Vĩnh Phúc: Doanh nghiệp phù phép đất thuê thành đất sở hữu lâu năm

06:36, 03/03/2016
|

(VnMedia) - Với chiêu bài là thuê đất của người dân trong 5 năm để trồng ngô, Công ty TNHH Hồng Vân đã nhanh chóng biến đất thuê thành đất của mình để sử dụng trong 49 năm.

Theo những người dân tại xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, cuối năm 2008, hơn 50 hộ dân đã cho Công ty TNHH Hồng Vân thuê khu đất để trồng ngô trong vòng 5 năm theo sự vận động của chính quyền xã. Khi hết thời hạn cho thuê và lấy lại đất, người dân bất ngờ phát hiện ra rằng toàn bộ diện tích đất cho thuê đã không còn thuộc quyền sử dụng của họ mà thuộc về doanh nghiệp. Và điều bất ngờ nhất là việc chuyển nhượng số đất trên cho doanh nghiệp lại có chữ ký đồng thuận của chính họ.

Toàn bộ khu đất của công ty TNHH Hồng Vân hiện giờ biến thành xưởng gỗ và lò gạch
Toàn bộ khu đất của công ty TNHH Hồng Vân hiện giờ biến thành xưởng gỗ và lò gạch

Không chỉ bất ngờ khi biết mình bị lừa ký vào tờ thứ 2 trong bản hợp đồng chuyển nhượng đất, người dân còn phát hiện ra rằng chính quyền địa phương, cụ thể là lãnh đạo xã Cao Đại và huyện Vĩnh Tường, đã tạo dựng văn bản với chữ ký khống để báo cáo cấp trên.

Theo nội dung đơn tố cáo của người dân, năm 2008, tổng cộng có 52 hộ dân ở đội 9 (xóm Sông Hồng, thôn Cao Xá) cho Công ty TNHH Hồng Vân thuê 30.000m2 đất để trồng ngô, thời hạn hợp đồng kéo dài 5 năm (2008-2013), giá thuê  55.000 đồng/m2. Hết hạn hợp đồng, người dân yêu cầu Công ty TNHH Hồng Vân trả lại số diện tích đất trên nhưng không được chấp nhận.

Người dân xã Cao Đại bức xúc vì bị cướp trắng đất nông nghiệp
Người dân xã Cao Đại bức xúc vì bị cướp trắng đất nông nghiệp

“Khi chúng tôi kéo nhau lên UBND xã đòi lại đất, cán bộ xã lẫn phía công ty mới cho hay, Nhà nước đã có quyết định thu hồi diện tích đất mà chúng tôi đang cho Công ty Hồng Vân thuê. Việc che giấu một quyết định tận 5 năm mới công khai chẳng khác nào chính quyền cố tình lừa dối dân”, một người dân bức xúc nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc thỏa thuận đất đai giữa 52 hộ dân và Công ty TNHH Hồng Vân được xác nhận trong “hợp đồng chuyển nhượng” và nhiều người đã ký xác nhận. Tuy nhiên, đại diện bà con cho rằng, hợp đồng này có thể bị ai đó “đánh tráo” nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.

Cụ thể, theo phản ánh, bản hợp đồng ban đầu thỏa thuận là cho Công ty TNHH Hồng Vân thuê có thời hạn chứ không phải ­chuyển nhượng. Mặt khác, dẫu thừa nhận nét chữ ký trong bản hợp đồng nhưng người dân lại phủ nhận việc trực tiếp ký vào biên bản giao kèo đó. “Đại diện Công ty Hồng Vân mang hợp đồng đến từng nhà mời ký vào bản hợp đồng. Do trời tối nên chúng tôi không đọc kỹ nội dung trong đó viết gì”, một người tố cáo cho hay.

Cũng theo người này, trong cuộc họp trước khi đi đến thỏa thuận, các hộ, đại diện chính quyền và công ty đã “giao kèo miệng” với nhau rằng cho thuê đất. “Cuộc họp thỏa thuận miệng rằng cho thuê đất, bà con ai cũng đồng ý. Vài ngày sau, chúng tôi mới ký vào bản hợp đồng. Không hiểu tại sao mà trong đó lại chuyển thành hợp đồng chuyển nhượng”, nội dung đơn thư có đoạn. Phía người dân đều chung quan điểm đề nghị Công ty TNHH Hồng Vân trả lại đất cho họ.

Ông Tô Quang Thái lúc đó là Đội trưởng Đội sản xuất số 9 và cũng là người được xã bầu làm đại diện chính quyền địa phương họp dân về việc cho Công ty Hồng Vân thuê đất xác nhận: "Cuộc họp chỉ bàn đến việc người dân cho doanh nghiệp thuê đất 5 năm để trồng ngô nhưng trong biên bản họp lại ghi là họp về giải phóng mặt bằng để doanh nghiệp làm lò gạch". Ông Thái khẳng định ông không phải là trưởng thôn và chữ ký trong biên bản không phải là của ông.

Ông Đặng Quang Thắng là Trưởng thôn Cao Xá, xã Cao Đại, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc và cũng là người được người dân cho rằng đã âm thầm giữ các bản hợp đồng chuyển nhượng đầy bí ẩn của 50 hộ dân trong hơn 3 năm, không hề đưa cho người dân. Khi các hợp đồng được trình lên huyện để làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp, vợ ông Thắng thừa nhận đã giữ các giấy tờ này.

Điều bất thường nữa là mặc dù đến nay khu đất của người dân đã được chuyển quyền sử dụng sang cho doanh nghiệp nhưng tại các sổ đỏ do người dân nắm giữ, ở trang thứ 4, huyện Vĩnh Tường lại không hề điều chỉnh về việc chuyển nhượng này.

Theo đúng quy định của pháp luật, đây là hoạt động bắt buộc đối với giao dịch chuyển nhượng bất động sản. Việc cho thuê 5 năm với việc chuyển nhượng vĩnh viễn là hoàn toàn khác nhau. Và với việc xin thuê đất 5 năm rồi lừa ký vào hợp đồng chuyển nhượng vĩnh viễn như thế này, chắc chắn, người dân sẽ không bao giờ đưa sổ đỏ cho doanh nghiệp để cùng làm các thủ tục điều chỉnh.


Ý kiến bạn đọc