thi nhà nước pháp quyền và trách nhiệm của họ trước cử tri, trước đất nước, trước nhân dân". Và ông khẳng định thêm: “Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ thì rất tốt, chúng ta không thể so sánh điều đó với một công dân bình thường".
Trong khi đó, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, lời tuyên thệ được ấn định trong Hiến pháp, quy định lời tuyên thệ có 3 phút, rất ngắn gọn, còn nói dài thì không hết được. “Vừa qua, sau khi tuyên thệ xong, lúc ra bục phát biểu, chính các đồng chí lãnh đạo nhà nước đã nói rõ thêm những việc cần làm tới đây" - ông Nguyễn Hạnh Phúc nói thêm.
Về hình thức tuyên thệ, một số ý kiến cho rằng, trong khi lễ tuyên thệ diễn ra trang trọng và thiêng liêng, việc tất cả các đại biểu đều ngồi, trong số đó có nhiều đại biểu giơ điện thoại, máy ảnh lên quay, chụp là điều khá phản cảm, không nên. Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, các đai biểu nên đứng trong lúc diễn ra lễ tuyên thệ. Còn Đoàn Chủ tịch cũng nên đứng xuống phía dưới để cùng chứng kiến. Điều này thể hiện sự nghiêm túc, thiêng liêng.
Tuy nhiên, chia sẻ quan điểm với báo chí, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, việc các đại biểu đứng hay ngồi là tùy thuộc vào quy định của mỗi nước, còn việc các đại biểu quay clip, chụp hình cũng không có vấn đề gì. “Đây là lần đầu tiên chúng ta làm lễ tuyên thệ, nhưng điều này không mới vì năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm lễ tuyên thệ ở đình Tân Trào. Có phóng viên nói tại sao tuyên thệ không đứng lên thì tôi có giải thích là một số nước khi tuyên thệ Tổng thống đứng chứ không ngồi" - ông Phúc nói.
Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội thì trong lễ tuyên thệ, các Đại biểu Quốc hội muốn có kỷ niệm để ghi lại những dấu ấn đó. Khi quay lên tivi thì thấy rất trang nghiêm.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong thời gian tới, Quốc hội sẽ phải hoàn thiện dần. Còn trong kỳ này, không nên thay đổi ngay.
Ý kiến bạn đọc