(VnMedia) - Phái đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp vùng Hunter Valley của Australia (Hunternet) vừa có chuyến thăm Việt Nam với mục đích gặp gỡ các doanh nghiệp trong ngành khai thác khoáng sản, đồng thời tham gia Triễn lãm và Hội thảo Kỹ thuật ngành khoáng sản Australia tại Triển lãm Khoáng sản Việt Nam 2016 được tổ chức tại Hà Nội.
Bà Janelle Casey - Cao ủy Thương mại Australia tại Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo tại Triển lãm Khoáng sản Việt Nam 2016. |
Phái đoàn Thương mại Hunternet gồm bảy doanh nghiệp của Australia hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và kỹ thuật khai thác khoáng sản. Phái đoàn sẽ cùng với một số doanh nghiệp khác của Australia tham gia triễn lãm lần này giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ cho công tác khai thác bền vững tại buổi Hội thảo Kỹ thuật Khai khoáng Australia do Tạp chí Khoáng sản Châu Á – Asia Miner phối hợp với Austrade tổ chức. Cùng tham gia với phái đoàn còn có ông Geoff Crowe, Tổng Giám đốc Cảng Newcastle2 .
“Việt Nam là một đối tác quan trọng của Australia trong khu vực ASEAN. Hai quốc gia chia sẻ một số lợi ích chung, trong đó bao gồm các vấn đề về phát triển và an ninh năng lượng”, Đại sứ Australia - ông Hugh Borrowman cho biết.
Việt Nam, cũng như các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, đang trong quá trình thực hiện chương trình điện khí hóa nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế. Vốn trước đây từng là nước xuất khẩu than, nhưng hiện nay Việt Nam lại đang phải nhập khẩu mặt hàng này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng, đặc biệt trong ngành điện. Điều này cũng bao gồm việc xây dựng công nghệ phát điện tiên tiến theo mô hình điện chạy than sạch cho Hiệu quả cao, Khí thải thấp (HELE). Trong năm 2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tăng công suất thêm 3.400 MW từ các nhà máy nhiệt điện than. Các nhà máy điện này tiêu thụ khoảng 10 triệu tấn than/năm.“Ngành Khai thác Khoáng sản tiếp tục là động lực quan trọng trong việc phát tiển kinh tế cho cả Australia và Việt Nam. Australia là một trong những nước xuất khẩu than lớn nhất trên thế giới và có trữ lượng than chất lượng cao có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng đang ngày càng gia tăng của Việt Nam”, Đại sứ chia sẻ thêm.
Việc xây dựng cảng hàng hóa có thể tiếp nhận tàu chở than có tải trọng lớn nhằm phục vụ kế hoạch nhập khẩu than có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam. Đây cũng là lĩnh vực mà Australia có năng lực và kinh nghiệm có thể chia sẻ với Việt Nam.
Phái đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp vùng Hunter Valley của Australia giới thiệu và chia sẻ thông tin về doanh nghiệp với khách thăm quan tại Triển lãm. |
Tổng Giám đốc Cảng Newcastle, ông Geoff Crowe, cho biết Cảng Newcastle hiện nay xuất 158 triệu tấn than mỗi năm và có công suất lên đến 211 triệu tấn mỗi năm. Ông cũng bày tỏ mong muốn gặp gỡ và trao đổi với các đối tác thương mại Việt Nam về cơ hội hợp tác trong tương lai.
Bên cạnh năng lực cung cấp than, Australia còn là một trong những quốc gia đi đầu trong ngành khai thác khoáng sản với 150 năm kinh nghiệm. Ngành khoáng sản của Australia có bề dày kinh nghiệm trong việc cân bằng giữa yếu tố thương mại và trách nhiệm đối với môi trường, xã hội. Với năng lực này, Australia có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển ngành khai thác khoáng sản và sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả.
“Quản lý nguồn tài nguyên bền vững và hiệu quả trong công tác khai thác luôn là yếu tố được quan tâm hàng đầu trong ngành khoáng sản của Australia. Đây là các yếu tố mà cộng đồng và người dân Australia kỳ vọng và ngành khoáng sản luôn nỗ lực để đáp ứng”, bà Janelle Casey, Tham tán Thương mại Cấp cao của Australia tại Việt Nam, cho biết.
Việt Nam hiện có hai mỏ được quản lý với tiêu chuẩn quốc tế. Một là, mỏ Núi Pháo thuộc sở hữu của Masan Resources, tập đoàn Masan và được quản lý bởi đội ngũ các nhà quản lý Australia. Mỏ Núi Pháo được vận hành tuân thủ theo nguyên tắc, quy trình khai thác bền vững và sử dụng công nghệ, dịch vụ của Australia. Thứ hai là mỏ Nickel Bản Phúc: sở hữu và quản lý bởi công ty TNHH Asian Mineral Resources. Đội ngũ các nhà quản lý Australia luôn đảm bảo các dự án mỏ không chỉ đáp ứng yêu cầu về an toàn và khai thác bền vững theo tiêu chuẩn Australia và quốc tế, đồng thời vẫn đạt được hiệu quả kinh tế.
Nối tiếp những chương trình hợp tác đã diễn ra thành công như Sáng kiến Hợp tác Khoáng sản Bền vững với Việt Nam năm 2015, Diễn đàn Hợp tác Khoáng sản Bền vững Australia – Việt Nam 2015, Hội thảo Phát triển Ngành Khai khoáng Bền vững và chuyến thăm Australia do Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng dẫn đầu vào tháng 11/2015, Chính phủ Australia sẽ tiếp tục hỗ trợ hợp tác với Việt Nam trong ngành năng lượng và tài nguyên.
Ý kiến bạn đọc